Nhân sự vừa thiếu vừa yếu
Trên chuyến xe đi Tp.Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) nghỉ mát với công ty vào tháng 6/2022 mới đây, Xuân Anh, 28 tuổi, ngụ Tp.HCM nhìn các hướng dẫn viên say sưa làm việc mà chợt nhớ nghề cũ. Xuân Anh từng là một hướng dẫn viên du lịch nội địa. Vào những mùa cao điểm, thu nhập của cô gấp đôi bình thường.
Nhưng đại dịch Covid-19 từ 2 năm trước khiến Xuân Anh không thể theo đuổi với nghề. Cô chuyển sang làm thư ký kinh doanh cho một công ty có vốn đầu tư nước ngoài đến nay đã gần 1 năm.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực du lịch cũng thừa nhận, trong lúc ngành du lịch bứt phá khi khách liên tục “chốt đơn”, khi giá tour nội địa cao hơn cả tour nước ngoài thì họ vẫn gặp khó khăn bởi lực lượng nhân sự thiếu hụt chứ đừng nói lao động có tay nghề, có trình độ.
Ông Nguyễn Minh Mẫn - Giám đốc Truyền thông TST Tourist cũng cho biết, chỉ khoảng 60% nhân sự cũ quay trở lại làm việc sau dịch. Ngay cả việc tuyển dụng các sinh viên cũng khó vì đối tượng này chưa định hướng được nghề nghiệp để cùng doanh nghiệp phát triển lâu dài.
Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Tp.HCM đánh giá: “Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế xã hội và đời sống, trong đó ngành du lịch chịu ảnh hưởng trực tiếp và toàn diện. Số lượng du khách cũng như doanh thu du lịch đã sụt giảm mạnh, tăng trưởng của ngành du lịch giảm sâu, nhiều người lao động phải rời ngành để tìm kiếm việc làm khác”.
Ngành du lịch có hơn 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên nhiều doanh nghiệp phải chuyển loại hình kinh doanh hoặc đóng cửa, nhiều người lao động phải rời ngành để tìm kiếm việc làm khác.
Đến thời điểm hiện nay, với hiệu quả của các chính sách phòng chống dịch và chiến lược phủ vắc-xin trên diện rộng của chính phủ và các địa phương, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đời sống kinh tế xã hội đang bắt đầu trở lại trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, ngành du lịch vẫn đang đang đứng trước một số khó khăn, thách thức mới.
“Một trong những khó khăn lớn nhất đối với ngành du lịch hiện nay là nguồn nhân lực. Thách thức này không chỉ đối với Việt Nam, mà tất cả các nước trong khu vực, trên thế giới đều đang phải đối diện”, bà Ngọc Hiếu chỉ ra.
Nếu như trước dịch Covid-19, ngành du lịch Thành phố này trăn trở về nguồn nhân lực không đồng đều về chất lượng, tính chuyên nghiệp, thì sau tác động ảnh hưởng của dịch Covid-19, vấn đề đáng lo ngại là tình trạng nguồn nhân lực đang trở nên thiếu và yếu cả về chất lượng và số lượng.
Nguyên nhân do sự chuyển dịch về nguồn lao động giữa các ngành nghề, giữa các địa phương, do thời gian gián đoạn, đứt gãy chuỗi hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; 80% lực lượng lao động du lịch nghỉ việc hoặc chuyển đổi ngành nghề.
Cần giải pháp trước mắt và lâu dài
Theo các chuyên gia, để giải quyết bài toán nguồn nhân lực cho ngành du lịch, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nhằm bảo đảm chất lượng, tiết kiệm chi phí... cho cả hai bên.
Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Thừa Thiên - Huế, cho rằng khi du lịch quay lại, vấn đề hàng đầu là nguồn nhân lực, bởi ngành này có đặc trưng là nhân lực phục vụ chiếm hơn một nửa chất lượng sản phẩm.
Theo ông Thắng, đây là bài toán đặt ra cho các cơ quan quản lý du lịch, các đơn vị kinh doanh. Nếu không giải quyết được vấn đề này, chất lượng phục vụ sẽ giảm và khách có nguy cơ không quay trở lại.
“Để giải quyết bài toán nhân sự du lịch, các doanh nghiệp cần có chính sách tốt để kêu gọi những nhân viên đã nghỉ quay lại, đầu tư thêm kinh phí để đào tạo nhân lực mới và liên kết các trường du lịch cho sinh viên đến làm ở các cơ sở. Tuy nhiên, thị trường khách phải ổn định”, ông Thắng chỉ ra.
Còn theo Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng, các hoạt động ký kết hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp không phải chỉ diễn ra trong 1-2 năm mà cần được duy trì, phát huy trong những thời gian tiếp theo để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp luôn đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao kỹ năng làm việc cho người lao động, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp và thị trường lao động nói chung.
Chính vì vậy, ngoài sự kết hợp giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp, các ngành liên quan cần tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực phối hợp với các doanh nghiệp trong việc đào tạo, đào tạo lại và cung ứng nguồn nhân lực.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nói: “Trong điều kiện bình thường mới, cần rà soát nguồn nhân lực du lịch, nhận diện rõ những hạn chế, yếu kém, thiếu hụt về chuyên môn nghiệp vụ của từng bộ phận; nghiên cứu nhu cầu thị trường, dự báo phát triển du lịch để tính toán nhu cầu đào tạo tập trung, đào tạo tại chỗ, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ và xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo của từng địa phương, cơ sở”.
Cùng với đó, theo ông Bình, cần có chính sách về lương, môi trường làm việc... tốt, cho người lao động hưởng lương theo bậc, năng lực để khuyến khích họ nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề.
“Giải pháp cấp bách trong hỗ trợ nhân lực là rà soát các chính sách hỗ trợ của nhà nước, bổ sung, điều chỉnh và tổ chức triển khai các gói hỗ trợ tài chính ngắn hạn cho doanh nghiệp du lịch, khu, điểm tham quan, di tích. Cần rà soát và thành lập mạng lưới lao động du lịch địa phương theo đầu mối các doanh nghiệp, thông qua hệ thống liên lạc linh hoạt, nhằm đảm bảo bổ sung nhân lực du lịch phù hợp với hoạt động du lịch nội địa, du lịch quốc tế, đáp ứng các quy định về phòng, chống dịch Covid-19…” ông Bình đề xuất.
Tại hội nghị Tuyển sinh - đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng năm 2022 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức hồi cuối tháng 4/2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng cho biết, nhân lực du lịch trở nên thiếu hụt nghiêm trọng sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các doanh nghiệp lữ hành rơi vào khủng hoảng, 90-95% doanh nghiệp dừng hoạt động, chuyển ngành nghề, đổi mô hình kinh doanh, cắt giảm nhân sự.
Nếu như năm 2019, Việt Nam có 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch thì đến năm 2020, gần 80% nhân sự của ngành này bị cắt giảm bởi ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Năm 2021, chỉ 25% lao động trong số còn lại làm việc đủ thời gian.