Giá xăng dầu đồng loạt tăng mạnh từ 15h chiều nay

Từ 15h chiều 11/1, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu.
xang1-1642003719.jpg
 

 

Theo điều hành giá bán lẻ của liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng E5 RON 92 từ 15h ngày 11/1 sau điều chỉnh là 23.150 đồng một lít (tăng 600 đồng); RON 95 là 23.870 đồng một lít (tăng 580 đồng).

Giá các mặt hàng dầu đều tăng. Dầu hoả là 17.130 đồng một lít, tăng 620 đồng. Dầu diesel là 18.230 đồng một lít, tăng 660 đồng. Dầu madut là 16.360 đồng một kg, tăng 620 đồng.

Như vậy, đây là lần thứ hai liên tiếp từ cuối tháng 12/2021, giá xăng, dầu bán lẻ trong nước tăng mạnh trở lại.

Ở kỳ điều chỉnh lần này, liên Bộ không chi sử dụng từ quỹ bình ổn xăng dầu. Thay vào đó tăng trích quỹ các mặt hàng xăng, dầu vào Quỹ bình ổn.

Theo đó, Liên Bộ thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu như sau: Thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với  xăng E5 RON 92 ở mức 100 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 450 đồng/lít, dầu diesel ở mức 100 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít, dầu mazut ở mức 500 đồng/kg. 

Trước đó, tại kỳ điều hành ngày 25/12, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 470 đồng, RON 95 tăng 490 đồng, dầu tăng tối đa 240 đồng một lít.

Sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, mỗi lít giá xăng dầu bán lẻ trong nước với xăng E5 RON 92 là 22.550 đồng; RON 95 là 23.290 đồng; Dầu hoả là 16.510 đồng; Dầu diesel là 17.570 đồng...

Theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, thị trường xăng dầu thế giới từ kỳ điều hành giá ngày 25/12/2021 đến kỳ điều hành này chịu ảnh hưởng của các yếu tố chính như: Nguồn cung giảm do tồn kho dầu của Mỹ giảm, sản lượng khai thác tại Kazakhstan và Libya giảm… nên giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng.

Tình hình dịch bệnh trong nước vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, nhất là tại Hà Nội và một số tỉnh phía Nam. Nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, trong năm 2021, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã thực hiện chỉ sử dụng liên tục Quỹ Bình ổn giá ở mức cao và hiện số dư Quỹ Bình ổn giá vẫn ở mức thấp, một số doanh  nghiệp lớn vẫn có số dư Quỹ Bình ổn giá âm (Petrolimex, PVOIL…). 

Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính quyết định thực hiện trích lập và sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng dầu một cách hợp lý để giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng của giá xăng dầu thế giới và bảo đảm duy trì công cụ Quỹ Bình ổn giá ở mức phù hợp để có dư địa điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới, nhất là dịp cận Tết Nguyên đán 2022.

Việc điều hành giá xăng dầu nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường ngay từ đầu năm 2022, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đang gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ.

Đào Vũ (Tổng hợp từ báo Quân đội Nhân dân, Lao Động)