Tp.HCM bàn nhiều giải pháp hỗ trợ, tăng cường nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân viên y tế

Trước áp lực công việc do dịch Covid-19 trong thời gian qua, đội ngũ nhân viên y tế đang quá tải và cần nhiều sự quan tâm, hỗ trợ từ chính sách.
nhan-vien-y-te-1-1649693750.jpg
 

Ngày 11/4, trao đổi với phóng viên, đại diện Sở Y tế Tp.HCM cho biết, tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc có dấu hiệu tăng trong thời gian qua. Số liệu thống kê cho thấy, nếu như cả năm 2020 tại Tp.HCM chỉ có 597 người nghỉ việc thì đến năm 2021 con số này tăng gần gấp đôi khi có hơn 1.000 người.

Và mới chỉ trong quý 1/2022 đã có gần 400 người nghỉ việc, chiếm gần 70% so với cả năm 2020.

Tuy vậy khi phân tích con số gần 400 nhân viên y tế nghỉ việc, Giám đốc Sở Y tế Tp.HCM Tăng Chí Thượng chỉ ra, có đến 268 người của các bệnh viện tuyến thành phố, số còn lại thuộc khối quận huyện đến phường, xã (y tế cơ sở).

Theo ông Thượng, xét ở góc độ nào đó, chính sách vẫn chưa tương xứng với nhân viên y tế. Ngoài vấn đề lương bổng vô cùng quan trọng, các lãnh đạo bệnh viện cần phải suy nghĩ tạo ra môi trường làm việc tốt, có điều kiện học tập nâng cao, giảng dạy và nghiên cứu… để giữ chân nhân viên y tế.

Chính sách - Tp.HCM bàn nhiều giải pháp hỗ trợ, tăng cường nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân viên y tế

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Tp.HCM trình bày trước HĐND Tp.HCM tại kỳ họp thứ 5 khóa X vào ngày 7/4 vừa qua.

Do đó, ngành y tế Tp.HCM đang thử nghiệm chương trình lắng nghe và trao đổi với nhân viên y tế nhằm kịp thời tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng; các khó khăn và đề xuất của họ.

Việc trao đổi này được thực hiện theo từng nhóm đối tượng cụ thể, đầu tiên là điều dưỡng, bác sĩ, hộ lý… đặc biệt không có sự tham dự của lãnh đạo các đơn vị nơi nhân viên y tế làm việc.

Mở đầu cho sáng kiến này, vừa qua, Sở Y tế Tp.HCM đã tổ chức 2 buổi lắng nghe với 12 điều dưỡng trưởng của Bệnh viện huyện Củ Chi và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương qua hình thức trực tuyến.

Tại các cuộc gặp này, các chủ đề được đưa ra bàn luận như môi trường làm việc; thu nhập, tiền lương; công việc, cơ hội được đào tạo, thăng tiến và mối quan hệ với lãnh đạo đơn vị, với đồng nghiệp… Các nội dung này sẽ có các thang do bao gồm hoàn toàn không hài lòng, không hài lòng, bình thường, hài lòng, rất hài lòng.

Dự kiến hằng tuần sẽ tổ chức lắng nghe, trao đổi với nhân viên y tế và mở rộng thêm nhiều đối tượng như các trưởng, phó khoa, phòng, bác sĩ... thuộc các đơn vị trực thuộc Sở Y tế Tp.HCM.

Ngoài nhân viên y tế, Sở Y tế Tp.HCM cũng sẽ đối thoại với người bệnh xuất viện để xem chất lượng điều trị của các bệnh viện và thái độ của nhân viên y tế khi thăm khám.

"Từ việc đối thoại, chúng tôi sẽ lắng nghe để từ đó điều chỉnh những điều chưa tốt; đồng thời đề ra các giải pháp nhằm tạo động lực cho nhân viên y tế gắn bó với đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân", ông Tăng Chí Thượng nói.

Ngày 7/4 vừa qua, HĐND Tp.HCM đã thông qua chính sách đặc thù giúp củng cố nâng cao năng lực trạm y tế trên địa bàn. Qua tính toán, địa phương dự trù mỗi năm chi khoảng 138 tỷ để thực hiện các chính sách này, thí điểm đến hết năm 2025.

Về mức hỗ trợ cụ thể, bác sĩ đang trong thời gian tham gia chương trình thí điểm thực hành tại bệnh viện đa khoa gắn với trạm y tế nhận 60 triệu đồng trong 18 tháng, điều dưỡng và hộ sinh nhận 30 triệu đồng trong 9 tháng.

Nhân viên y tế về hưu có chuyên môn bác sĩ tham gia các trạm y tế hưởng lương 9 triệu đồng/tháng, người có chuyên môn y tế khác, trình độ từ cao đẳng trở lên hoặc trung cấp y sĩ nhận mức lương 7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Tp.HCM cũng hỗ trợ nhân viên vệ sinh, bảo vệ làm việc tại trạm y tế 5,5 triệu đồng/tháng.

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược Tp.HCM cho rằng, những chính sách y tế nhằm nâng chất, tạo nguồn lực cho y tế cơ sở của Tp.HCM vừa qua là tích cực nhưng chưa bền vững.

Ông Dũng phân tích, cán bộ y tế khi về hưu không thể gắn bó lâu dài với công việc do tuổi tác, sức khỏe. Bác sĩ trẻ vừa ra trường được đãi ngộ với kinh phí lớn nhưng chưa hẳn sẽ ở lại trạm sau khi hoàn thành việc lấy chứng chỉ hành nghề.

"Như vậy, gắn bó nhất với trạm y tế chính là những nhân viên y tế đang cống hiến. Muốn bền vững chúng ta cũng phải quan tâm đến những người đang làm hoặc cam kết gắn bó lâu dài tại y tế cơ sở", ông Dũng nói.

Cũng theo PGS Đỗ Văn Dũng, trạm y tế cần được nâng cao vị thế trong mắt người dân cũng như trong chính ngành y tế, bằng việc được trao quyền, nâng cao tay nghề, được mở rộng danh mục kỹ thuật, tăng thuốc men về cho trạm…

Từ đó, y tế cơ sở tạo được người dân tin tưởng, nhân viên có nguồn thu nhập tốt, tay nghề cũng được nâng cao.

Kết quả khảo sát tại Bệnh viện Hùng Vương vào tháng 10/2021 trên 466 nhân viên y tế cho thấy 23,6% nhân viên có biểu hiện trầm cảm, 42,9% lo âu và 17,6% stress.

Phân tích nguyên nhân, bệnh viện nhận thấy có 57,5% nhân viên trải qua nhiều biến cố như phải chứng kiến người thân, bạn bè mất vì Covid-19; 53,6% nhân viên cảm thấy bản thân bị kỳ thị vì làm việc trong môi trường y tế; 70,2% nhân viên có người thân mất việc làm…

Nhân Thành