Ngày mai (21/2), Liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ.
Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, giá xăng thành phẩm trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 17/2 tăng khá cao so với kỳ tính giá trước đó (ngày 11/2).
Theo đó, giá xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 trung bình là 108,8 USD/thùng, chu kỳ trước là 101,8 USD/thùng. Còn giá xăng RON 95 là 111,32 USD/thùng, kỳ trước là 104,13 USD/thùng. Như vậy, giá xăng RON 92 và giá xăng RON 95 ở chu kỳ này tăng tới 7-8% so với chu kỳ trước.
Tương tự, giá dầu trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 17/2 cũng tăng cao so với kỳ tính giá trước đó.
Trên thị trường thế giới, giá dầu thô tăng cao trong bối cảnh nguồn cung không đủ đáp ng nhu cầu, lạm phát cao và căng thẳng giữa Nga và Ukraine gia tăng. Đóng phiên giao dịch cuối tuần (ngày 19/2), giá dầu WTI tăng nhẹ, lên mức 90,55 USD/thùng, còn dầu Brent được giao dịch ở mức 91,61 USD/thùng.
Trong tuần vừa qua, giá dầu WTI tăng gần 1%, còn dầu Brent lại giảm 1,7%. Nhiều chuyên gia nhận định giá dầu đang ở mức cao, có thể lên mốc 100 USD/thùng trong tương lai gần.
Trong kỳ điều hành ngày mai, nhiều dự báo cho rằng giá xăng dầu trong nước lại tiếp tục tăng mạnh theo xu hướng giá thế giới. Trao đổi với báo , lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu dự báo giá bán lẻ sẽ tăng khoảng 800 - 1.000 đồng mỗi lít tùy loại.
Nếu dự báo trên là chính xác thì thị trường xăng dầu trải qua lần thứ 5 tăng liên tiếp, ở mức rất cao. Một số doanh nghiệp lo ngại sau kỳ điều chỉnh ngày 21/2 thì chiết khấu vẫn rất thấp, có thể ở mức 0 đồng, gây khó khăn cho việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tình trạng bán hàng nhỏ giọt trước kỳ điều chỉnh lại tiếp tục tái diễn gây lo ngại việc duy trì thông suốt nguồn cung đối với mặt hàng thiết yếu như xăng dầu. Nhiều cây xăng tại Tp.HCM đã xuất hiện tình trạng bán giới hạn hoặc ngưng bán.
Trước đó, tại kỳ điều hành ngày 11/2/2022, giá xăng E5 RON92 tăng 976 đồng/lít, giá bán không cao hơn 24.571 đồng/lít. Xăng RON95-III tăng 962 đồng/lít, giá bán không cao hơn 25.322 đồng/lít.
Trong khi đó, giá các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh tăng mạnh. Cụ thể, giá dầu diesel 0.05S tăng 962 đồng/lít, giá bán không cao hơn 19.865 đồng/lít. Giá dầu hỏa tăng 958 đồng/lít, giá bán không cao hơn 18.751 đồng/lít. Giá dầu mazut 180CST 3.5S tăng 666 đồng/kg, giá bán không cao hơn 17.659 đồng/kg.
Để kiềm chế mức tăng giá, Liên Bộ Công Thương - Tài chính sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 200 đồng/lít; dầu diesel ở mức 400 đồng/lít; dầu hỏa ở mức 100 đồng/lít.
Yêu cầu 2 bộ chịu trách nhiệm toàn diện kết quả điều hành giá xăng dầu
Ngày 18/2, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa có văn bản yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, theo thẩm quyền chủ động điều hành giá xăng dầu.
Theo đó, việc điều này bảo đảm theo đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các quy định pháp luật có liên quan, bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước;
Văn bản cũng yêu cầu đánh giá kỹ tác động đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân; chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả điều hành giá xăng dầu; kiểm tra xử lý nghiêm không để xảy ra các hành vi trục lợi, đầu cơ, vi phạm pháp luật.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ động làm tốt công tác thông tin, truyền thông về việc điều hành giá xăng dầu để người dân và doanh nghiệp biết tạo sự đồng thuận trong xã hội.