Tp.HCM tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy kinh tế số hậu Covid-19

Được tổ chức lần thứ 3 sau 2 năm trì hoãn do dịch Covid-19, Diễn đàn Kinh tế Tp.HCM năm 2022 mong muốn tìm ra giải pháp hiệu quả cho phát triển kinh tế.

Ngày 15/4, UBND Tp.HCM tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thành phố năm 2022 (HEF 2022) với sự tham dự của ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cùng lãnh đạo một số bộ, ngành.

Về phía Tp.HCM có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Tp.HCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi cùng lãnh đạo HĐND, UBND, UBMTTQ Tp.HCM,…

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bí thư Thành ủy Tp.HCM Nguyễn Văn Nên cho hay, với chủ đề Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển Tp.HCM trong tương lai, Diễn đàn là sự kiện quan trọng thường niên của Tp.HCM nhằm tiếp thu ý kiến của các lãnh đạo, các chuyên gia, các nhà khoa học và doanh nghiệp trong cũng ngoài nước trên các lĩnh vực phát triển.

kinh-te-so-2-1650118771.jpg
 

 

Năm nay, Diễn đàn có sự tham gia của khoảng 1.000 đại biểu trực tiếp và trực tuyến qua các điểm cầu đến từ nhiều nước, nhiều tổ chức kinh tế quốc tế trong không khí kinh tế - xã hội Thành phố này đang phục hồi mạnh mẽ sau một năm bị khủng hoảng trầm trọng do đại dịch Covid-19.

Theo Bí thư Thành ủy Tp.HCM, nền kinh tế kỹ thuật số ngày càng trở nên mạnh mẽ, áp đảo nền kinh tế truyền thống. Để triển khai Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị, Đại hội Đảng bộ Tp.HCM lần thứ XI đã đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm tỉ trọng 25% trong GRDP và đến năm 2030, trở thành thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu kinh tế số - xã hội số, là trung tâm kinh tế tài chính thương mại, khoa học công nghệ của khu vực khi kinh tế số chiếm 40% GRDP.

Từ đó, Tp.HCM đã xây dựng kế hoạch hành động, quyết tâm thực hiện chương trình chuyển đổi số với mục tiêu sớm xây dựng ngành công nghiệp tiên tiến và đổi mới sáng tạo; triển khai đề án xây dựng đô thị thông minh giai đoạn 2; hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước thúc đẩy y tế thông minh; chương trình nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo; hình thành nhanh hệ sinh thái toàn diện phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế số.

Tuy nhiên, ngay năm đầu tiên của nhiệm kỳ này, Tp.HCM phải vượt qua biến cố chưa từng có trong lịch sử. Đại dịch Covid-19 đã làm đứt gãy nhiều hoạt động kinh tế - xã hội.

Nhưng cũng từ môi trường này, trong ứng phó với đại dịch, môi trường chuyển đổi số đã có cơ hội phát triển ở nhiều lĩnh vực; nhiều doanh nghiệp và địa phương sử dụng công nghệ số để phục vụ công tác phòng, chống dịch và giảm thiểu tác động tiêu cực do đại dịch. Với tinh thần đó, Diễn đàn hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng đối với Tp.HCM.

"Chúng tôi mong muốn được lắng nghe ý kiến của tất cả các chuyên gia, trước hết là ý kiến của lãnh đạo, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế nhằm tìm kiếm mô hình, kiến tạo cơ chế chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số mạnh mẽ hơn, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển trước mắt và lâu dài của thành phố", ông Nguyễn Văn Nên bày tỏ.

"Trong chuyển đổi số, công nghệ quan trọng nhưng yếu tố con người quan trọng hơn. Do đó, vấn đề đặt ra là vai trò của Nhà nước trong việc tạo ra chính sách động lực để doanh nghiệp thấy được lợi ích và vượt qua thách thức, từ đó chuyển đổi số. Đồng thời giải quyết các vấn đề phát sinh, mối quan hệ của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân cũng cần chú trọng trong quá trình chuyển đổi số”, ông Mãi nói.

Tại Diễn đàn, các diễn giả cũng đã có các bài diễn thuyết về xu hướng và điều kiện tiên quyết để chuyển đổi sổ và phát triển kinh tế số thành công; vai trò các bên trong phát triển kinh tế số  - Nhà nước hay thị trường dẫn dắt; những bài học kinh nghiệm điển hình về phát triển kinh tế số cho Việt Nam và cho Tp.HCM; các khuyến nghị hay định hướng thiết kế chính sách cho Tp.HCM về chuyển đổi số và kinh tế trong giai đoạn tới.