Để tìm ra nhà vô địch World Cup 2022, hãy đi từ đại thể đến chi tiết để có được cái nhìn bao quát nhưng cũng sâu sát nhất.
Đầu tiên, bàn về cơ hội giữa các lục địa. Pele từng dự đoán bóng đá châu Phi sẽ thống trị thế giới trước năm 2000. Nhưng không, cho đến nay vẫn chưa đại diện nào của lục địa đen vượt qua nổi vòng tứ kết, còn kém cả thành tích của châu Á, cho dù về tương quan lục địa vàng vẫn xếp dưới lục địa đen. Nhìn chung, cuộc ganh đua thống trị bóng đá thế giới vẫn là chuyện riêng giữa châu Âu và châu Mỹ, cụ thể hơn là Nam Mỹ chứ Bắc Mỹ và Trung Mỹ thì không có cửa.
Thực ra dự đoán của Pele không phải không có cơ sở. Nên nhớ trước khi trở thành “thánh dự”, ông là Vua bóng đá hay Cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử. Và càng phải nhấn mạnh thêm, Pele là người da đen. Sở dĩ Vua bóng đá “vote” cho châu Phi là bởi châu lục này sở hữu nguồn gen phong phú nhất quả đất. Thể thao nói chung hay bóng đá nói riêng, trước nhất là phải nhanh và khỏe. Về hai khoản này, cầu thủ da đen xếp số hai, không ai dám đứng nhất.
Thế nên, có lẽ Pele suy đoán sự phát triển và phổ biến của kiến thức và khoa học thể thao sẽ giúp các quốc gia châu Phi xưng hùng xưng bá. Đáng tiếc, ông Vua bóng đá quên mất các nước châu Âu cũng không thiếu cầu thủ da đen nhập cư. Và đây mới chính là lực lượng vươn tới đỉnh cao của túc cầu thế giới. Đơn cử như World Cup 2018, đội tuyển Pháp đăng quang với hàm lượng đen áp đảo. Cặp trung vệ Varane-Umtiti đen. Bộ ba tiền vệ trung tâm Kante-Matuidi-Pogba đen. Ngôi sao sáng nhất Mbappe đen. Thế mới có câu gấp đôi da đen để làm gì?!
Nhìn rộng hơn về quá khứ, trong 4 kỳ World Cup gần nhất chứng kiến sự áp đảo của các đội bóng châu Âu so với Nam Mỹ. Không chỉ 4 nhà vô địch thế giới gần nhất đều là những đội bóng châu Âu, 3 trên 4 trận chung kết World Cup gần nhất cũng bị biến thành chuyện nội bộ của lục địa già. Đó là nhờ khả năng khai thác cầu thủ nhập cư cũng như sự vượt trội về khoa học lẫn thể thao. Ngoài ra là sự ưu việt trong việc áp dụng chiến thuật mới, từ kiểm soát bóng đến gegen-pressing.
Tuy nhiên, trước thềm World Cup 2022, cục diện đang đảo chiều. Sau 20 năm và khá trùng hợp là khi giải vô địch bóng đá thế giới trở lại châu Á, các đội tuyển Nam Mỹ lại có phần lấn lướt châu Âu. Điều đó được thể hiện rõ qua kèo nhà cái đưa ra cho danh sách ứng cử viên vô địch. Brazil là ứng cử viên số 1, Argentina là ứng viên số hai, tiếp đến mới là các đội bóng châu Âu. Theo hãng thống kê Opta, xác suất đăng quang cao nhất cũng là Brazil, với 15,8% cơ hội, tiếp đến là Argentina với 12,6%, rồi mới đến các đội bóng châu Âu.
Phân tích dựa trên yếu tố chuyên môn, Argentina và Brazil đều có sự chuẩn bị tốt cả về tinh thần lẫn con người cho World Cup 2022, trong khi các đội bóng châu Âu đều gặp vấn đề.
Trước hết đề cập đến ĐKVĐ Pháp. Tuy được xếp hàng ứng cử viên số ba của giải nhưng từ yếu tố tâm linh đến tinh thần và lực lượng đều chống lại Những chú gà trống Gô-loa. Về mặt tâm linh, những nhà ĐKVĐ World Cup đều nhận cái kết bi thảm. Trong 4 kỳ gần nhất, có đến 3 nhà ĐKVĐ xách va-li về nước ngay từ vòng bảng. Về mặt tinh thần, đội tuyển Pháp đang vướng vào quá lắm chuyện lùm xùm, từ chuyện Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Pháp bị tố quấy rối tình dục đến chuyện “ông kễnh” Kylian Mbappe làm mình làm mẩy về chuyện bản quyền hình ảnh. Ngoài ra là chuyện đồng đội chơi xấu nhau đã trở thành truyền thống ở Les Bleus.
Cuối cùng, về chuyện lực lượng, đội tuyển Pháp tưởng có chiều sâu bậc nhất World Cup nhưng thực tế rất lỏng lẻo. Ngoại trừ hàng công còn kha khá, hàng tiền vệ mất cả Pogba lẫn Kante, cặp trung vệ Varane ốm đau què quặt, Kimpembe chưa thật đáng tin. Thế nên, sẽ chẳng có gì bất ngờ nếu Pháp bị vặt lông gà tại Qatar.
World Cup không phải là sân chơi dành cho những kẻ khờ mộng mơ. Những chú ngựa ô hay những đội bóng chưa từng đăng quang rất khó để vô địch thế giới. Các đội tuyển trong lần đầu đăng quang đa số đều lên ngôi trên sân nhà. Đó là Uruguay 1930, Italia 1934, Argentina 1978 và Pháp 1998. Ngoài ra là những đội cực kỳ hùng mạnh. Đó là Brazil, Đức và Tây Ban Nha.
Tại World Cup 2022 trước mắt, những ứng viên tiềm tàng đang mộng lần đầu đăng quang có thể kể đến Hà Lan, Bồ Đào Nha và Bỉ. Tuy nhiên, nếu so về thực lực, cả ba đội bóng này đều sa sút so với đỉnh cao của chính họ và càng không có sửa so với những Brazil thời Pele, Garrincha hay Tây Ban Nha giai đoạn vàng son cùng tiqui-taca.
Trong khi đó, những đội bóng được xem là ngựa ô như Đan Mạch, Croatia hay Uruguay chắc chắn rất đáng xem, nhưng trông đợi họ bước lên đỉnh cao nhất thì quá viển vông. Đỉnh cao của Croatia đã là World Cup 2018 với ngôi vị á quân. Uruguay thậm chí là World Cup 2010, cách đây đã 12 năm. Những chú lính chì Đan Mạch thì luôn sẵn sàng viết nên chuyện cổ tích nhưng có lẽ tới bán kết là đã đủ để ông tổ Andersen bái phục rồi.
Như vậy, hai đại diện ưu tú nhất châu Âu có thể kỳ vọng để trở thành đối trọng của Argentina và Brazil của Nam Mỹ là Anh và Tây Ban Nha. Trên bảng xếp hạng ứng viên, hai đội tuyển này lần lượt đứng thứ tư và thứ năm về cơ hội đăng quang.
Phân tích sâu về từng đội. Anh rất tốt nhưng rất tiếc phải nói rằng theo Anh thì chỉ có về. Tam sư đã lọt vào bán kết World Cup 2018, chung kết Euro 2020, rất ấn tượng, nhưng xuyên suốt những hành trình của thầy trò Southgate, lợn cợn luôn là sự kém bản lĩnh trong những thời khắc quyết định.
Thành tích tiến xa ở hai giải đấu lớn liên tiếp tạo cảm giác tuyển Anh đang có một thế hệ cầu thủ xuất sắc nhưng thực tế chỉ có duy nhất Harry Kane là thi đấu ổn định. Tuy nhiên, Vua phá lưới World Cup 2018 cũng chưa thể vươn tới đẳng cấp thế giới như Messi, Neymar hay Mbappe để có thể dẫn dắt Tam sư đến chức vô địch.
Đó là chưa kể đến hàng thủ hết sức lỏng lẻo đang được dẫn dắt bởi danh hài Maguire. Lịch sử đã chứng minh, muốn chiến thắng thì tấn công, muốn đăng quang phải biết phòng ngự. Hàng thủ tuyển Anh hiện tại không đủ tạo cảm giác an tâm để tin cúp vàng sẽ về với quê hương bóng đá lần thứ hai trong lịch sử.
Về phần Tây Ban Nha, đội bóng này có một HLV giỏi, một đội hình đồng đều, nhưng vấn đề là đều quá. Nói cách khác, La Roja không có ngôi sao dẫn dắt. Bóng đá là môn thể thao tập thể nhưng được quyết định bằng khoảnh khắc lóe sáng của các ngôi sao. Ngay cả hành trình đăng quang của Tây Ban Nha năm 2010 cũng in đậm dấu ấn David Villa. Pedri hay Ansu Fati, hai gương mặt đáng chú ý nhất trong đội hình La Roja hiện tại vẫn còn quá non nớt để có thể dẫn dắt cả một đội tuyển quốc gia đi đến đỉnh cao nhất của thế giới bóng đá.
Trong danh sách ứng viên, Brazil xếp trên Argentina nhờ thành tích thi đấu vòng loại ấn tượng nhất Nam Mỹ. Đội bóng này vượt qua vòng loại với thành tích bất bại, thắng 12 trận, hòa 3 trận, ghi 38 bàn và chỉ nhận 5 bàn thua. Rất đỗi ấn tượng. Hơn nữa, trong tay HLV tài ba Tite đang có đội hình đồng đều và chất lượng trên cả ba tuyến. Đặc biệt Neymar không còn cô đơn gồng gánh hàng công Selecao với sự hiện diện của phong phú tài năng như Vinicius, Richarlison hay Raphinha.
Tuy nhiên, lý thuyết là vậy. Về mặt khí thế, Argentina mới là đội nhỉn hơn. Hành trang đội bóng áo sọc trắng xanh đem đến Qatar là mạch 36 trận bất bại, chỉ còn cách kỷ lục bất bại cấp ĐTQG 1 trận. Messi và các đồng đội cũng không còn là vua về nhì hay những kẻ vô duyên với danh hiệu. La Albiceleste đã vô địch Copa America, đặc biệt đánh bại chính Brazil ngay trên sân Maracana. Sau đó còn giành luôn cả Italia để giành cúp Siêu Liên lục địa – Finalissima.
Điều đáng nói nhất là yếu tố tinh thần. HLV Lionel Scaloni đã tạo dựng cho tuyển Argentina sự gắn bó như một thể thống nhất. Messi vẫn là trung tâm của đội bóng nhưng anh không bị cảm giác áp lực phải gánh cả thế giới và ngược lại, các đồng đội cũng không bị tự ti khi đứng cạnh siêu sao số một hành tinh. Sự hòa đồng còn được thể hiện rõ nét qua việc bộ phận hậu cần đem gần 1 tấn thịt sang Qatar để đảm bảo chuyện ăn uống, đặc biệt là việc tổ chức các bữa tiệc thịt nướng asado truyền thống của người dân xứ sở tango.
Trong một diễn biến khác, người Brazil chỉ mang đến World Cup 30kg bột sắn để nấu món farofa truyền thống cho dù cũng là quốc gia theo “đạo thịt”. Giữa ăn thịt và ăn tinh bột, dĩ nhiên ăn thịt sung mãn hơn.