Tp.HCM khẳng định thu phí hạ tầng cảng biển đúng quy định và nhằm đầu tư cho hạ tầng

Trước các kiến nghị dừng thu phí hạ tầng cảng biển, Sở GTVT Tp.HCM đã lên tiếng khẳng định cơ sở pháp lý và thực tiễn của công tác này.

Ngày 12/4, trao đổi với PV, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM khẳng định: “Về mặt pháp lý, việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển trên địa bàn Tp.HCM đã tuân thủ Luật phí, lệ phí. Về thực tiễn, nhiều địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng cũng đã thu loại phí này từ năm 2017”.

Ông Bằng cũng cho biết, khi lập đề án này, Tp.HCM đã nghiên cứu rất kỹ để tránh các tác động tiêu cực với hoạt động của doanh nghiệp và cũng đã lấy ý kiến các hiệp hội.

“Mục tiêu không phải là thu phí để tăng ngân sách nhà nước. Việc thu phí hạ tầng cảng biển là để có kinh phí đầu tư cho hạ tầng giao thông, từng bước hỗ trợ kéo giảm chi phí cho doanh nghiệp trong tầm nhìn dài hạn.

Thêm vào đó, việc này cũng giúp giảm tải cho hệ thống cảng, giao thông của Tp.HCM và chia sẻ, phát triển hệ thống cảng trong khu vực”, ông Bằng nói.

cang-bien-tp-hcm-1-1649758184.jpg

Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM khẳng định, việc thu phí hạ tầng cảng biển của địa phương là đúng quy định và phù hợp với thực tiễn.

 

 

Trong đó, khu vực cảng Cát Lái gần như vượt 100% quy hoạch mà hạ tầng giao thông kết nối không đảm bảo, như với đường Nguyễn Thị Định, lộ giới quy hoạch là 60m nhưng hiện nay chỉ đầu tư 35m còn đường vành đai 2 chưa làm được.

Đồng thời, xe cộ từ cảng Cảng Cát lái đi tỉnh Bình Dương, Đồng Nai phải đi theo đường Đồng Văn Cống ra Mai Chí Thọ, Xa lộ Hà Nội, đến trạm 2 với đoạn đường vòng, tốc độ chậm và phải đi trong các đường đô thị nên không đảm bảo an toàn giao thông.

“Nếu thu phí hạ tầng cảng biển để đầu tư cho đường Vành đai 2 thì xe chở hàng từ Cảng Cát Lái có thể ra đến mũi giao Mỹ Thủy rồi đi một vòng Vành đai 2 đến mũi giao Gò Dưa, chỉ khoảng 15km. Do chiều rộng của đường được quy hoạch rất rộng, đến 67m nên xe container sẽ đi rất nhanh, có thể quay về 2-3 vòng/ngày thay vì chỉ khoảng 1 vòng như hiện nay”, ông Bằng phân tích.

Cũng theo ông Bằng, hạ tầng giao thông kết nối không đảm bảo làm chi phí logistics, chi phí hậu cần tăng lên mà muốn giảm chi phí này thì phải đầu tư hạ tầng giao thông, gồm đường thủy và đường bộ nên việc Tp.HCM thu phí là để đầu tư cho quy hoạch.

Một vấn đề nữa, hiện nay tuy các cảng khu vực xung quanh Tp.HCM đã đầu tư tương đối đầy đủ nhưng công suất khai thác thấp hơn công suất quy hoạch vì các tàu thuyền không lưu thông qua đó mà đổ về Tp.HCM.

Địa phương xây dựng đề án thu phí cũng nhằm để giảm quá tải cho Thành phố khi tàu bè về các cảng ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu thì xe cộ cũng sẽ đến các khu vực đó thay vì đổ dồn vào Tp.HCM, góp phần chia sẻ, phát triển hệ thống cảng biển xung quanh Tp.HCM.

Ngoài ra, đại diện Sở GTVT Tp.HCM cũng nhấn mạnh, Tp.HCM đã 2 lần gia hạn thời gian thu phí hạ tầng cảng biển vì dịch Covid-19, khiến địa phương giảm thu khoảng 2.200 tỷ đồng.

Trước đó, từ 0h ngày 1/4, Tp.HCM bắt đầu thu phí hạ tầng cảng biển với mức phí thấp nhất 15.000 đồng cho mỗi tấn hàng không đóng trong container (hàng xuất nhập khẩu mở tờ khai tại Tp.HCM); cao nhất 4,4 triệu đồng mỗi container loại 40 feet (hàng tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, chuyển khẩu).

Theo thông tin từ Cảng vụ đường thủy nội địa, lũy kế từ 0h ngày 1/4 đến 0h ngày 9/4, có 35.250 doanh nghiệp đăng ký với 42.574 tờ biên lai đã được xuất, 62 tờ biên lai bị hủy. Tổng số tiền thu trên hệ thống là hơn 55 tỷ đồng, tương đương mỗi ngày thu hơn 6 tỷ đồng.

Trong số này, tiền thu từ hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai ngoài Tp.HCM nhiều nhất, với hơn 27 tỷ đồng. Hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai tại Tp.HCM đã thu hơn 16 tỷ đồng; còn hàng tạm nhập tại xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu thu hơn 11,8 tỷ đồng.

Số tờ khai thực tế qua 9 ngày gần 59.000 tờ, nhưng cũng có 3.704 tờ khai bị hủy. Tổng số cuộc gọi đến từ các doanh nghiệp để được tư vấn, hỗ trợ lên tới 13.552 cuộc.

Theo đánh giá của Cảng vụ đường thủy nội địa, hệ thống thu phí đang hoạt động tương đối ổn định, thông suốt đảm bảo cho các doanh nghiệp vận hành hệ thống.

“Khi mở tờ khai hải quan, doanh nghiệp có thể đóng tiền luôn hoặc để sau khi hàng di chuyển mới nộp tiền. Đối với các doanh nghiệp đã làm tờ khai thu phí nhưng chưa kịp nộp tiền, xe chở hàng vẫn ra cảng bình thường. Hải quan và cảng vụ sẽ tiến hành đối soát và gửi thông báo chưa đóng phí cho doanh nghiệp”, đại diện Sở GTVT Tp.HCM cho hay.

Dự kiến năm 2022, Tp.HCM sẽ thu 3.036 tỷ đồng phí hạ tầng cảng biển, bình quân 8,32 tỷ đồng mỗi ngày. Đến năm 2025, nguồn thu phí hạ tầng cảng biển dự kiến đạt khoảng 16.000 tỷ đồng. Sau khi trích một phần cho đơn vị thu phí, toàn bộ nguồn thu sẽ được dùng để đầu tư mới, cải tạo đường vào cảng giúp hàng hóa được vận chuyển nhanh chóng.

cang-bien-tp-hcm-2-1649758184.jpg
 

Ngày 4/4, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về một số bất cập, tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp từ việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển tại Tp.HCM.

Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến doanh nghiệp, Ban IV cho hay, với khối lượng hàng xuất khẩu, nhập khẩu đi qua các cảng trên địa bàn Tp.HCM là rất lớn, việc áp dụng thu phí cảng biển kể từ ngày 1/4 của Thành phố này khiến nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng gánh nặng chi phí.

Đáng chú ý, việc quy định mức thu phí chênh lệch giữa việc mở tờ khai tại Tp.HCM và ngoài Tp.HCM là không phù hợp Luật Phí, lệ phí và Luật Hải quan hiện hành, tạo sự phân biệt đối xử và gây khó khăn cho các doanh nghiệp tại các tỉnh lân cận, gây xáo trộn trong công tác quản lý.

Trên cơ sở đó, các hiệp hội và doanh nghiệp kiến nghị dừng việc thu phí hạ tầng cảng biển tại Tp.HCM để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi, phát triển.

Tuấn Kiệt