Chiều tối 27/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM tổ chức họp báo, thông tin về cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn TP.HCM.
Tại đây, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM thông tin về sự chuẩn bị của ngành công thương, các hệ thống phân phối hàng hóa khi TP.HCM “mở cửa” trở lại.
Theo đó, để chuẩn bị cung ứng hàng hóa cho TP.HCM, Sở Công Thương đã làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn và từng đơn vị để nắm khó khăn vướng mắc cùng tháo gỡ, hỗ trợ.
“Các doanh nghiệp như lực lượng shipper và người lao động hệ thống phân phối hàng hóa đều đang được ráo riết tiêm vắc-xin phòng Covid-19”, bà Ngọc cho hay.
Về chuẩn bị nguồn hàng cung ứng, Sở đã tổ chức các điểm trung chuyển hàng hóa tại 3 chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức. Mỗi ngày khoảng 300 tấn hàng về các chợ này để phục vụ người dân trên địa bàn TP.HCM.
Về cung ứng hàng hóa tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ, Sở Công Thương TP.HCM đang tổ chức rà soát để tổ chức lại đối với những đơn vị trước đây đóng cửa.
Với quan điểm mở lại phải đảm bảo mức độ an toàn phòng chống dịch, Sở Công Thương đã rà soát và đang chuẩn bị để phối hợp với các quận, huyện mở lại các điểm bán.
Về tổ chức các hệ thống phân phối, TP.HCM đang thực hiện triển khai đi chợ hộ. Thời gian qua, Sở Công Thương đã phối hợp với các quận, huyện để làm tốt công tác này.
“Việc đi chợ hộ hiện có nhiều phương thức qua tổ Covid-19 cộng đồng tại phường xã, siêu thị bán hàng online hay shipper đi chợ hộ cho dân. Thời gian qua đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân”, bà Ngọc đánh giá.
Bên cạnh đó, Thành phố này đảm bảo việc cung ứng hàng hóa cho người dân như chợ nghĩa tình, siêu thị 0 đồng.
Để chuẩn bị cho thời gian tới, Sở Công Thương đã làm việc với các Sở, ngành, quận, huyện, phối hợp tổ chức, kiểm tra chặt chẽ các điều kiện an toàn về phòng chống dịch.
Đồng thời, đánh giá nguy cơ, khả năng kiểm soát trước khi đưa chợ đầu mối, chợ truyền thống trên địa bàn hoạt động theo mô hình mới.
Sở Công Thương đã đề nghị UBND các quận huyện, TP.Thủ Đức rà soát, xây dựng phương án hoạt động phù hợp để tổ chức hoạt động các chợ trở lại trong điều kiện an toàn.
Bên cạnh đó, việc rà soát đánh giá việc cung ứng hàng hóa toàn TP.HCM để xây dựng mô hình hoạt động bền vững hơn giai đoạn tới cũng được Sở Công Thương phối hợp hiệp hội doanh nghiệp, UBND quận huyện, KCX-KCN để hướng dẫn tổ chức.
Trả lời câu hỏi về tình hình cung ứng hàng hóa sau ngày 30/9, bà Ngọc nhận định: “Sau ngày 30/9 là “mở cửa” trở lại, người dân được đi chợ, siêu thị để mua sắm hàng hóa. Chúng tôi đã làm việc với các hệ thống phân phối trên địa bàn, đề nghị báo cáo phương án chuẩn bị nguồn hàng”.
“Hiện, các hệ thống đều báo cáo sẽ đáp ứng đủ hàng hóa cho nhu cầu người dân. Vấn đề này không phải lo ngại vì ngành công thương đã chuẩn bị các phương án cụ thể, linh hoạt”, đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết.
Thống kế về tình hình đi chợ hộ tại TP.HCM ngày 26/9 thể hiện, tổng nhu cầu đăng ký trong ngày là 45.180 lượt hộ, giảm 4,7% (tương đương giảm 2.228 lượt hộ so với ngày hôm trước).
Đây là mức nhu cầu đăng ký trong ngày thấp nhất kể từ khi bắt đầu triển khai chương trình. Cao điểm là ngày 23/8 khi nhu cầu đăng ký đạt 51.188 lượt hộ.
Có 14/22 địa bàn có nhu cầu giảm trong ngày, bao gồm: Tp.Thủ Đức (giảm 323 lượt hộ), quận 1 (giảm 265 lượt hộ), quận 3 (giảm 128 lượt hộ), quận 6 (giảm 259 lượt hộ), quận 7 (giảm 159 lượt hộ), quận 10 (giảm 53 lượt hộ), quận 11 (giảm 1.370 lượt hộ), quận 12 (giảm 18 lượt hộ), quận Bình Thạnh (giảm 54 lượt hộ), quận Gò Vấp (giảm 29 lượt hộ), quận Phú Nhuận (giảm 31 lượt hộ), quận Tân Bình (giảm 82 lượt hộ), huyện Củ Chi (giảm 314 lượt hộ) và huyện Nhà Bè (giảm 41 lượt hộ).
Trong khi có 8/22 địa bàn có nhu cầu tăng trong ngày, bao gồm: quận 4 (tăng 54 lượt hộ), quận 5 (tăng 480 lượt hộ), quận 8 (tăng 69 lượt hộ), quận Bình Tân (tăng 47 lượt hộ), quận Tân Phú (tăng 28 lượt hộ), huyện Bình Chánh (tăng 17 lượt hộ), huyện Cần Giờ (tăng 78 lượt hộ) và huyện Hóc Môn (tăng 125 lượt hộ).
Kết quả thực hiện là có 46.102 lượt hộ được cung ứng hàng hóa, tỉ lệ đạt 102% số hộ đăng ký.