Nhân sự quyết định chất lượng sản phẩm
Ngày 28/3, trao đổi với PV tại họp báo về Ngày hội Du lịch Tp.HCM lần thứ 19, dự kiến tổ chức từ ngày 6 – 9/4, bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Tp.HCM cho biết: “Nguồn nhân lực ngành du lịch của Tp.HCM đang rất thiếu, khâu nào cũng thiếu”.
Bà Khánh phân tích, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong những năm trước nên người lao động ngành du lịch đã chuyển ngành khác. Quan tâm đến điều này, Hiệp hội và Sở Du lịch Tp.HCM đang có những chương trình đào tạo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, có cả chương trình chất lượng cao và sau đại học để tìm nhân lực cho sự phát triển.
Do đó, chương trình Ngày hội Du lịch Tp.HCM năm nay đưa ra hoạt động Sàn giao dịch việc làm ngành du lịch năm 2023 và tọa đàm Đào tạo và tuyển dụng ngành du lịch Tp.HCM nhằm giới thiệu việc làm cho người lao động có nhu cầu, kết nối việc đào tạo với việc sử dụng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp lữ hành, khách sạn và các dịch vụ liên quan.
“Có thể khẳng định, nguồn nhân lực là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh, sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch. Vì thế, lực lượng này không chỉ cần thành thạo về chuyên môn mà còn không ngừng đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trước thị trường luôn biến động”, bà Khánh nói.
Đồng quan điểm, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Tp.HCM đánh giá, thời gian qua, các trường học đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp để giới thiệu việc làm cho các sinh viên. Tuy nhiên, đòi hỏi về nguồn nhân lực cho ngành du lịch Tp.HCM không thể giải quyết trong một sớm một chiều.
Không chỉ ngày hội này mà Hiệp hội Du lịch Tp.HCM và Sở Du lịch Tp.HCM sẽ tăng cường cập nhật, thống kê ở các doanh nghiệp để tìm ra giải pháp, đưa ra các chương trình và loại hình đào tạo phù hợp với thực tế hơn nữa.
“Chúng tôi xác định vấn đề nguồn nhân lực là rất quan trọng. Do đó, chúng tôi quan tâm để sàn giao dịch việc làm ngành du lịch trong ngày hội sẽ giúp doanh nghiệp tuyển được nhân sự phù hợp nhằm bồi đắp, phục hồi hoạt động của mình. Đồng thời, tọa đàm sẽ là diễn đàn trao đổi kinh nghiệm giữa các trường đại học, cao đẳng để việc đào tạo phù hợp với nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động, tránh tình trạng đào tạo lại”, bà Hiếu chỉ ra.
Cần chiến lược bài bản, chất lượng
Dưới góc độ đơn vị trực tiếp sử dụng lao động, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel Holdings nêu quan điểm du khách đi du lịch hiện nay rất quan tâm đến yếu tố an toàn dịch bệnh và mong muốn có nhiều dịch vụ trải nghiệm theo hướng “không chạm,” tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kết hợp thực hiện số hóa.
Vì vậy, nhân sự ngành du lịch rất cần có kỹ năng sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ thông tin, nhạy bén với các xu hướng của mạng xã hội. Mỗi doanh nghiệp lĩnh vực du lịch chủ động bồi dưỡng, cập nhật các kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ nhân sự bằng nhiều cách như tổ chức đào tạo ngay từ khi mới tuyển dụng hoặc phối hợp với các cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch để tổ chức đào tạo nâng cao, chuyên sâu cho từng vị trí việc làm phù hợp.
Còn ThS. Thái Doãn Hồng, Công ty TNHH MTV Du lịch Thanh Thanh đề xuất, trước hết, cần xây dựng tiêu chuẩn và thực hiện chuẩn hóa nguồn nhân lực du lịch của Tp.HCM phù hợp với các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện cho hội nhập quốc tế về lao động trong du lịch.
Theo đó ngành du lịch Tp.HCM cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn đối với các chức danh và cấp, bậc, ngành nghề Du lịch.
Thành phố này có thể phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn ngành để đánh giá lại và xây dựng hệ thống tiêu chuẩn các chức danh và cấp, bậc ngành nghề du lịch; áp dụng thí điểm, điều chỉnh và nhân rộng hệ thống tiêu chuẩn này trên toàn Thành phố.
Song song, Tp.HCM cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực du lịch của Thành phố để đặt hàng các cơ sở đào tạo và quy hoạch lại các cơ sở đào tạo phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu nhân lực trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, nên ưu tiên đầu tư cho các cơ sở đào tạo chuyên về du lịch.
“Một giải pháp nữa là đa dạng hóa các cơ sở đào tạo du lịch bằng chính sách khuyến khích mở các cơ sở đào tạo du lịch ở các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo ngoài công lập; đa dạng hóa các loại hình trường, lớp, trung tâm và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng về du lịch”, ông Hồng chia sẻ.
Thêm nữa, để nâng cao chất lượng nhân lực sau đào tạo, việc phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và đào tạo viên du lịch phù hợp đáp ứng nhu cầu đào tạo là yêu cầu bắt buộc. Việc đào tạo có thể thu hút các nhà quản lý, các nhà khoa học có trình độ, các doanh nhân, nghệ nhân, chuyên gia, công nhân kỹ thuật tay nghề bậc cao tham gia đào tạo.
“Ngoài sự quản lý của Nhà nước về các cơ chế, chính sách thì hơn ai hết, bản thân các doanh nghiệp du lịch phải không ngừng cải thiện các yếu tố nội tại của doanh nghiệp về công tác đào tạo, chính sách đãi ngộ phù hợp, tạo ra môi trường làm việc lành mạnh, cạnh tranh, khuyến khích đội ngũ nhân viên du lịch phát huy năng lực, sáng tạo trong công việc”, chuyên gia này nhấn mạnh.