Ngày 6/4, Sở Công Thương Tp.HCM công bố về chương trình bình ổn thị trường năm 2022 với điểm mới là phân chia rõ ràng 3 nhóm đối tượng tham gia thông qua 3 hình thức: cung ứng hàng hóa, phân phối hàng hóa và hỗ trợ tín dụng. Việc phân chia để phân biệt rõ từng đối tượng, từ đó có chính sách hỗ trợ, yêu cầu nghĩa vụ cụ thể, sát thực tế.
Theo ông Võ Lê Bích Đồng, Phó Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Tp.HCM, các doanh nghiệp cung ứng sẽ tập trung bảo đảm về hoạt động sản xuất, ứng dụng công nghệ, đầu tư nhà xưởng, phát triển vùng nguyên liệu.
Trong khi đó, doanh nghiệp phân phối tập trung bảo đảm về mạng lưới điểm bán và tổ chức điểm bán hàng bình ổn thị trường hay việc hỗ trợ tín dụng thì đầu tư phát triển hệ thống kho bãi, logistics…
Chương trình bình ổn giá của Tp.HCM hiện có 69 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tham gia; trong đó có nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao.
Năm nay, chương trình có 39 doanh nghiệp tham gia ở các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, tăng 4 doanh nghiệp so với năm 2021. Nhờ vậy, lượng hàng đăng ký cũng đã tăng mạnh so năm 2021 là gạo tăng 27%, đường tăng 56%, dầu ăn tăng 101%, thịt gia cầm tăng 2%, trứng gia cầm tăng 6%, thực phẩm chế biến tăng 31%, gia vị tăng gấp 5 lần, lương thực khô (mì, bún, phở… khô) tăng gấp 8 lần.
Ông Nguyễn Văn Cảnh, chuyên viên phòng Quản lý giá, Sở Tài chính Tp.HCM cho hay, các doanh nghiệp đã chính thức áp dụng giá bán của năm 2022 từ ngày 2/4.
Hầu hết các doanh nghiệp vẫn giữ ổn định hoặc giảm giá bán so với năm 2021, chỉ có 2 mặt hàng là thịt gia cầm và trứng gia cầm tăng giá do giá đầu vào tăng cao từ năm 2021.
Trong nhóm ngành hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, mặt hàng trứng gia cầm tăng 5-6%, thịt gia cầm tăng 7-14%, còn lại 6 nhóm giữ nguyên giá, nhóm lương thực chế biến giảm giá 2%.
"Mặc dù có rất nhiều yếu tố đầu vào tác động giá cả hàng hoá trên thị trường, một số mặt hàng tham gia chương trình đã đủ điều kiện để điều chỉnh giá, tuy nhiên để ủng hộ, chia sẻ cùng người dân, đa số các doanh nghiệp đang cố gắng giữ giá.
Trong thời gian tới, nếu tình hình giá nguyên liệu đầu vào và giá thị trường tiếp tục tăng cao hơn nữa, sẽ có một hoặc hai mặt hàng đề nghị điều chỉnh giá để phù hợp với tình hình và bảo đảm hoạt động sản xuất của doanh nghiệp", ông Cảnh cho biết.
Trao đổi với PV, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương Tp.HCM chia sẻ: “Dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp đến đời sống xã hội cũng như kinh tế, tiêu dùng tại Tp.HCM.
Tuy nhiên, sau khoảng thời gian bối rối, lúng túng, các doanh nghiệp trên địa bàn đã có những điều chỉnh lại hoạt động sản xuất, có biện pháp chống dịch tại cơ sở sản xuất tốt, nhanh chóng ổn định phát triển”.
Trong khi đó, về thực trạng chợ truyền thống hiện nay tại Tp.HCM được báo chí phản ánh, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM thông tin, từ khi Tp.HCM bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, các quận - huyện, Tp.Thủ Đức đã tích cực vận động và đưa các chợ truyền thống trở lại hoạt động sau khoảng thời gian đóng cửa để phòng chống dịch.
Đến nay có khoảng 92% chợ đi vào hoạt động, một số chợ đang tạm ngưng để đầu tư sửa chữa, nâng cấp.
Lý giải nguyên nhân một số chợ truyền thống vắng lặng, ế ẩm, theo lãnh đạo Sở Công Thương, do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số tiểu thương đã chuyển đổi từ mua bán trực tiếp sang trực tuyến và đang tiếp tục duy trì; bên cạnh đó có nhiều tiểu thương về quê tránh dịch và vẫn chưa quay trở lại.
“Sắp tới, để vực dậy và phát triển chợ truyền thống, Sở Công Thương định hướng các chợ xây dựng phương thức hoạt động phù hợp với tình hình mới; trong đó đẩy mạnh lợi thế của các chợ như: nguồn gốc hàng hóa, giá cả hợp lý… Đồng thời, Sở sẽ làm việc cụ thể với các địa phương để đề ra giải pháp hiệu quả”, bà Ngọc nói.