Nhiều chợ truyền thống ở TP.HCM được khôi phục hoạt động - Ảnh: N.TRÍ
Sáng 9/8, UBND TP.HCM đã ban hành công văn về tăng cường thực hiện nghiêm các giải pháp đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn TP.
Theo đó, UBND TP chỉ đạo Sở Công thương theo dõi diễn biến thị trường, nắm bắt tình hình sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa để chủ động điều phối, không để xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa.
Tiếp tục triển khai chương trình bình ổn thị trường, đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, đảm bảo nguồn cung ứng để bình ổn thị trường cho TP.
Phối hợp địa phương nghiên cứu các giải pháp triển khai phù hợp với đặc thù địa phương, nhu cầu của người dân để tổ chức các điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu tại những chợ truyền thống đang tạm ngưng hoạt động hoặc các địa điểm, mặt bằng trống tại khu vực lân cận.
Tăng cường bán hàng lưu động, bổ sung bán mặt hàng thực phẩm tươi sống cho các cửa hàng thuộc hệ thống cửa hàng tiện lợi và cập nhật hoạt động bán hàng trực tuyến để gia tăng điểm mua sắm hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân.
Đồng thời, kiểm tra, hướng dẫn UBND TP Thủ Đức và các quận huyện tổ chức hoạt động chợ truyền thống và các điểm cung ứng hàng hóa trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ hàng hóa thiết yếu. Chủ động phối hợp với các sở, ban ngành kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TP về việc tổ chức chợ truyền thống hoạt động trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn.
Tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh việc triển khai thực hiện "phiếu mua hàng" hiệu quả, phù hợp với năng lực cung ứng hàng hóa của hệ thống phân phối. Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng khi người dân đến mua sắm, đồng thời đảm bảo kiểm soát tình trạng tập trung đông người tại các điểm bán, hạn chế người dân ra đường khi không cần thiết.
UBND TP cũng chỉ đạo các hệ thống phân phối (siêu thị Co.op, Satra, Bách hóa xanh, Lotte, Aeon, MM Mega Market, BigC, Emart...) phối hợp với chính quyền địa phương đánh giá nhu cầu, tiếp tục gia tăng năng lực dự trữ và bán hàng. Đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Cung cấp thông tin về mặt hàng, giá cả, quy cách đóng gói, phương thức giao nhận, từ đó phối hợp cùng địa phương thông tin đến người dân trong khu vực hoặc địa bàn phụ trách để đăng ký nhu cầu mua hàng, chuẩn bị đơn hàng, triển khai nhiều hình thức cung ứng đa dạng. Hạn chế việc tập trung đông người, không đảm bảo các yêu cầu phòng dịch.
UBND TP.HCM nhận định, với diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, hiện đã có 3/3 chợ đầu mối, 201/234 chợ truyền thống và một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi tạm ngưng hoạt động để thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.
Trong đó, tại một số quận, huyện đã tạm ngưng hoạt động đối với toàn bộ các chợ truyền thống và việc cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân tập trung vào các hệ thống phân phối hiện đại làm gia tăng áp lực và tạo thêm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Việc nhanh chóng tổ chức lại các điểm cung ứng hàng hóa tại địa phương và đưa vào hoạt động trở lại các điểm bán mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu tại chợ truyền thống hoặc hình thành các điểm bán nhỏ (trong đó ưu tiên tập trung các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả) trong điều kiện an toàn là hết sức cần thiết.
Theo: Tuoitre