Đồng Nai: Thi công đường dẫn lên cầu Bạch Đằng 2

Sau gần 9 tháng khởi công xây dựng cầu Bạch Đằng 2 nối tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, hiện nay phía tỉnh Đồng Nai đã chính thức thi công đường dẫn lên cầu.

Chiều 19/9, PV Người Đưa Tin có mặt tại ấp 4, xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai để tận mắt chứng kiến đơn vị thi công đang tiến hành san lấp, đổ đất làm đường dẫn lên cầu Bạch Đằng 2.

Trao đổi nhanh với Người Đưa Tin, Chủ tịch UBND xã Bình Lợi Nguyễn Thanh Vinh cho biết, để thi công đường dẫn lên cầu Bạch Đằng 2, tỉnh Đồng Nai đã tiến hành xong việc thu hồi đất, bồi thường và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, nên việc thi công đường dẫn lên cầu Bạch Đằng 2 mới được thực hiện trong gần một tuần qua.

Dân sinh - Đồng Nai: Thi công đường dẫn lên cầu Bạch Đằng 2

Thi công đường dẫn lên cầu. Ảnh: Thanh Hải.

Được biết, cầu Bạch Đằng 2 nối Tx.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai có tổng chiều dài hơn 2,8km; riêng phần bắc qua sông khoảng 410m, có 4 làn xe với mặt cầu rộng 17m và mức đầu tư cho dự án là hơn 420 tỷ đồng từ vốn ngân sách, trong đó mỗi địa phương chịu 50% vốn cho phần thi công cầu chính.

Ngày 27/12/2021 công trình chính thức được khởi công, nhưng chỉ thực hiện phía bên địa phận tỉnh Bình Dương vì tỉnh Đồng Nai chưa thể bàn giao mặt bằng để thi công đường dẫn.

Theo tiến độ thi công, công trình sẽ hoàn thiện trong vòng 15 tháng kể từ khi khởi công, nhưng đến nay sau gần 9 tháng, đường dẫn lên cầu phía tỉnh Đồng Nai mới được tiến hành.

Dân sinh - Đồng Nai: Thi công đường dẫn lên cầu Bạch Đằng 2 (Hình 2).

Đường dẫn lên cầu Bạch Đằng 2 nhìn từ trên cao. Ảnh: Thanh Hải.

Cầu Bạch Đằng 2 sau khi hoàn thiện và đưa vào sử dụng sẽ giảm tải rất nhiều cho tuyến đường Bùi Hữu Nghĩa (Tỉnh lộ 760) nối tỉnh Đồng Nai qua tỉnh Bình Dương.

Để đáp ứng hạ tầng giao thông kết nối, hiện chính quyền huyện Vĩnh Cửu đang tiến hành nâng cấp, mở rộng Hương lộ 7 kết nối với Tỉnh lộ 768; thi công hệ thống cầu, cống để đáp ứng được tải trọng cho các loại phương tiện khi cầu Bạch Đằng 2 hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Việc cầu Bạch Đằng 2 sau khi đưa vào khai thác, sử dụng sẽ giúp cho sự phát triển kinh tế, lưu thông hàng hóa không chỉ giữa tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương mà còn góp phần giúp cho việc điều phối các phương tiện giao thông trên nhiều tuyến đường được thông suốt, giảm thiểu nạn kẹt xe và nguy cơ tai nạn giao thông ở các tuyến kết nối như: Mỹ Phước – Tân Vạn,  đường Bùi Hữu Nghĩa - Tân Vạn.

Thanh Hải