Quá tải nhiều điểm du lịch
Theo ghi nhận của PV, nhiều điểm đến du lịch khắp cả nước từ Tp.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Nam, Phú Quốc, Bình Định, Cần Thơ, Bình Thuận, Cà Mau… đang đón mùa hè "rực rỡ" với lượng khách tăng nhanh chóng.
Tại Bình Thuận, từ đầu mùa hè đến nay, lượng khách nội địa đổ về ngày một nhiều. Các cung đường bên trong Khu Du lịch quốc gia Mũi Né luôn ken kín ôtô, xe khách ngoại tỉnh chở du khách. Đại diện Ban Quản lý Khu Du lịch Hàm Tiến - Mũi Né (Tp.Phan Thiết) cho hay: “Các tour cuối tuần trong 3 tháng hè (từ tháng 6 - 8) ở các resort từ 3 sao trở lên phần lớn đã kín phòng, công suất từ 70% trở lên”.
Báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện 90% doanh nghiệp đã mở cửa đón khách trở lại, xây dựng các chương trình giảm giá kích cầu du lịch, triển khai nhiều gói sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn.
Còn tại thành phố biển Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) cũng luôn nhộn nhịp khách từ sáng đến tối, nhất là dịp cuối tuần. Tình trạng kẹt xe ở thành phố này cũng xảy ra thường xuyên bởi lượng khách du lịch từ các nơi đổ về.
Những điểm du lịch nổi tiếng khác ở Bình Định như: Hầm Hô, Bảo tàng Quang Trung; Trung Lương - Cát Tiến, Nhơn Hải, Ghềnh Ráng… thường xuyên tấp nập du khách đến tham quan.
Các cơ sở lưu trú ở Tp.Quy Nhơn cũng sôi động trở lại sau gần 2 năm đóng cửa vì dịch Covid-19. Hệ thống khách sạn, nhất là khách sạn từ 3 - 5 sao, luôn trong tình trạng "cháy" phòng. Ngay cả homestay trong các hẻm nhỏ cũng đông khách.
Tại Khánh Hòa, ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng Ban Quản lý vịnh Nha Trang, cho biết bến tàu du lịch Nha Trang những ngày này đang đón lượng lớn du khách.
Ngày trong tuần, bến tàu đón khoảng 4.000 lượt khách/ngày, riêng cuối tuần lên đến 6.000 - 7.000 khách/ngày. Khách chủ yếu đi tour 3 đảo tới Hòn Mun, Hòn Tằm, Làng Chài, Bãi Tranh, vịnh San Hô, Hòn Sỏi… Sau khi tạm dừng lặn biển ở Hòn Mun, du khách chuyển hướng đến lặn ở Bãi Tranh và vịnh San Hô do công ty quản lý.
Thống kê của Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho thấy, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đón hơn 1 triệu lượt khách du lịch, tăng 128% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch ước đạt gần 5.550 tỉ đồng, tăng 209%.
Doanh thu tăng nhanh, phấn khởi toàn ngành
Tại Tp.Đà Nẵng, những ngày này, các tuyến đường ven biển luôn tấp nập chuyến xe chở khách ra vào các khách sạn; bãi biển chật kín người vào mỗi buổi sáng, chiều… Các khách sạn, cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố đều tự tin sẽ kín phòng trong suốt mùa hè.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng Giám đốc Furama Resort Da Nang nhận định: “Với sự phục hồi mạnh mẽ của nguồn khách du lịch nội địa, công suất phòng của các khách sạn đạt từ 60%-80%, hiện có khoảng 80% cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố đã mở cửa”.
Tại Quảng Nam, từ giữa tháng 3/2022 đến nay, sau khi du lịch hoàn toàn mở cửa, lượng khách đến có sự tăng trưởng khá ấn tượng. Trung bình mỗi ngày, phố cổ Hội An đón khoảng 10.000 lượt khách đến tham quan.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam nói: “Du lịch của tỉnh đang phục hồi rất tốt. Trong 6 tháng đầu năm, chúng tôi đón 2,3 triệu lượt khách, một phần đến từ việc quảng bá tốt Năm Du lịch quốc gia. Hiện các khu, điểm du lịch và cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh đang tập trung nâng cấp chất lượng, đa dạng các sản phẩm; các doanh nghiệp và ngành du lịch cũng tăng cường đào tạo nguồn nhân lực để nâng chất lượng dịch vụ”.
Ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tp.Cần Thơ thông tin: “Tổng lượt khách tham quan, du lịch trong 6 tháng đầu năm 2022 ở Tp.Cần Thơ đạt hơn 3,1 triệu lượt (tăng 55% so với cùng kỳ). Các cơ sở lưu trú phục vụ hơn 1,2 triệu lượt, tăng 50% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm nay; doanh thu du lịch rất khả quan”.
Ngay cả 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM, hoạt động du lịch cũng rất tích cực trong nửa đầu năm, phản ánh du lịch đang hồi phục nhanh chóng. Theo Sở Du lịch Tp.HCM, 6 tháng đầu năm 2022, Tp.HCM đón hơn 11 triệu lượt khách nội địa, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng thu du lịch đạt gần 50.000 tỷ đồng, tăng gần 30%.
Còn đại diện Sở Du lịch Tp.Hà Nội cho biết trong 6 tháng qua, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 8,61 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.200 tỷ đồng, đều tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Theo các địa phương trên, diễn biến này dù đã được dự báo ngay sau khi dịch được kiểm soát nhưng vẫn không khỏi bất ngờ vì nhu cầu du lịch hè tăng đột biến.
Cơ hội song song thách thức
Tuy nhiên, trong xu hướng bùng nổ của du lịch hè, ngành du lịch đang phải đối mặt những vấn đề về nguồn nhân lực thiếu hụt nghiêm trọng sau đại dịch Covid-19; tình trạng chất lượng dịch vụ ở các điểm đến, trong đó có nạn "chặt chém"; thiếu sản phẩm du lịch mới hấp dẫn hơn, phù hợp thị hiếu thay đổi của du khách và ứng phó với chi phí đầu vào tăng cao...
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Tp.HCM đánh giá: “Ngành du lịch Tp.HCM đang triển khai kế hoạch để du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị, đầu tư, mua sắm…) được khai thác đồng bộ và hiệu quả hơn. Trong đó Tp.HCM sẽ xây dựng riêng một chương trình đón khách MICE trên cơ sở tiếp thu các giải pháp hiệu quả của các thành phố lớn trong và ngoài nước”.
Ngoài ra, các sản phẩm du lịch của Tp.HCM cũng sẽ được kết hợp với loại hình MICE. Chẳng hạn sau hội thảo, hội nghị là các chương trình tham quan, vui chơi tại các điểm du lịch mới, điểm tham quan của Tp.HCM như thưởng thức nghệ thuật biểu diễn lân sư rồng, ẩm thực… tại quận 5, tham quan các di tích nổi tiếng của thành phố.
Theo ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty Kiwi Travel thì Tp.HCM có những lợi thế tốt để khai thác du lịch MICE so với các địa phương khác. Thuận lợi lớn nhất là hệ thống giao thông khi có sân bay quốc tế; cơ sở vật chất (lưu trú, phòng họp tiêu chuẩn cao…) đáp ứng được nhu cầu khách hàng ở nhiều phân khúc khác nhau, trong đó đặc biệt là nhóm khách hàng cao cấp.
Chi phí cho các đoàn MICE ở TPHCM đang rẻ hơn từ 30% so với những địa phương khác. Nguồn nhân lực phục vụ chuyên nghiệp...
Đối với bài toán nguồn nhân lực cho ngành du lịch, các chuyên gia cho rằng, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nhằm bảo đảm chất lượng, tiết kiệm chi phí... cho cả hai bên.
Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Thừa Thiên - Huế, cho rằng khi du lịch quay lại, vấn đề hàng đầu là nguồn nhân lực, bởi ngành này có đặc trưng là nhân lực phục vụ chiếm hơn một nửa chất lượng sản phẩm.
Theo ông Thắng, đây là bài toán đặt ra cho các cơ quan quản lý du lịch, các đơn vị kinh doanh. Nếu không giải quyết được vấn đề này, chất lượng phục vụ sẽ giảm và khách có nguy cơ không quay trở lại.
“Để giải quyết bài toán nhân sự du lịch, các doanh nghiệp cần có chính sách tốt để kêu gọi những nhân viên đã nghỉ quay lại, đầu tư thêm kinh phí để đào tạo nhân lực mới và liên kết các trường du lịch cho sinh viên đến làm ở các cơ sở. Tuy nhiên, thị trường khách phải ổn định”, ông Thắng chỉ ra.