Ngày 10/5, tại Tp.HCM, diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam (Vietnam Online Business Forum – VOBF 2022) được tổ chức với quy mô toàn quốc, quy tụ cộng đồng thương mại điện tử trong và ngoài nước.
Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam là cơ hội để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trao đổi về những cơ hội và thách thức của lĩnh vực thương mại điện tử trong thời gian tới.
Các chủ đề nóng tác động trực tiếp tới nhiều doanh nghiệp như cạnh tranh, hành lang pháp lý, sự chuyển mình của công nghiệp 4.0... thu hút sự quan tâm đông đảo của cộng đồng.
Đặc biệt diễn đàn năm nay đã điều chỉnh thêm các chủ đề hấp dẫn giúp doanh nghiệp có những chiến lược phù hợp để khắc phục hậu quả sau đại dịch Covid-19 vừa qua. Cùng với đó là chủ đề hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh định hướng kinh doanh trực tuyến trong năm 2022 và giai đoạn tiếp theo.
Tại chương trình, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam.
Thưa ông, thị trường thương mại điện tử Việt Nam được đánh giá ra sao qua 2 năm qua?
Ông Nguyễn Ngọc Dũng: Trong năm 2021, hầu hết mọi người phải làm việc, học tập trên online và dần dần trở thành thói quen đến bây giờ. Chính điều đó đã thúc đẩy ngày càng nhiều người kinh doanh, mua sắm online. Bên cạnh đó, trước đây chúng ta nói về thương mại điện tử chỉ dành cho giới trẻ nhưng bây giờ đã phổ biến khi đối tượng người nội trợ gia đình ngày càng tăng lên.
Các thống kê, báo cáo cho thấy bức tranh rất tươi sáng với nhiều tín hiệu lạc quan đối với thị trường thương mại điện tử. Nếu như trước đây, thương mại điện tử chỉ tập trung chủ yếu ở những thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM hay Đà Nẵng thì trong thời gian qua, hoạt động mua sắm trực tuyến đã dần mở rộng ra các tỉnh thành lân cận.
Đây là tín hiệu tích cực cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành thương mại điện tử tại Việt Nam. Có thể khẳng định, Việt Nam sẽ đưa thương mại điện tử trở thành mũi nhọn để phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng:Khi hoạt động mua sắm online ngày càng phổ biến thì tỷ lệ người tiêu dùng phản ánh không hài lòng về chất lượng sản phẩm cũng tăng lên. Ông đánh giá gì về thực trạng này?
Trước đây, chúng ta thường nghe người tiêu dùng phàn nàn vì sản phẩm mua qua online không giống như quảng cáo. Hiện nay, mỗi ngày cả nước có hàng triệu đơn hàng online. Các doanh nghiệp khi đưa hàng hoá lên sàn đều phải tuân thủ quy định chung của từng sàn về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
Khi đơn vị nào đó xảy ra việc bán hàng kém chất lượng thì bên cạnh thủ tục xử lý của sàn còn bị cộng đồng người mua hàng tẩy chay. Các sàn đều có chính sách đổi trả chứ không phải không được đổi trả như trước đây. Vì thế, khi người tiêu dùng ngày càng nâng cao nhận thức thì hững công ty, đơn vị bán hàng kém chất lượng sẽ bị đào thải.
Trong bối cảnh thương mại điện tử giúp hàng hoá Việt Nam đưa ra thị trường nước ngoài dễ dàng hơn và ngược lại, phía Hiệp hội có nhận xét gì về năng lực của doanh nghiệp trong nước khi cạnh tranh với quốc tế không, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Dũng: Việc bán hàng hoá Việt Nam ra nước ngoài không chỉ cần công nghệ mà còn đòi hòi kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm kinh doanh của các doanh nghiệp. Mà điều này thì các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế khi chúng ta có sản phẩm tốt nhưng chưa sẵn sàng, chưa có kiến thức để triển khai các hoạt động ngoại thương.
Bản thân người bán hàng phải tự nâng cao năng lực của mình từ việc đóng gói, bao bì đến giao tiếp, giấy phép,…khi đưa hàng hoá của mình ra thị trường quốc tế. Không phải chúng ta sản xuất cái gì thì bán cái đó mà phải hiểu rõ nhu cầu của từng thị trường để có cách thiết kế, quảng bá,… đúng mục tiêu, tối ưu hoá hiệu quả kinh doanh.
Mỗi năm, Hiệp hội chúng tôi triển khai xúc tiến, hỗ trợ doanh nghiệp tại nhiều tỉnh thành và xây dựng các sàn bán hàng nội bộ để doanh nghiệp có thể thực tập ở “ao làng” trước khi tham gia các sàn lớn trong nước và trên thế giới. Một doanh nghiệp mới lên sàn mà gặp các doanh nghiệp khác lớn mạnh sẽ choáng ngợp, mất tự tin dù sản phẩm của họ rất có ưu thế.
Báo cáo chỉ số thương mại điện tử EBI 2021 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phát hành vào tháng 4/2022 chỉ ra, điểm trung bình chỉ số thương mại điện tử năm 2021 của các địa phương là 8,5 điểm.
Chỉ số thương mại điện tử năm 2021 phản ảnh rõ ràng một cách định lượng khoảng cách giữa các địa phương. Khoảng cách chênh lệch trong phát triển thương mại điện tử giữa các địa phương vẫn là vấn đề lớn khi Tp.HCM và Hà Nội bỏ xa những tỉnh thành còn lại.
Cụ thể, điểm của top 10 tỉnh, thành là Tp.Cần Thơ 8,59 điểm, Bắc Ninh 9,41 điểm, Khánh Hòa 9,71 điểm, Bà Rịa - Vũng Tàu 9,99 điểm, Hải Phòng 11,11 điểm, Đồng Nai 11,14 điểm, Bình Dương 14,76 điểm, Tp.Đà Nẵng 19,04 điểm, Tp.Hà Nội 55,66 điểm và Tp.HCM đạt 67,63 điểm.