TP.HCM: Hơn 75.000 học sinh gặp khó khi học trực tuyến

Qua thống kê của sở GD&ĐT TP.HCM, địa phương đang có hơn 75.000 học sinh các cấp gặp khó khăn khi học trực tuyến trong khi năm học mới đã cận kề.

Chiều tối 4/9, UBND TP.HCM họp báo thường ngày về công tác phòng chống dịch Covid-19 của địa phương. Tại đây, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, để chuẩn bị năm học mới, ngành giáo dục địa phương gặp rất nhiều khó khăn.

Sở đã tham mưu UBND TP.HCM ban hành kế hoạch năm học 2021-2022, cụ thể là không tổ chức tựu trường, không tổ chức lễ khai giảng theo kế hoạch năm học của bộ GD&ĐT do tình hình dịch bệnh tại TP.HCM diễn biến ngày càng phức tạp. Tất cả học sinh không được đến trường và phải khởi đầu năm học mới trên môi trường internet.

Để chuẩn bị cho năm học mới, TP.HCM quyết định từ ngày 6/9, học sinh THCS, THPT sẽ bắt đầu năm học mới dưới nhiều hình thức để làm quen trước khi dạy và học theo chương trình.

“Từ ngày 1/9, một số trường trên địa bàn đã triển khai. Đến nay, các trường vẫn đang tiếp tục củng cố số lớp, số học sinh cũng như rà soát tổ chức lớp học cho đến sau ngày 6/9 để bắt đầu triển khai học tập”, ông Hiếu cho hay.

Nếu các trường, lớp nào chưa đủ điều kiện, lãnh đạo nhà trường có trách nhiệm rà soát, báo cáo để lãnh đạo các phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT tham mưu UBND TP.HCM tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh.

Giáo dục - TP.HCM: Hơn 75.000 học sinh gặp khó khi học trực tuyến

TP.HCM đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh Covid-19, đồng thời tổ chức dạy và học trực tuyến để đảm bảo chất lượng giáo dục tại địa phương.

“Cũng trong thời gian này, sở GD&ĐT TP.HCM đã xây dựng, phối hợp với đài truyền hình TP.HCM ghi hình các tiết dạy. Chúng tôi chọn lựa các thầy cô có kinh nghiệm giảng dạy lớp 1, lớp 2 theo chương trình giáo dục phổ thông mới để mong muốn các em học sinh được tiếp cận kiến thức hiệu quả nhất có thế. Đến nay đã ghi hình được 10 tuần theo kế hoạch học trực tuyến hết học kỳ I năm học 2021  - 2022”, Giám đốc sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu trình bày.

Chương trình truyền hình dự kiến sẽ phát hành vào giữa tháng 9/2021, trước khi học sinh tiểu học đi học lại để phụ huynh có thể phối hợp cho con em học tập với các hình thức học tập trực tuyến khác.

Theo thống kê của sở GD&ĐT TP.HCM, số lượng học sinh thiếu điều kiện để bắt đầu năm học mới trên môi trường internet khá là lớn. Có khoảng 75.000 học sinh ở các cấp bậc học khó khăn về thiết bị điện tử để học trực tuyến.

Cụ thể, bậc tiểu học chiếm số lượng nhiều nhất là 31.000 học sinh, bậc THCS là 22.000 học sinh và bậc THPT là hơn 15.000 học sinh.

“Sở đã làm việc với các trường để tìm phương án giải quyết. Đối với các em học sinh không có thiết bị học tập trên internet, các dữ liệu học trực tuyến, sách điện tử, clip bài giảng sẽ được tải trên các trang web của nhà trường”, ông Hiếu chỉ ra.

Trong điều kiện khó khăn hơn, các em học sinh không thể tiếp cận được với tất cả các phương tiện dạy học trực tuyến (khoảng 5%), Sở đã triển khai cho các trường xây dựng phiếu hướng dẫn học tập cho các em học sinh theo từng tuần.

Bên cạnh đó, Sở cũng đã làm việc với các nhà cung cấp thiết bị điện tử phục vụ dạy và học trên môi trường internet. Từ đó, các đơn vị đồng ý sẵn sàng hỗ trợ đường truyền, máy móc thiết bị để triển khai về các trường học như gói vay mua thiết bị điện tử với mức giá được giảm hoặc lãi suất 0%, tặng gói 3G đường truyền cho các em học tập,…

Ông Hiếu cũng cho biết thêm, hiện có khoảng 6.600 học sinh ở các cấp học của TP.HCM đang là F0, hầu hết các em đều không triệu chứng. Do đó, các em học sinh này hoàn toàn có thể tham gia học trực tuyến ở trong khu cách ly hoặc đang cách ly tại nhà.

“Có nhiều em cả gia đình đều là F0, thậm chí cả cha lẫn mẹ đều không qua khỏi. Tất cả những trường hợp này thầy cô giáo sẽ đặc biệt quan tâm để chia sẻ, giảm bớt đau thương. Trong môi trường học online tập thể có bạn học, thầy cô giáo chia sẻ để các em quay lại học tập, có một tương lai tốt đẹp hơn”, ông Hiếu chia sẻ.

Giáo dục - TP.HCM: Hơn 75.000 học sinh gặp khó khi học trực tuyến (Hình 2).

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, để chuẩn bị năm học mới, ngành giáo dục địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn.

Về việc vận chuyển sách giáo khoa (SGK), sở GD&ĐT TP.HCM đã làm việc bưu điện TP.HCM và Viettel Post để hỗ trợ cho tất cả các trường trên địa bàn thành phố, phấn đấu đến ngày 6/9 sẽ hoàn tất việc giao nhận sách SGK cho các trường.

“Sở cũng đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT đề nghị mỗi trường cử 5 giáo viên đến trường hỗ trợ các đơn vị nhận SGK. Việc này đã được sắp xếp xong và mong nhận được sự hỗ trợ của Công an TP.HCM trong việc cấp giấy đi đường. Cần nhiều nỗ lực để đưa SGK đến cho học sinh trong thời gian sớm nhất”, ông Hiếu nói.

Lãnh đạo sở GD&ĐT TP.HCM cũng khẳng định, ngành giáo dục địa phương đã xây dựng kế hoạch học tập sau khi TP.HCM kiểm soát được dịch bện để giáo viên ưu tiên kèm cặp, giúp đỡ các em học sinh thiếu thiết bị học tập, hoặc trường hợp học sinh học tập không hiệu quả trên môi trường internet để các em nắm được kiến thức, kết quả học tập không bị sụt giảm.

Đề cập đến lo lắng của phụ huynh và ý kiến dời thời gian bắt đầu năm học mới tại TP.HCM, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP.HCM nhấn mạnh: “Việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, là ưu tiên hàng đầu”.

“ác giáo viên, học sinh cần đồng hành với nỗ lực chung của xã hội. Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt học tốt. Không có thách thức nào có thể vượt qua tinh thần hiếu học. Không khó khăn nào có thể làm nản lòng ý chí quyết tâm mài dùi kinh sử, chinh phục tri thức”, ông Hải đánh giá.

Do đó, ngành giáo dục TP.HCM cần đặt quyết tâm cho năm học 2021-2022 là không để một trẻ em nào, đặc biệt các em ở vùng dịch, vùng sâu vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn bị mất hoàn toàn cơ hội học tập.

Theo: Người Đưa Tin