Tại sao nhiều người ở Đà Nẵng chưa tiêm mũi 1 vắc-xin phòng Covid-19?

Hiện nay, trên địa bàn TP.Đà Nẵng vẫn còn 1% đến 2% người dân chưa được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 vì nhiều lý do khác nhau.

Bốn nguyên nhân khiến nhiều người chưa được tiêm vắc-xin

Ngày 4/11, bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) TP.Đà Nẵng cho biết, đến nay vẫn còn một số người chưa được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 1, dù đã đăng ký đến tổ dân phố, UBND phường, Trạm y tế phường.

Việc đăng ký tiêm vắc-xin của công dân, doanh nghiệp tư nhân tại địa phương hiện nay do tổ dân phố lấy thông tin, gửi đến UBND xã, phường; sau đó quận, huyện sẽ lấy thông tin, gửi tin nhắn mời hoặc giấy mời về thời gian, địa điểm tiêm vắc-xin cho công dân.

Việc đăng ký tiêm chủng và tổ chức tiêm chủng cho người dân tại các xã, phường đã được giao cho UBND các quận huyện chịu trách nhiệm thực hiện. Trong các Kế hoạch tiêm chủng, Sở Y tế đều đề nghị UBND các quận, huyện rà soát đối tượng chưa được tiêm chủng, lập danh sách đối tượng tiêm chủng, chịu trách nhiệm về đối tượng và danh sách cung cấp.

Sự kiện - Tại sao nhiều người ở Đà Nẵng chưa tiêm mũi 1 vắc-xin phòng Covid-19?

Người dân được kiểm tra trước khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Thứ nhất, một số người dân cung cấp sai thông tin, sai số điện thoại nên khi nhắn tin mời đi tiêm không đến được.

Thứ hai, một số người nhận được tin nhắn mời đi tiêm nhưng có tâm lý lo ngại nên không đi tiêm.

Thứ ba, người mắc bệnh nền có chỉ định tạm hoãn tiêm.

Sau cùng, người dân ở các địa phương khác mới về lại TP.Đà Nẵng.

Hiện nay, Sở Y tế đang dự thảo văn bản gửi UBND các quận, huyện rà soát lại lần cuối, đăng ký danh sách tất cả đối tượng chưa được tiêm mũi 1 để Sở Y tế phân bổ vắc-xin cho các quận, huyện tổ chức tiêm, đảm bảo 100% người dân đủ điều kiện được tiêm mũi 1.

Các trường hợp phản ánh nếu cung cấp rõ thông tin, đặc biệt là địa chỉ, số điện thoại sẽ được gửi cho phòng Y tế các quận, huyện kiểm tra, xác minh nguyên nhân và trả lời để công dân được biết.

Người ngoại tỉnh vào TP.Đà Nẵng làm gì để được tiêm vắc-xin?

Ngoài ra, hiện nay, nhiều người dân ngoại tỉnh đến TP.Đà Nẵng làm việc muốn đăng ký tiêm vắc-xin; có trường hợp đã tiêm mũi 1 ở địa phương khác, nay đến TP.Đà Nẵng mong muốn được đăng ký tiêm mũi 2.

Liên quan vấn đề này, bác sĩ Thạnh cho hay, để đảm bảo người dân hiện đang cư trú tại TP.Đà Nẵng được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin theo quy định, ngày 22/9/2021, Sở Y tế Thành phố đã ban hành Công văn số 4463/SYT-NVY đề nghị UBND các quận, huyện chủ trì làm đầu mối tiếp nhận đăng ký tiêm vắc-xin mũi 2 cho các đối tượng đã tiêm mũi 1 vắc-xin phòng Covid-19 tại các địa phương khác.

Theo đó, công dân Việt Nam, người nước ngoài đang lưu trú tại TP.Đà Nẵng đã được tiêm mũi 1 vắc-xin phòng Covid-19 ở các địa phương khác và đã có kế hoạch trả mũi 2 ở các địa phương khác nhưng không đến điểm tiêm chủng được, có thể gửi hồ sơ gồm đơn xin tiêm chủng mũi 2 và các minh chứng chứng minh đã tiêm mũi 1 vắc-xin phòng Covid-19, đến UBND các quận, huyện để đăng ký tiêm mũi 2.

Sự kiện - Tại sao nhiều người ở Đà Nẵng chưa tiêm mũi 1 vắc-xin phòng Covid-19? (Hình 2).

Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là cách bảo vệ sức khoẻ tốt nhất. 

Cũng theo CDC TP.Đà Nẵng, ngành y tế thành phố tiếp tục triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 Astrazeneca mũi 1 và trả mũi 2 cho 126.264 người, thời gian triển khai bắt đầu từ 5/11 đến 10/11.

Các đối tượng được tiêm mũi 1 đợt này gồm người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài, nhân viên thuộc các doanh nghiệp nước ngoài hiện đang cư trú trên địa bàn thành phố; các đối tượng hoãn tiêm mũi 1 của các đợt tiêm chủng trước.

Tiêm mũi 2 cho các đối tượng đã tiêm mũi 1 Astrazeneca đến thời điểm cần trả mũi và các đối tượng hoãn tiêm mũi 2 của các đợt tiêm chủng trước.

Trong kế hoạch triển khai tiêm đợt này, ngành y tế đã bố trí 99 điểm tiêm tại 9 địa điểm trên địa bàn thành phố, dưới sự phụ trách của 7 trung tâm y tế quận, huyện, Bệnh viện Sản – Nhi và Bệnh viện Đà Nẵng.

Theo kế hoạch, Sở Y tế yếu cầu Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.Đà Nẵng phối hợp, hướng dẫn các đơn vị phụ trách điểm tiêm chủng xây dựng kế hoạch, tổng hợp tình hình thực hiện; thực hiện giám sát và tăng cường các hoạt động truyền thông các đợt tiêm chủng.

Đối với các đơn vị phụ trách tiêm chủng cần phối hợp với các đơn vị thực hiện việc bố trí các điểm tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế và đảm bảo công tác phòng chống dịch. Chịu trách nhiệm rà soát đảm bảo đúng đối tượng, phân chia múi giờ để không ùn tắc và đảm bảo an toàn phòng dịch theo quy định.

Đồng thời, bố trí đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ cần thiết cho buổi tiêm chủng. Đặc biệt phải sẵn sàng các trang thiết bị, phương tiện, thuốc để kịp thời xử lý các sự cố bất lợi sau tiêm chủng...

Duy Cường