Mưu trí, dũng cảm thời chiến
Nằm tại số 113A Đặng Dung, quận 1, quán cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn gây ấn tượng ban đầu bởi dáng vẻ cổ kính của một căn nhà gỗ duyên dáng, có treo lá cờ hai màu xanh, đỏ cùng ngôi sao vàng 5 cánh đang tung bay phấp phới - Lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Phía trước quán góc trái có tấm biển tên quán theo kiểu chữ kẻ tay xưa. Chính diện cửa ra vào, có gắn tấm biển đồng với dòng chữ "Di tích lịch sử Hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn".
Không ai ngờ rằng cái quán ăn uống giản dị ấy trước năm 1975 thực chất lại là một trong những cơ sở hoạt động bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn, dưới sự quản lý của cụ Trần Văn Lai, còn gọi là Năm Lai, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.
Căn nhà được phía Cách mạng dùng làm nơi trú ẩn, giao liên, hội họp, giao nhận thư từ, tài liệu mật, nuôi giấu cán bộ. Điều thú vị là trong thời chiến, quán Đỗ Phủ lại nằm ngay sát vách nhà một tướng quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Hoạt động của chủ quán cùng lực lượng Biệt động Sài Gòn vì thế lại càng phải thật cẩn trọng, mưu trí hơn bao giờ hết.
Ông Trần Vũ Bình, con của cụ Trần Văn Lai, kể lại sự ra đời của quán cơm tấm này. Ngày đó, trước khi mở quán cơm, bà Sự là vợ của ông Đỗ Miễn, quê ở Hải Phòng, được cụ Năm Lai đưa qua Nam Vang (tên Hán Việt của Phnom Penh, Campuchia) để làm công việc nấu ăn, nhưng thực chất là hoạt động tình báo tại nước ngoài.
Bà không đi từ Bắc thẳng vào Nam để đánh lạc hướng địch, trong vai một thương gia đi đây đi đó buôn bán, không có mối liên hệ gì với cách mạng lúc bấy giờ. Ở Nam Vang vài năm, bà Sự trở về nước cùng chồng bán cơm tấm, lúc đó quán tên là cơm tấm Đỗ Phủ - bà Sự, tức phủ của tộc họ Đỗ.
Quán bán cơm bình dân cho người lao động và dần trở thành một điểm tụ họp buổi sáng quen thuộc của những cư dân lân cận, trong đó có nhiều lính Đại Hàn (lính Hàn Quốc sang tham chiến trong cuộc chiến tranh Việt Nam) ở cư xá công binh đối diện.
Quán nằm sát vách nhà của một tướng quân đội Việt Nam Cộng Hòa nên vợ chồng ông bà Đỗ Miễn phải hết sức mưu trí, cẩn trọng trong từng hoạt động. Ông Bình kể: "Người đưa thư mang đôi giày có đế xoay đựng thư mật đi vào căn bếp của quán cơm để đưa thư, lúc này chủ quán phải cảnh giới để không cho người khác theo sau, tránh bị phát hiện".
Tái hiện những huyền thoại
Ngày nay, đến quán cà phê Đỗ Phủ, cơm tấm Đại Hàn, du khách vẫn có thể được thấy vách tường giữa nhà 113A Đặng Dung và 113B Đặng Dung chính là một hầm nổi, cất giấu tài liệu, thuốc men, tiền, vàng… đựng trong các lon guigoz, thùng đạn Mỹ.
Hoặc như chiếc tủ quần áo bằng gỗ trên tầng lầu của quán. Đây thực chất là nơi nguỵ trang, che giấu căn hầm bí mật, vừa đủ một người chui vào. Khi "có biến", người ta chui vào tủ, mở nắp hầm thoát thân ra con đường phía sau nhà. Những câu chuyện như thế đã cuốn hút nhiều du khách tìm hiểu, lắng nghe khi đến địa chỉ độc đáo này ở Tp.HCM.
Khách đến “quán cà-phê Biệt động Sài Gòn” thường chọn một góc yên tĩnh, ngồi nhâm nhi ly nước trong không gian xưa, ngắm nhìn hàng trăm hiện vật lịch sử, nghe kể những câu chuyện ly kỳ về biệt động thành.
Người thuyết minh tại di tích này chính là các nhân chứng lịch sử, thế hệ con cháu của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn ngày ấy. Họ đến đây gìn giữ hiện vật, dẫn chuyện và gợi lại ký ức quân và dân Sài Gòn những tháng năm chiến đấu oai hùng.
Suốt mấy chục năm liền, ông Trần Văn Bình dành dụm, vay mượn khắp nơi, tìm cách mua cho bằng được những căn nhà lưu dấu chặng đường chiến đấu của cha mình cùng các cộng sự.
Khi nắm trong tay các căn nhà biệt động thành, ông đầu tư tâm sức vào phục dựng, sưu tầm hiện vật và kết nối các nhân chứng lịch sử.
Bằng những tài liệu có được từ người cha quá cố, những câu chuyện kể từ đồng đội của cha hay tài liệu thu thập từ nhân chứng, các thư viện lớn nhỏ tại Tp.Hồ Chí Minh, ông Bình xâu chuỗi, làm mới các sự kiện trên nền tảng công nghệ thông tin để tạo nên nguồn dữ liệu quý giá cho Bảo tàng thông minh Biệt động Sài Gòn ra đời không lâu sau đó. Tiếp đó, lần lượt nhiều di tích quan trọng khác được phục dựng tại quận 3, quận Phú Nhuận,…
Chưa bao giờ hứa hẹn điều gì, cứ lặng lẽ làm, thế nhưng đến nay ông Bình đã chuộc lại và phục dựng hơn 20 căn nhà di tích về Biệt động Sài Gòn.
Người đàn ông hào sảng này luôn cười tươi và nói bản thân may mắn khi sớm nung nấu ý tưởng tìm hiểu về Biệt động Sài Gòn, về những địa điểm lịch sử vì nếu tiến hành trễ quá có thể ông không “cứu” kịp nhiều căn nhà quý giá.
Hiện tại, ông đang tập trung vào việc hoàn thiện ba công trình lớn mang tên Bảo tàng Biệt động Sài Gòn tại Tp.Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi và Thái Bình.
“Mình muốn nhiều người biết về Biệt động Sài Gòn thì tại sao lại giới hạn không gian. Ở đâu cần, tôi sẽ đem câu chuyện về những chiến sĩ biệt động đến đó giới thiệu, trưng bày. Sắp tới, sẽ có thêm nhiều bảo tàng Biệt động Sài Gòn ở chuỗi nhà cổ ở các tỉnh miền Tây và một di tích quan trọng tại sân bay Phước Long, tỉnh Bình Phước. Thế hệ trước hy sinh không cần đền đáp thì phận con cháu mình phải làm gì đó có ý nghĩa với đời”, ông Bình nói.