Chung cư cũ “chờ sập”, Tp.HCM lúng túng kinh phí di dời người dân

Chỉ riêng tại quận 4, Tp.HCM đã ghi nhận nhiều chung cư cũ, nguy hiểm cần phải di dời người dân khẩn cấp, nhưng chính quyền địa phương đang loay hoay.

Sống trong lo sợ nhưng không biết đi đâu

Những người dân tại chung cư Vĩnh Hội, quận 4, Tp.HCM mỗi ngày bước ra khỏi nhà đều phải nhìn lên trần đề phòng những mảng bê-tông bong tróc rơi trúng. Lối lên của chung cư là cầu thang bộ, nhiều đoạn xiêu vẹo, các mảng tường cũ kỹ theo thời gian, rêu bám thành từng mảng loang lổ, dây điện chằng chịt khắp nơi.

Theo bà Nguyễn Ngọc Khanh, 65 tuổi, sống tại đây hơn 50 năm, những năm qua, chính quyền địa phương nhiều lần mời cư dân bàn bạc phương án di dời cũng như chính sách đền bù. Tuy nhiên, đến nay chưa có phương án đền bù phù hợp, người dân chỉ còn cách bám trụ.

"Nhiều lần gia đình tôi bỏ tiền ra để gia cố lại căn nhà nhưng theo thời gian, nước mưa thấm rồi lại ẩm mốc, xuống cấp ngày càng trầm trọng. Ở thì sợ, còn chuyển đi thì không biết đi đâu. Hầu hết người dân sống trong chung cư là lao động nghèo nên mong có phương án đền bù thỏa đáng", bà Khanh nói.

Tại quận 4, chung cư Vĩnh Hội là 1 trong 5 chung cư cấp D, nguy cơ sụp đổ rất cao. Giai đoạn 2015-2020, UBND Tp.HCM có nghị quyết yêu cầu khẩn trương di dời 5 chung cư này nhưng quận 4 chưa thể hoàn thành.

Bất động sản - Chung cư cũ “chờ sập”, Tp.HCM lúng túng kinh phí di dời người dân

Chung cư Vĩnh Hội (quận 4) đã xuống cấp nhiều năm qua, người dân sống trong nguy hiểm nhưng vẫn chưa hoàn thành di dời người dân.

Trao đổi với PV, ông Võ Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận 4 nhìn nhận, một trong những lý do di dời gặp khó là do địa phương thiếu quỹ nhà tạm cư, không thể bố trí chỗ ở mới cho người dân.

Cụ thể như chung cư Tôn Thất Thuyết mới đây bị sập hành lang, quận phải sửa chữa, gia cố lại. Do đó, 52 hộ tại lô C sẵn sàng di dời nhưng UBND quận 4 không có đủ quỹ nhà để bố trí. Vì vậy chính quyền chưa thể tổ chức họp dân để trao đổi phương án di dời dù đã lên kế hoạch.

Cũng theo ông Dũng, căn cứ Nghị định số 69/2021/NĐ-CP (Nghị định 69) ngày 15/7/2021 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, trường hợp phải di dời khẩn cấp mà nhà nước không có quỹ nhà để bố trí, người dân sẽ được tạm ứng tiền di dời sang nơi ở mới. Sau đó, chủ đầu tư trúng thầu cải tạo chung cư sẽ hoàn lại số tiền này cho ngân sách.

Tuy nhiên, hiện một số chung cư ở quận 4 không tìm được chủ đầu tư nên chưa xác định được thời gian hoàn thành. Trong khi nếu cấp ngân sách dễ nguy cơ nợ kéo dài, rất khó thanh quyết toán.

Tình trạng chung cư xuống cấp không chỉ diễn ra ở quận 4 mà Tp.HCM đang có 474 chung cư xây trước năm 1975 hư hỏng cần phải sửa chữa, xây mới. Hàng trăm chung cư cũ hư hỏng nặng, đe doạ cuộc sống người dân nhưng khó di dời do vướng quy định, thiếu vốn đầu tư...

Báo cáo với đoàn giám sát thuộc Ủy ban Pháp luật của Quốc hội ngày 29/3, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi pháp luật về nhà ở.

Thời gian qua, Tp.HCM rất quan tâm đến công tác quản lý, vận hành, cải tạo, sửa chữa và xây dựng lại nhà chung cư. Trên cơ sở triển khai Luật Nhà ở, bên cạnh những yếu tố tích cực, thuận lợi thì vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do những quy định của pháp luật về nhà ở còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ với quy định pháp luật khác như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản.

Vì vậy, cần tiếp tục có sự nghiên cứu sửa đổi để bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn khi áp dụng.

Cần hoàn thiện chính sách, pháp lý

Trong buổi họp báo thường kỳ của Tp.HCM chiều 30/3, PV đã gửi câu hỏi đến Sở Xây dựng Tp.HCM về tình trạng một số chung cư tại quận 4 xuống cấp nghiêm trọng, không thể tiếp tục cư trú, cần di dời khẩn cấp người dân đến nơi ở mới.

Ông Vũ Anh Dũng, Phó Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Tp.HCM cho hay, Thành phố này có chủ trương ưu tiên sử dụng quỹ nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước  để di dời người dân đi tạm cư, nhằm đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng cho người dân, mặc dù nguồn quỹ này hiện tại rất hạn hẹp.

“Trong trường hợp người dân không chấp nhận nhà tạm cư, Thành phố cũng có chủ trương sẵn sàng bố trí chi tiền tạm cư cho người dân. Đây là chính sách nhân văn cần sự đồng thuận của cả người dân, sự tuyên truyền vận động của các cấp chính quyền”, ông Dũng khẳng định.

Đại diện Sở Xây dựng cũng thông tin, với địa bàn quận 4, UBND Tp.HCM đã chấp thuận ưu tiên quỹ nhà ở cho người dân di dời đến các chung cư: 360C Bến Vân Đồn, 1 Tôn Thất Thuyết (quận 4); Phú Thọ (quận 11); Tân Mỹ (quận 7) và chung cư Phan Chu Trinh (quận Bình Thạnh).

Về cơ chế chính sách đền bù, ông Dũng cho biết, việc này được xây dựng trong phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư, sẽ được thông qua nếu đa số người dân đồng thuận. Đối với phương án tái định cư tại chỗ thì xây dựng trên nguyên tắc người dân nhận chỗ ở mới tốt hơn.

Điều này được thực hiện theo Nghị định 69 năm 2021 của Chính phủ về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư, chủ sở hữu tái định cư nhận lại nhà với số K từ 1-2, tùy vào vị trí, dự án căn hộ.

Góc nhìn của chuyên gia, TS.Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Tp.HCM đánh giá, công tác di dời dân khỏi chung cư cấp D nhất định phải thực hiện, bởi vấn đề quan trọng đầu tiên là tính mạng của người dân.

“Chung cư đó bền vững hay không còn nằm ở cấu trúc tổng thể chứ không phải riêng từng căn hộ. Người dân không thể chủ quan với những tình huống bất thường không lường trước được như động đất, giông bão, hậu quả sẽ rất lớn”, ông Nguyên chỉ ra.

Điểm quan trọng nữa là phải giải quyết cho người dân đến nơi ở mới là tạm cư hay định cư. Những điều này phải rõ ràng thì người dân mới chịu di dời. Bởi người dân không sợ chỗ ở không an toàn mà sợ việc xáo trộn cuộc sống.

Ngoài ra, tâm lý phổ biến của người dân là di chuyển đến nơi tạm cư nhưng lo lắng không biết khi nào mới có dự án xây lại chung cư cũ. Vì vậy, khi đã di dời người dân thì tiến hành cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ càng sớm để nhanh chóng ổn định cuộc sống của họ. Còn nếu kéo dài việc di dời thì bất ổn càng lâu.

Bên cạnh đó, điểm nghẽn của việc này chính là nguồn vốn đầu tư cho các dự án xây mới chung cư cũ. Nếu chỉ dựa vào nhà đầu tư thì rất lâu và khó thực hiện bởi họ sẽ không làm nếu không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận thấp.

Trong khi đó, nhiều vị trí chung cư cũ bị hạn chế về chỉ tiêu quy hoạch nên không hấp dẫn nhà đầu tư. Vì vậy, lúc này phải phát huy vai trò của nhà nước trong đầu tư phát triển bền vững, bởi nếu dựa vào xã hội hóa và kêu gọi nhà đầu tư thì không thể nào có chuyển biến được.

Do đó, chuyên gia này cho rằng, cần phải có đột phá trong xây dựng lại chung cư cũ. Nhà nước bỏ kinh phí đầu tư xây dựng lại chung cư và bán cho người dân với giá phù hợp. Ngoài ra, cần tuyên truyền cho người dân thấy lợi ích lâu dài trong việc sớm thay thế chung cư cũ.

Ì ạch di dời chung cư nguy hiểm

Thống kê của Sở Xây dựng Tp.HCM thể hiện, trên địa bàn Tp.HCM có 1.635 chung cư. Trong đó có 474 chung cư cũ xây trước năm 1975, đến nay đã cải tạo, sửa chữa 199 chung cư với tổng kinh phí 275,5 tỷ đồng.

Thành phố này có 16 chung cư cấp D (hư hỏng nặng, nguy hiểm) với gần 1.200 hộ dân, trong đó đã di dời toàn bộ 7 chung cư với hơn 350 hộ dân; di dời dở dang 5 chung cư với 316/566 hộ dân và chưa di dời 4 chung cư với hơn 250 hộ dân.

Ngoài ra, UBND Tp.HCM đang bố trí để thực hiện kiểm định và cải tạo, sửa chữa 246 chung cư cấp B, C còn lại của giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư dự kiến 500 tỷ đồng. 

Ngọc Lan