Cuộc chia ly của thế hệ HAGL Arsenal-JMG: Giấc mơ dang dở của thế hệ thắp lại giấc mơ

04/01/2023 09:39

Những tài năng thuộc lứa đầu học viện HAGL Arsenal-JMG lần lượt rời Pleiku để tìm kiếm bến đỗ mới. Giấc mơ cùng nhau vô địch V.League của họ cũng đã chấm dứt

hagl-1672735366.jpg
 

Cuộc chia ly của thế hệ JMG

HAGL đang chứng kiến cuộc chia ly hàng loạt của những cầu thủ thuộc lứa đầu của lò đào tạo HAGL Arsenal-JMG. Công Phượng sang Nhật đầu quân cho Yokohama FC trong lần thứ tư xuất ngoại. Chỉ khác là lần này tiền đạo người Nghệ An đi theo dạng chuyển nhượng với hợp đồng 3 năm thay vì cho mượn. Văn Toàn nhiều khả năng sang Hàn Quốc. Xuân Trường và Văn Thanh cũng vừa lần lượt chia sẻ quyết định chia tay đội bóng phố Núi.

Bóng đá Việt Nam - Cuộc chia ly của thế hệ HAGL Arsenal-JMG: Giấc mơ dang dở của thế hệ thắp lại giấc mơ

15 năm ấy biết bao tình, như Xuân Trường đã viết: “Thật sự rất khó để ngồi viết ra những dòng này bởi cảm xúc trong tôi giờ đây không dễ để diễn tả. Mới ngày nào tôi còn là một cậu bé nhút nhát nhưng vì tình yêu bóng đá mà quyết định rời xa gia đình. Đến nay đã là 15 năm kể từ ngày tôi đặt chân đến mảnh đất Gia Lai, khoảng thời gian thậm chí còn lâu hơn cả thời thơ ấu sống cùng bố mẹ tôi nữa. Vì thế, mong tất cả mọi người sẽ hiểu vì sao đến hôm nay tôi mới có thể viết ra tâm sự của mình”.

Khi đã kết thúc hợp đồng dài khó tin, các cầu thủ được quyền lựa chọn cho riêng mình cả về sự nghiệp lẫn cuộc đời. Không thể phủ nhận HAGL đã cho lứa Xuân Trường, Công Phượng hay Văn Thanh bệ phóng để trở thành ngôi sao bóng đá, tuy nhiên ở thời điểm quan trọng nhất của sự nghiệp, đồng thời là sự chững lại của bản thân, những tài năng này cần làm mới chính mình.

Những cậu bé thắp lại giấc mơ

Năm 2014, bóng đá Việt chạm đáy từ thành tích đến niềm tin. Thế hệ vô địch AFF 2008 dần luống tuổi và sa sút trong khi các lứa cầu thủ kế cận không đáp ứng được kỳ vọng. Từ AFF Cup 2012 đến SEA Games 2013, đội tuyển quốc gia Việt Nam rồi U23 Việt Nam lần rượt gây thất vọng tràn trề khi đều bị loại ngay từ vòng bảng.

Không những vậy, bóng đá nội còn một phen rúng động bởi vụ 13 cầu thủ Xi măng The Vissai Ninh Bình tham gia dàn xếp tỷ số trận đấu trong một trận đấu tại AFC Cup và ông chủ đội bóng này nộp đơn rút khỏi mọi giải đấu, đồng nghĩa giải tán đội. Tại V-League 2014, số lượng khán giả đến sân giảm xuống mức kỷ lục, bình quân mỗi trận chỉ đón chưa đến 7.500 khán giả đến sân. Hình ảnh khán đài cũ nát vắng hoe càng khiến bức tranh bóng đá nội càng thêm ảm đạm. Và rồi, bỗng dưng, U19 HAGL xuất hiện…

Bóng đá Việt Nam - Cuộc chia ly của thế hệ HAGL Arsenal-JMG: Giấc mơ dang dở của thế hệ thắp lại giấc mơ (Hình 2).

Bằng lối đá đập nhả nhuần nhuyễn, tấn công đẹp mắt, và cả sự vô tư và cao thượng trong cách chơi bóng, những cậu bé Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường hay Văn Toàn, thành viên khóa 1 lò HAGL JMG, đánh thức tình yêu bóng đá trong mỗi người hâm mộ bóng đá nước nhà. Không phải những trận đấu của ĐTQG hay tại V.League, U19 HAGL hay tiếp đến là U19 Việt Nam mới tạo nên những đêm cầu trường đông nghịt người hâm mộ.

Hóa ra, tình yêu bóng đá nội luôn cháy âm ỉ trong lòng người hâm mộ. Tiếc rằng những người làm bóng đá đã không biết cách khơi lại ngọn lửa đam mê. Sự vô tư và tận hiến của lứa cầu thủ U19 HAGL vào thời điểm ảm đạm ấy lại vô tình thắp sáng giấc mơ một lần nữa. Chúng ta lại nói về khát vọng đánh bại Thái Lan, vô địch SEA Games, vô địch AFF Cup, thậm chí tham dự World Cup…

Từ hiện tượng đến dấu chấm hết buồn

Tháng 3/2007, bầu Đức quyết định đốn hạ 5 hecta rừng cao su dưới chân núi Hàm Rồng để xây dựng học viện HAGL - Arsenal JMG, là sự hợp tác giữa đội bóng phố núi, đội bóng lừng danh của Anh và mô hình đào tạo trẻ do cựu cầu thủ Pháp Jean-Marc Guillou sáng lập cùng Pháo thủ thành London. Trong hai đợt tuyển sinh đầu tiên vào các năm 2007 và 2009, học viện của HAGL đã thu hút tới gần 17.000 cậu bé mơ giấc mơ bóng đá trên khắp đất nước dự tuyển.

Đến năm 2014, những cậu bé trúng tuyển ngày nào trở thành hiện tượng kỳ lạ của bóng đá Việt Nam. Có lẽ hiếm nơi nào trên thế giới mọi sự chú ý lại đổ dồn vào một thế hệ chưa đến độ tuổi đôi mươi và cùng trưởng thành từ một lò đào tạo như tại xứ sở hình chữ S. Đó là cơ sở để bầu Đức đưa ra những phát ngôn đầy tham vọng trên mặt báo, từ chuyện muốn biến nòng cốt lò HAGL trở thành nòng cốt đội tuyển Việt Nam cho đến tham vọng trở thành học viện số một Đông Nam Á.

Bóng đá Việt Nam - Cuộc chia ly của thế hệ HAGL Arsenal-JMG: Giấc mơ dang dở của thế hệ thắp lại giấc mơ (Hình 3).

7 năm sau, khá trùng hợp vẫn là 7 năm, năm 2007 thành lập học viện, năm 2014 tạo nên địa chấn, và năm 2021, HAGL kết thúc hợp tác với JMG. Thực tế sau lứa thứ nhất và thứ hai, HAGL Arsenal-JMG không còn cho ra lò những cầu thủ chất lượng. Hơn nữa, JMG cũng chỉ là một trong vô vàn mô hình đào tạo trẻ được vận hành trên khắp thế giới. Mỗi mô hình đều có ưu và khuyết điểm cũng như công tác đào tạo trẻ luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đơn cử ngay cả La Masia lừng lẫy của Barca không phải lúc nào cũng sản sinh được thế hệ xuất chúng.

Phân tích sâu hơn, JMG đề cao tiêu chí kỹ thuật, đến năm 16 tuổi các học viên vẫn chơi bóng bằng chân không để phát triển cảm giác bóng. Trong khi đó, các khía cạnh khác quan trọng không kém trong bóng đá như thể hình, thể lực hay khả năng tranh chấp lại bị bỏ qua. Bởi vậy ngay cả thế hệ Công Phượng dù thành công nhất của lò HAGL vẫn bị đánh giá thấp về tính chiến đấu lẫn thể chất.

Một khía cạnh khác, sự xuất hiện của hàng loạt lò đào tạo trên cả nước như Viettel, PVF, Hà Nội, Nutifood khiến lò HAGL không còn thu hút được toàn bộ tài năng trẻ đến Phố Núi ứng tuyển. Bởi vậy, HAGL Arsenal-JMG dần thụt lùi và đi đến cái kết dừng hợp tác.

Lò HAGL, mảng sáng màu chứ không thể là cả bức tranh

Đánh giá công tâm, lứa cầu thủ Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh hay Văn Thanh của HAGL Arsenal-JMG đã khơi dậy tình yêu của người hâm mộ và đánh thức nền bóng đá Việt. Tuy nhiên, khi các giấc mơ vô địch SEA Games hay vô địch AFF Cup trở thành hiện thực, công lao không chỉ thuộc về HAGL.

Thành công của bóng đá Việt Nam vài năm trở lại đây tại khu vực và kể cả châu lục là sự kết tinh của cả hệ thống bóng đá được vận hành đúng hướng. Minh chứng sống động nhất là câu chuyện cổ tích tại Thường Châu vào năm 2018. Thế hệ cầu thủ giành ngôi á quân U23 châu Á là sự kết hợp của những tài năng trẻ đến từ nhiều lò đào tạo trên khắp đất nước.

Nòng cốt ngoài lứa Công Phượng, Xuân Trường của lò HAGL là Quang Hải, Văn Hậu, Duy Mạnh của lò CLB Hà Nội. Ngoài ra là Hà Đức Chinh của PVF, Phan Văn Đức của SLNA v.v. Dẫn dắt lứa cầu thủ xuất sắc này lại là HLV Park Hang Seo, vị chiến lược gia bây giờ có thể ví là tượng đài của bóng đá Việt Nam.

Bóng đá Việt Nam - Cuộc chia ly của thế hệ HAGL Arsenal-JMG: Giấc mơ dang dở của thế hệ thắp lại giấc mơ (Hình 4).

Trong những thành công kế tiếp của các cấp đội tuyển Việt Nam, bổ sung cho thế hệ vàng Thường Châu là những cựu binh dày dạn như Quế Ngọc Hải (SLNA), Nguyễn Anh Đức (Bình Dương) hay những tài năng mới cũng hết sức xuất sắc như Hoàng Đức (Viettel) hay Hồ Tấn Tài (Bình Định).

Tựu trung, thành công của một nền bóng đá là sự kết tinh từ các địa phương, bởi mỗi địa phương lại có đặc điểm riêng và sản sinh ra tài năng có phong cách khác nhau. Lò HAGL sản sinh ra những cầu thủ giàu kỹ thuật nhưng các lò đào tạo khác cũng đóng góp những tài năng đặc biệt và cung cấp cả tính chiến đấu lẫn bãn lĩnh trận mạc. Một huấn luyện viên giỏi là một huấn luyện viên biết kết hợp hài hòa sự đa dạng ấy ở đội tuyển quốc gia, như HLV Park Hang Seo đã làm trong những năm qua.

Bởi vậy, lò HAGL là mảng sáng ấn tượng trong bức tranh chung đó chứ không thể nào là cả bức tranh như bầu Đức tham vọng.

Giấc mơ dang dở

Khi những tài năng thuộc lứa đầu của lò HAGL lũ lượt ra đi, điều luyến tiếc lớn nhất là những Công Phượng, Xuân Trường hay Văn Thanh đã không thể một lần vô địch V-League cùng đội bóng Phố Núi. Không chỉ vì dấu ấn thắp lại ngọn lửa tình yêu tưởng chừng nguội lạnh trong lòng người hâm mộ, thế hệ này từng đến rất gần chức vô địch ở mùa giải 2021.

Đến thời điểm giải đấu bị hủy vì đại dịch Covid-19, HAGL vẫn đứng đầu trên bảng xếp hạng với 29 điểm sau 12 vòng đấu, bỏ xa đội thứ hai Viettel 3 điểm. Đó là mùa giải thầy trò Kiatisuk thi đấu cực kỳ ấn tượng. Đội bóng Phố Núi không chỉ lợi hại trong khâu tấn công mà còn vững vàng trên mặt trận phòng ngự. Sự xuất sắc của các nội binh “cây nhà lá vườn” như Minh Vương, Công Phượng, Văn Thanh cùng đẳng cấp của các ngoại binh đã giúp HAGL lên đỉnh và chờ ngày đăng quang.

Bóng đá Việt Nam - Cuộc chia ly của thế hệ HAGL Arsenal-JMG: Giấc mơ dang dở của thế hệ thắp lại giấc mơ (Hình 5).

Đáng tiếc, số trời đã định. Lần đăng quang gần nhất của đội bóng Phố Núi vẫn cách đây gần tròn 20 năm, khi ông thầy Kiatisuk vẫn còn xỏ giày thi đấu. Và với việc những Xuân Trường, Văn Thanh hay Công Phượng, Văn Toàn đi tìm bến đỗ mới, giấc mơ vô địch V-League với nòng cốt là những tài năng thuộc lứa đầu tiên của lò HAGL Arsenal-JMG vĩnh viễn dang dở.

Công Phượng hay Xuân Trường đã ra đi. Mô hình JMG cũng chỉ còn là dĩ vãng. Những cái tên ấy đã cùng HAGL tạo nên ký ức rất đẹp trong lòng người hâm mộ. Tuy nhiên, sự dở dang của thế hệ này cũng là minh chứng cho việc phát triển bóng đá không thể duy ý chí. Ngược lại, hiện tượng U19 HAGL hay U19 Việt Nam một lần nữa khẳng định bóng đá chỉ có thể sống khi có người hâm mộ. Nếu người hâm mộ quay lưng, bóng đá cho dù đầu tư bao nhiêu tiền của cũng chỉ là con số không!

Hải Nam(t/h)
Bạn đang đọc bài viết "Cuộc chia ly của thế hệ HAGL Arsenal-JMG: Giấc mơ dang dở của thế hệ thắp lại giấc mơ" tại chuyên mục Video Hot. Thông tin liên hệ hotline: 0903.636.778 ; Email: toasoan.arttimes@gmail.com