Ngày 18/8, sau 5 lần điều chỉnh gần nhất, giá xăng từ mức cao kỷ lục 32.870 đồng/lít đã giảm dần về hơn 23.000 đồng/lít và dự báo có khả năng giảm tiếp lần thứ 6, tương ứng với mức giảm khoảng 22% so với đỉnh vào tháng 6/2022.
Ghi nhận của PV tại Tp.HCM, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Tp.HCM, Giám đốc Taxi Vinasun cho biết: “Vinasun vừa đăng ký thủ tục giảm giá cước 1.000 đồng/km sau khi giá xăng dầu giảm. Cách đây mấy tháng khi giá xăng dầu lên, hãng cũng chỉ tăng 600 đồng/km”.
Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines thông tin, lần giảm giá xăng dầu này, công ty không giảm giá cước mà vẫn giữ nguyên. Lý do từ trước dịch đến nay, kể cả trong giai đoạn xăng tăng giá mạnh nhưng công ty vẫn không tăng giá vé.
Tương tự, ông Lê Ðức Thành, Giám đốc Công ty Thành Bưởi cũng cho biết, công ty vẫn giữ nguyên giá vé không tăng, giảm, bởi trong đợt xăng tăng giá trước đó giá vé công ty không tăng.
Đại diện Bến xe Miền Đông cho biết, hiện nay có khoảng 145 doanh nghiệp hoạt động tại bến nhưng chỉ có Công ty Hồng Sơn chạy tuyến Nam Tuy Hòa đăng ký giảm giá cước. Lúc xăng tăng giá, nhiều đơn vị cũng chỉ tăng từ 20 - 23% giá cước hoặc không tăng nên đến thời điểm này, hầu hết doanh nghiệp trong bến không giảm giá vé.
“Nếu tăng giá vé cao mà không có khách thì doanh nghiệp không sống được. Do đó, doanh nghiệp họ tự cân đối nguồn thu, tuyến đường, lượng khách để có thể tăng hay giảm cho phù hợp”, vị này nói.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, giá cước vận tải hàng hóa hoạt động theo cơ chế thị trường. Mỗi doanh nghiệp xây dựng giá cước trên cơ sở các chi phí đầu vào của giá thành vận tải. Những yếu tố cấu thành nên chi phí vận tải là một trong các căn cứ để doanh nghiệp quyết định giá cước.
“Chi phí về nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành vận tải. Giá đó được doanh nghiệp dự báo trong một chu kỳ để tính toán giá cước. Giá cước này cũng được tính trên cung cầu của thị trường, độ tín nhiệm của chủ hàng hay hành khách, chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp. Như vậy, giá cước phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không chỉ phụ thuộc vào chi phí xăng dầu”, ông Quyền nói.
Trong khi đó, theo các doanh nghiệp, khi giá nhiên liệu tăng cao liên tục cùng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm gián đoạn nguồn cung khiến giá thành của các nguyên, vật tư khác của phương tiện cũng tăng theo mà đến nay những mặt hàng này chưa có sự hạ nhiệt.
Do đó, không phải chỉ dựa trên sự giảm giá trong một vài phiên của xăng, dầu mà doanh nghiệp vận tải có thể điều chỉnh được giá cước vận tải ngay, nhất là khi đã phải gồng lỗ trong thời gian dài vừa qua.
“Tuy nhiên, đã hoạt động theo thị trường, các doanh nghiệp cũng cần có điều chỉnh theo thị trường cho hợp lý, vừa thể hiện sự sòng phẳng vừa tôn trọng khách hàng”, ông Quyền khẳng định.
Ngày 3/8, Bộ Tài chính đã cho ý kiến về việc quản lý mặt hàng thiết yếu và giá cước vận tải khi giá xăng dầu đã hạ rất sâu sau mấy đợt điều chỉnh.
Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo rà soát, tiết giảm chi phí để giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ đối với các dịch vụ vận tải do nhà nước định giá thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải.
Ngày 8/8, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có văn bản yêu cầu các đơn vị vận tải đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải... rà soát, kê khai để đánh giá việc điều chỉnh giá cước vận tải theo lĩnh vực phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu đã giảm giá liên tiếp.
Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động tham mưu cho UBND tăng cường công tác tổ chức kiểm tra, rà soát kê khai giá, niêm yết giá của đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn để đánh giá việc điều chỉnh giá dịch vụ vận tải đường bộ phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành giá; trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời; báo cáo kết quả trước ngày 20/8.