Facebook ngụp lặn trong 'lũ' cáo buộc

Liên tiếp nhiều ngày qua, ít nhất 3 cựu nhân viên Facebook hoặc công khai hoặc giấu mặt tố cáo mạng xã hội này dù biết rõ những nguy cơ tiềm ẩn trong nền tảng của mình nhưng vẫn 'sống chết mặc bay' chỉ vì lợi nhuận.
Facebook ngụp lặn trong lũ cáo buộc - Ảnh 1.

Bà Frances Haugen điều trần về các vấn đề của Facebook trước Quốc hội Anh tại London vào ngày 25-10 - Ảnh: Reuters

Đã có ít nhất 17 tổ chức truyền thông của Mỹ, trong đó Wall Street Journal, Financial Times và Washington Post, đã đăng tải cái gọi là Hồ sơ Facebook (The Facebook Papers), tức một loạt các bài báo dựa trên hàng ngàn trang tài liệu nội bộ của Facebook bị rò rỉ từ cựu nhân viên Frances Haugen.

Không ngạc nhiên

Ngày 5-10, bà Haugen đã điều trần trước tiểu ban Thượng viện Mỹ, tố cáo Facebook đặt lợi nhuận lên trên sự an toàn và hạnh phúc của người dùng. 

Đầu tuần này (25-10), bà tiếp tục điều trần trước Ủy ban Quốc hội Anh và tiếp tục cáo buộc Facebook "đang khiến thù hận trở nên nặng nề hơn" khi đẩy người theo hướng cực đoan để tăng tương tác với nền tảng của họ.

Bê bối liên quan tới Facebook tiếp tục lún sâu khi đã có ít nhất 2 cựu nhân viên khác, một người giấu tên và một người là cô Sophie Zhang, cũng đã lên tiếng tố cáo mạng xã hội này với những cáo buộc tương tự bà Frances Haugen.

Trước những cáo buộc, nhiều quan chức Facebook, trong đó có cả CEO Mark Zuckerberg, đều đã lên tiếng phản bác. 

Mới nhất, tuần trước, ông John Pinette - phó chủ tịch phụ trách truyền thông của Facbook - cho rằng những tài liệu bị rò rỉ chỉ là một số cái "được chọn lựa trong số hàng triệu tài liệu ở Facebook và không thể đưa ra được những kết luận công bằng về chúng tôi".

Giới quan sát cho rằng sẽ còn có thêm các thông tin cáo buộc Facebook trong những ngày tới hoặc những tuần tới. 

Dù vậy, làn sóng tố cáo đầu tiên đã nhấn vào chuyện Facebook đã thúc đẩy những nội dung độc hại trên nền tảng của họ trong khi giới lãnh đạo phớt lờ những cảnh báo hậu quả từ các nhân viên cấp dưới.

Bất chấp những bác bỏ của Facebook, nhiều chuyên gia Mỹ cho rằng các tài liệu rò rỉ nhìn chung đều nhất quán với những gì họ đã biết trước đó về công ty này.

"Quý vị hỏi tôi có ngạc nhiên vì điều gì trong những thứ này không à? Không... Tôi cảm thấy như thể trong nhiều năm qua chúng ta biết được từng chút manh mối về cách thức vận hành của Facebook. 

Và nay thì chúng ta có được một lô thông tin xác nhận những điều đó" - bà Elizabeth Cohen, chuyên gia về mạng xã hội và tâm lý truyền thông tại ĐH West Virginia, nói với Đài KUTV (thuộc Đài CBS của Mỹ). 

Ngày 27-10 báo Wall Street Journal cho biết Ủy ban Thương mại liên bang đang điều tra về những vấn đề cáo buộc Facebook được tiết lộ trong các tài liệu rò rỉ gần đây.

Thay tên mong "đổi vận"?

Giữa "bão" bê bối, từ tuần trước, giới truyền thông loan tin Facebook sắp đổi tên công ty và có thể sẽ công bố ngày 28-10, ngày diễn ra hội nghị Connect thường niên của họ. Kế hoạch đổi tên này được cho là một động thái nhằm thay đổi ấn tượng xấu đã bị "đóng đinh" với cái tên Facebook tồn tại hơn 17 năm qua. 

Có thể hình dung, sau khi đổi tên, ứng dụng màu xanh lam quen thuộc sẽ được thể hiện theo cách chỉ là một trong nhiều sản phẩm khác như Instagram, WhatsApp, Oculus của công ty "mẹ" với tên gọi mới.

Chuyên trang công nghệ The Verge cho rằng CEO Facebook, ông Mark Zuckerberg, mang tham vọng muốn được nhớ tới như một người kiến tạo nên cái gọi là vũ trụ ảo (metaverse). 

Từ tháng 7 năm nay, ông Zuckerberg đã tiết lộ với The Verge trong vài năm tới ông sẽ làm thay đổi cách nhìn của mọi người về công ty mình, từ chỗ chủ yếu là một công ty mạng xã hội thành một công ty vũ trụ ảo.

Vũ trụ ảo là một khái niệm có nội hàm rộng, nhưng về đại thể nó đề cập tới các không gian trực tuyến cho phép người dùng hoạt động, tương tác sinh động hơn so với các website truyền thống. 

Cũng có người dùng khái niệm này để chỉ không gian ảo, ở đó mỗi người có một avatar đại diện để tương tác với nhau. Ngày 18-10, Facebook từng công bố kế hoạch tuyển 10.000 lao động kỹ thuật cao tại Liên minh châu Âu (EU) trong 5 năm tới để phát triển vũ trụ ảo này.

Có lẽ vì thế mà ông Samidh Chakrabarti, cựu quan chức Facebook, mới đây cho rằng Facebook sẽ chọn tên mới là "Meta". 

Hãng tin Bloomberg còn phát hiện địa chỉ web meta.com hiện nay khi truy cập sẽ dẫn tới trang meta.org - vốn là trang nhà của một công cụ nghiên cứu y sinh do Tổ chức Chan Zuckerberg Initiative (Sáng kiến Chan Zuckerberg) quản lý, mà CEO Facebook lại là đồng sáng lập tổ chức này.

Nhưng cư dân mạng cũng còn đưa ra nhiều phỏng đoán khác về tên gọi mới của Facebook có thể là "FB", "The Facebook" hay "Horizon". Năm 2016, Công ty Snapchat cũng từng đổi tên thành Snap.

Các bê bối lớn gần đây của Facebook (FB)

3-2018: Rò rỉ dữ liệu của 87 triệu tài khoản liên quan Công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica.

2-2019: Báo Wall Street Journal phát hiện FB chia sẻ thông tin cá nhân như nhịp tim, chu kỳ kinh nguyệt, cân nặng cho các app bên thứ ba.

3-2019: FB gây sức ép với các chính trị gia thế giới, để họ phản đối luật bảo vệ dữ liệu cá nhân.

4-2019: Tòa Pháp phạt FB 34.000 USD vì đặt ra những điều khoản ép buộc người dùng vô lý.

FB tuyên bố đã chuẩn bị 3 tỉ USD để nộp phạt, sau khi chính quyền Mỹ điều tra về thỏa thuận năm 2011 về xử lý dữ liệu cá nhân.

5-2019: WhatsApp, ứng dụng của FB có hơn 1,5 tỉ người dùng, bị tấn công mạng; tin tặc đã cài đặt mã độc lên điện thoại (cả iPhone và Android).

4-2021: Thông tin cá nhân của 533 triệu người dùng FB bị tung lên diễn đàn hacker, trong đó gồm số điện thoại, email.

9-2021: Cựu nhân viên Frances Haugen công bố một loạt tài liệu nội bộ của FB cho thấy công ty này đã biết các nền tảng của họ có thể gây hại cho sức khỏe tâm thần người trẻ.

 

Giới lập pháp Mỹ: trẻ em đang không an toàn trên mạng xã hội

Sau phiên điều trần chấn động của bà Frances Haugen trước tiểu ban Thượng viện Mỹ vào hôm 5-10, ngày 26-10 tiểu ban này tiếp tục triệu tập lãnh đạo của YouTube, TikTok và Snapchat tới chất vấn về những nguy cơ tai hại và không an toàn của 3 mạng xã hội này với trẻ em.

Điểm đáng chú ý nhất của phiên điều trần kéo dài 3 tiếng ngày 26-10 là lần đầu tiên hai công ty TikTok và Snap phải trình bày trước quốc hội.

Các thượng nghị sĩ đã tỏ ra rất lo lắng về việc những nền tảng này gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tâm thần của người trẻ, và bất kể những cam kết và hứa hẹn sẽ cải thiện của ba công ty, giới lập pháp Mỹ vẫn thấy các mạng xã hội chưa làm đủ để bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên.

Theo: Tuổi Trẻ