Ngày 18/3, trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM cho biết, dịch vụ xe đạp công cộng được người dân hoàn toàn ủng hộ với sự đón nhận có phần vượt mức kỳ vọng trong thời gian đầu. Hầu hết người dân đều sử dụng dịch vụ một cách rất văn minh.
Thông tin về tình hình hoạt động của xe đạp công cộng trên địa bàn sau thời gian thí điểm, báo cáo của Sở GTVT Tp.HCM cho biết, từ ngày 16/12/2021 đến ngày 8/2/2022 (55 ngày) đã có 80.897 tài khoản khách hàng đăng ký mới, trung bình 1.470 tài khoản/ngày.
Có 15.625 khách hàng sử dụng lại dịch vụ, tức là từ 2 chuyến trở lên. Đến nay, có tổng số 85.256 chuyến đi, trung bình 1.579 chuyến/ngày, 65.7 chuyến/giờ với tổng quãng đường 390.810 km.
Đặc biệt là 100% thời gian trong ngày đều có khách sử dụng dịch vụ; vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều đến tối lượng xe sử dụng luôn lớn hơn 50%.
“Dịch vụ xe đạp công cộng tạo thêm sự lựa chọn về phương thức giao thông cho người dân đi lại và du khách tham quan khu vực trung tâm Thành phố. Qua đó, tăng cường tính hiệu quả sử dụng xe buýt và các phương tiện công cộng trong tương lai (MRT, BRT, vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy,…), hạn chế nhu cầu sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân”, ông Hải cho biết.
Vì vậy, Sở GTVT dự kiến đề xuất mở rộng dịch vụ ra các quận lân cận như quận 2, quận 3, quận 7, quận Bình Thạnh, quận Phú Nhuận sau thời gian thí điểm là 1 năm. Trong đó ưu tiên khu vực quanh nhà ga tuyến đường sắt đô thị số 1, các tuyến xe buýt.
“Về lâu dài, Thành phố sẽ phải nghiên cứu đến việc thiết kế phần đường dành riêng cho xe đạp để đảm bảo an toàn. Đồng thời, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ để làm sao có thể kết nối phần mềm quản lý người đi xe đạp với xe buýt và metro. Phần mềm này có thể cảnh báo sớm vị trí ùn tắc hoặc có nguy cơ ùn tắc giao thông để cho người dùng được thuận tiện hơn”, đại diện Sở GTVT Tp.HCM cho hay.
Trước đó, ngày 16/12/2021, Sở GTVT Tp.HCM tổ chức khai trương dịch vụ xe đạp công cộng ở trung tâm quận 1, đưa vào 500 xe đạp ở 43 vị trí khu vực trung tâm Tp.HCM. Mô hình này được quản lý bằng công nghệ, thiết bị hiện đại, được bố trí khu vực trung tâm tập trung nhiều điểm du lịch, văn hóa, lịch sử.
Sở GTVT Tp.HCM kiến nghị UBND Tp.HCM phát triển xe đạp công cộng theo hình thức xã hội hóa để kết nối các phương thức giao thông công cộng. Đây cũng là một nhiệm vụ quan trọng thuộc đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng, kết hợp kiểm soát xe cá nhân trên địa bàn.
Giá cho thuê xe đạp là 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/60 phút. Người thuê xe có thể sử dụng phương thức đóng, mở khóa xe bằng cách sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh đề xuất quét mã QR Code được in trên khóa.
Đồng thời, người dùng cũng có thể đặt xe trước thông qua ứng dụng di động, website và sử dụng quét mã QR Code hoặc dùng thẻ từ để mở khóa xe tại trạm. Phương thức thanh toán có thể trả tiền qua các ứng dụng thẻ điện tử như ví MoMo, Visa hay Mastercard…