Sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc đáng quan ngại?

Một chỉ số quan trọng về sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc đã thu hẹp tháng thứ hai liên tiếp.

Chỉ số Quản lý thu mua (PMI) của Trung Quốc giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 10, do tình trạng thiếu điện vẫn tiếp diễn, giá nguyên liệu thô tăng hơn nữa, và nhu cầu trong nước ở mức thấp một phần do sự không chắc chắn do đại dịch gây ra, Cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho biết hôm 31/10.

Ngoài ra, Covid-19 chính thức quay trở lại vào tháng 10, đặc biệt là ở miền Bắc Trung Quốc cũng là nguyên nhân tác động đến kinh tế Trung Quốc.

Sự suy giảm hoạt động kinh tế có thể gây trở ngại hơn nữa cho lĩnh vực dịch vụ vì những hạn chế khắt khe để ngăn chặn dịch bùng phát.

Các biện pháp chính thức kết hợp chỉ ra rằng bất ổn kinh tế gia tăng trong quý IV/2021, sau một năm suy giảm ổn định trong năm nay, một phần không nhỏ do đại dịch.

Các nhà phân tích cho rằng, đã xuất hiện các biểu hiện của lạm phát đình trệ trong nền kinh tế Trung Quốc.

Nguồn cung điện thắt chặt và nỗ lực mới của Chính phủ nhằm cắt giảm lượng phát thải CO2 công nghiệp đóng vai trò nhất định trong sự thu hẹp của hoạt động công nghiệp, các nhà phân tích cho biết.

NBS cho biết, chỉ số PMI chính thức trong tháng 10 đã giảm xuống còn 49,2, ghi nhận mức giảm 0,4 điểm so với tháng trước, phản ánh hoạt động công nghiệp suy yếu do tình trạng thiếu điện nghiêm trọng.

Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, nói với Reuters: "Những tín hiệu này xác nhận rằng nền kinh tế Trung Quốc có khả năng đã trải qua tình trạng giảm phát đình trệ".

Trong khi đó, Dong Dengxin, Giám đốc Viện Tài chính và Chứng khoán thuộc Đại học Vũ Hán, nói với Global Times hôm 31/10 rằng, chỉ số PMI dao động trên hoặc dưới mốc 50 điểm một chút là trong phạm vi bình thường, cho thấy nền kinh tế đang ổn định.

Dong nhấn mạnh rằng giá nguyên liệu thô và hàng rời tăng cao là một vấn đề toàn cầu. Điều này phản ánh đại dịch Covid-19 đang diễn ra, nguy cơ gia tăng áp lực lạm phát của Mỹ và sự mất giá của đồng USD, vì nhiều mặt hàng số lượng lớn, chẳng hạn như dầu thô, được định giá bằng đồng USD.

Thiếu điện chỉ là yếu tố thời vụ có thể giải quyết được, Dong cho biết.

Thiếu cầu gây khó khăn cho sản xuất

Sự suy giảm hơn nữa của ngành công nghiệp cả về cung và cầu cho thấy, sản xuất chế tạo và nhu cầu thị trường suy yếu trong tháng 10, với tiêu thụ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm dệt may và các sản phẩm khoáng phi kim loại, đạt dưới 45 điểm, theo Zhao Qinghe, nhà phân tích cấp cao của NBS.

Thế giới - Sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc đáng quan ngại?

Theo cơ quan thống kê Trung Quốc, việc chỉ số PMI tháng 10/2021 giảm so với tháng trước phản ánh hoạt động công nghiệp suy yếu do tình trạng thiếu điện nghiêm trọng. Ảnh: SCMP

Jin Xiaobo, Giám đốc điều hành của Zhejiang Kaierhai Textile Garments Co, có trụ sở tại Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc, nói với Global Times hôm 31/10 rằng, hoạt động sản xuất của công ty ông đã bị ảnh hưởng do các doanh nghiệp thượng nguồn như những công ty trong lĩnh vực dệt và nhuộm đang tăng giá sản phẩm của họ và không thể thực hiện giao hàng một cách đáng tin cậy.

Cầu yếu trong khi giá cả tiếp tục tăng, đặc biệt là đối với nguyên liệu thô và giá bán buôn của các sản phẩm chế tạo. Giá tại cổng nhà máy đạt mức cao nhất vào tháng 10 trong những năm gần đây.

Một nhà quản lý họ Huang từ Công ty Quà tặng Đại bàng Quảng Đông nói với Global Times rằng, chi phí mua hàng đã tăng khoảng 10%.

Tuy nhiên, lĩnh vực sản xuất công nghệ cao tiếp tục phát triển trong tháng 10, và xuất nhập khẩu của Trung Quốc cũng tiếp tục tăng trong tháng 9 và tháng 10.

Chỉ số PMI phi sản xuất, từ các lĩnh vực ít phụ thuộc hơn vào năng lượng và nguyên liệu, giảm 0,8 điểm xuống 52,4 và chỉ số PMI sản lượng tổng hợp là 50,8 trong tháng 10.

Zhang Liqun, một nhà phân tích tại Trung tâm Thông tin Logistics Trung Quốc, cho biết “Khoảng 1/3 số công ty được khảo sát cho biết khó khăn lớn nhất của họ là do thiếu cầu”.

Zhou Hao, một nhà kinh tế cấp cao tại Commerzbank, cho biết, "Sản xuất vẫn còn yếu, cho thấy vấn đề về cầu có thể tương đối lớn và vẫn cần một số nới lỏng chính sách."

Còn Tommy Xie của Ngân hàng OCBC cho rằng, các công ty nhỏ hơn đang phải "trả giá cho tình trạng thiếu điện" và cần được hỗ trợ nhiều hơn về chính sách.

Theo: Người Đưa Tin