Thay vì chỉ diễn ra tại điện Huệ Nam như những năm trước, điểm mới của lễ hội năm nay chính là Lễ cung nghinh Thánh Mẫu bằng đường bộ từ tổng tòa Thiên Tiên Thánh giáo số 352 đường Chi Lăng, đến Nghinh Lương Đình. Từ ngàn xưa, người Việt theo tín ngưỡng Thánh Mẫu lấy đạo hiếu làm trọng và nghi lễ cung nghinh Thánh Mẫu thể hiện lòng biết ơn của tín hữu đối với Thánh Mẫu. Kể từ lần tổ chức cuối cùng, đến nay, sau hơn 50 năm lễ rước mới được tái hiện với sự tham gia của hơn 400 đạo hữu cùng những nghi thức, nghi lễ thuở xưa.. Trong thanh âm của nhạc lễ, cùng sắc màu của cờ phướn và trang phục truyền thống…Tất cả tạo nên một lễ một lễ hội dân gian đầy sắc màu nhưng vẫn không mất đi tính tôn nghiêm, thành kính.
Sau khi thực hiện lễ yết cáo cầu an tại Nghinh Lương Đình, nghi lễ cung nghinh Thánh Mẫu được tiếp tục bằng đường thủy, trên những con thuyền ngược sông Hương lên điện Huệ Nam. Nguyên xưa ngôi điện là đền thờ nữ thần Pô Nagar - nữ thần của đất đai, nông nghiệp và sự sinh sôi phát triển của người Chăm. Đầu thế kỷ 14, khi người Việt vào tiếp quản vùng đất mới, ngôi đền này được Việt hóa dần dần và người Việt gọi bà là Thiên Yana. Đầu thời vua Gia Long điện được trùng tu khôi phục lại và Thánh Mẫu cũng được ban cấp sắc phong.
Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội điện Huệ Nam năm 2022 cho biết, theo lệ thường lễ hội sẽ được tổ chức vào ngày mồng 2 và 3/3 âm lịch. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của thời tiết mưa lũ bất thường trái mùa những ngày qua, theo yêu cầu của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh nên Ban tổ chức lễ hội điện Huệ Nam năm nay đã quyết định lùi lại 2 ngày, tức ngày mồng 4/3 âm lịch (4/4/2022).
Theo ông Hải, ban đầu, lễ hội dự tính diễn ra 2 ngày nhưng do tình hình mưa gió có khả năng trở lại nên Ban tổ chức đã quyết định các hoạt động, nghi lễ trong lễ hội sẽ được tổ chức gói gọn trong 1 ngày so với kế hoạch ban đầu. Việc này đã được Ban bảo trợ điện Huệ Nam cùng đông đảo các thanh đồng, đạo hữu nhất trí. Quá trình tổ chức lễ hội đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu.
Lễ hội điện Huệ Nam thường được tổ chức trong hai ngày, tuy nhiên theo dự báo trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục có mưa lớn nên phần lễ được Ban tổ chức rút gọn trong ngày 4/4 với một số lễ chính như: Cung nghinh Thánh Mẫu và Hội đồng lên điện Huệ Nam, lễ yếu cáo, lễ chánh tế cầu nguyện quốc thái dân an. Sau hai năm tạm ngưng, lễ hội năm nay tiếp tục đón hàng ngàn tín đồ, người dân và du khách về hành lễ, chiêm bái, nguyện cầu những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Diễn ra đúng vào dịp trên địa bàn tỉnh trải qua đợt mưa lớn trái mùa, vì vậy công tác đảm bảo an toàn công tác đảm bảo an toàn giao thông đường nhất là giao thông đường thủy trước, trong và sau lễ hội được BTC đặt lên hàng đầu.
Việc tái hiện đầy đủ nghi thức cũng chính là cách để phát huy giá trị lễ hội gắn với bảo tồn và phát huy di tích điện Huệ Nam – Một trong những di tích độc đáo nhất của Huế và một lễ hội truyền thống thu hút đông đảo du khách nhất ở miền Trung.