Ngày 2/7, ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng, Sở GD&ĐT Tp.HCM xác nhận với PV, về việc cơ quan này đã có văn bản gửi đến hơn 1.000 trường học từ mầm non cho đến THPT, trung tâm GDTX về những chỉ đạo liên quan đến việc mua sắm sách giáo khoa, sách tham khảo... chuẩn bị cho năm học mới.
Theo đó, Sở GD&ĐT Tp.HCM yêu cầu giáo viên và cán bộ quản lý các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc phụ huynh mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào.
Đồng thời lưu ý các cơ sở giáo dục không được thực hiện việc lập danh mục, đóng gói bộ sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo, đề cương và các tài liệu (ngoài danh mục sách giáo khoa đã được phê duyệt) để giới thiệu cho học sinh, phụ huynh mua và sử dụng.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT Tp.HCM đề nghị các cơ sở giáo dục bố trí nguồn kinh phí hợp lý để mua sách giáo khoa cho thư viện, tổ chức cho học sinh mượn sách giáo khoa để học tập. Nhà trường đồng thời vận động học sinh quyên góp, ủng hộ sách giáo khoa cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau tiếp tục được mượn và sử dụng.
Được biết, sở dĩ Sở GD&ĐT Tp.HCM ban hành văn bản với những yêu cầu nói trên nhằm chấn chỉnh tình trạng một số trường thông báo bán sách giáo khoa, trong đó có danh mục các ấn phẩm cần thiết cho năm học 2022 - 2023 bao gồm cả sách bài tập, sách tham khảo…
Trước đó, một số phụ huynh có con học tiểu học ở quận 12 bức xúc phản ảnh về việc trường đưa ra danh mục sách giáo khoa và sách tham khảo cần mua cho năm học 2022 - 2023.
Trong đó, số lượng sách tham khảo nhiều hơn cả sách giáo khoa, thậm chí có trường tiểu học còn đưa ra cả số tiền phụ huynh cần phải đóng cho các ấn phẩm là gần 1 triệu đồng đối với học sinh khối lớp 2.
Chiều 29/6, Phòng GD&ĐT quận 12 đã chỉ đạo các trường không được bán sách tham khảo cho phụ huynh và không đưa ra một danh sách chung cả sách giáo khoa và sách tham khảo, gây hiểu lầm cho phụ huynh rằng phải mua tất cả các ấn phẩm ấy.