Tp.HCM: Người dân cần làm gì khi tiền điện tăng cao do nắng nóng?

Dự báo tình trạng tiền điện tăng cao trong điều kiện thời tiết nắng nóng tiếp tục xảy ra, EVNHCMC đã đưa ra khuyến cáo đến người dân Tp.HCM.

Ngày 25/4, Tổng Công ty Điện lực Tp.HCM (EVNHCMC) tổ chức giao ban báo chí quý I/2022. Tại đây, doanh nghiệp đã đưa ra phân tích và dự báo các nguyên nhân có thể dẫn đến tiền điện tăng trong điều kiện thời tiết nắng nóng tiếp tục diễn ra.

Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Tp.HCM cho biết, theo dõi số liệu sản lượng điện tiêu thụ tại Tp.HCM cho thấy,  sản lượng tiêu thụ bình quân ngày tháng 3/2022 là 81,2 triệu kWh/ngày vượt hơn 2,14% so với sản lượng bình quân ngày tháng 3/2021 là 79,5 triệu kWh/ngày; tức là tăng 19,78% so với sản lượng bình quân ngày của tháng 1 và tháng 2/2022 là 67,79 triệu kWh/ngày.

tien-dien-1650860444.jpg
 

Từ đó, EVNHCMC dự báo sản lượng điện bình quân ngày của cả tháng 4/2022 có giảm nhẹ do ảnh hưởng các cơn mưa đầu mùa và sẽ đạt 79,5 triệu kWh/ngày, giảm 1,24% so với sản lượng điện bình quân ngày của tháng 4/2021 là 80,5 triệu kWh/ngày, tăng 17,27% so với các tháng 1, 2/2022.

Đồng thời, dự báo sản lượng điện nhận bình quân ngày của tháng 5/2022 sẽ tiếp tục tăng cao đạt đỉnh điểm mùa khô và đạt từ 81,22 đến 84,35 triệu kWh/ngày.

“Phân tích sản lượng điện năng tiêu thụ theo từng nhóm khách hàng qua 3 tháng đầu năm 2022, kết quả cho thấy việc phục hồi sử dụng điện do ảnh hưởng dịch Covid-19 của khách hàng đang tập trung ở nhóm có tỷ trọng lớn nhất là khách hàng sử dụng điện sinh hoạt”, ông Kiên đánh giá.

Lũy kế 3 tháng đầu năm 2022, nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt đã tăng tỷ trọng đến 2,06% và tăng trưởng sản lượng 10,36% so với cùng kỳ năm 2021.

Đại diện EVNHCMC nhận định, theo quy luật thời tiết các tháng 3,4,5 hằng năm tại khu vực Tp.HCM là đỉnh điểm của giai đoạn nắng nóng, nhiệt độ nhiều thời tiết có thể lên hơn 37°C và cảm nhận nhiệt độ buổi trưa có thể lên đến trên 40°C do hiện tượng bức xạ nhiệt.

Từ đó, ngành điện lực Tp.HCM dự báo nhu cầu sử dụng điện của nhóm khách hàng sinh hoạt tiếp tục tăng cao so với 2 tháng đầu năm lý do tiêu thụ điện cho các thiết bị giải nhiệt, điều hòa, đặc biệt là thiết bị làm lạnh. Dẫn đến sản lượng điện tiêu thụ bình quân ngày trong các tháng 3,4,5 của nhóm khách hàng sinh hoạt sẽ tăng từ 14,15% đến 38,34% so với các tháng đầu 2022.

“Chúng ta có thể thấy người tiêu dùng có tiêu thụ điện dưới 500 kWh/tháng có mức tăng tiền điện so với mức tăng điện năng tiêu thụ tương đối cao khi sử dụng điện nhiều hơn (từ 7% đến 18%). Ngược lại, nhóm khách hàng tiêu thụ trên 500 kWh/tháng có mức tăng tiền điện so với mức tăng điện năng tiêu thụ thấp khi sử dụng điện nhiều hơn (chỉ từ 1% đến 4%)”, ông Kiên nói.

Để khách hàng có thể chủ động kiểm soát chi phí trả tiền điện, giảm đến thấp nhất ảnh hưởng do nhu cầu sử dụng điện và thời gian sử dụng điện tăng cao so với thời điểm bình thường, EVNHCMC khuyến nghị khách hàng cần tăng cường thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, thường xuyên theo dõi sản lượng điện sử dụng hàng ngày qua App EVNHCMC CSKH.

Ngoài ra, EVNHCMC mong muốn khách hàng cần tăng cường thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả bằng các biện pháp như sử dụng điện theo nguyên tắc đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách, đúng yêu cầu.

Các doanh nghiệp sản xuất cần cân đối bố trí lịch sản xuất theo hướng tiết giảm sử dụng điện trong giờ cao điểm, tăng cường sử dụng điện trong giờ thấp điểm, đầu tư các thiết bị sản xuất tiết kiệm năng lượng và phối hợp với ngành điện theo dõi, kiểm soát chất lượng điện năng.

Khi mua thiết bị điện, nhất là những thiết bị có công suất tiêu thụ lớn, khách hàng nên mua những sản phẩm có dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, cần kiểm tra lại đường dây và thiết bị bảo vệ điện trong nhà để bảo đảm an toàn cũng như chống thất thoát, tổn hao điện.

Đào Trang