Chợ Phong Lưu Khâu Vai hay còn gọi Chợ tình Khâu Vai đã có lịch sử từ gần 100 năm nay. Theo một số tài liệu, chợ đã có từ những năm 1919. Tên gọi "Khau Vai" theo tiếng Tày - Nùng có nghĩa là "đèo gai", tuy nhiên nhiều văn liệu đã ghi thành "Khâu Vai". Chợ nằm ở xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc, Hà Giang và chỉ họp mỗi năm một lần vào ngày 27/3 âm lịch. Hiện nay, ngay cả những người già nhất trong vùng cũng chẳng biết chợ bắt đầu từ khi nào, chỉ biết từ khi còn “đỏ hỏn” chợ đã có rồi.
Đây là chợ phiên đặc sắc nhất ở Hà Giang. Chợ không phải là nơi giao thương, buôn bán các mặt hàng nông sản hay nhu yếu phẩm. Chợ là nơi tâm tình, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian, mỗi năm chỉ họp duy nhất một ngày, là phiên chợ chủ yếu dành cho những đôi trai gái yêu nhưng không lấy được nhau... Hằng năm, cứ đến ngày 27/3 âm lịch, họ lại vượt núi, băng rừng về hò hẹn, gặp lại người yêu cũ, cùng nhau uống rượu và tâm sự, ôn lại chuyện tình xưa.
Ngày nay, huyện Mèo Vạc và tỉnh Hà Giang đã đưa chợ tình Khâu Vai lên thành Tuần Văn hóa du lịch Lễ hội Chợ tình Khâu Vai với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống độc đáo, nhằm thu hút khách du lịch. Do kết hợp cùng các hoạt động văn nghệ, quảng bá văn hóa địa phương nên chợ thường kéo dài khoảng 3 ngày, nhưng phiên chợ chính vẫn diễn ra vào ngày 27/3 âm lịch với các hoạt động đảm bảo tôn trọng các giá trị truyền thống.
Nguồn gốc của chợ tình Khâu Vai bắt nguồn từ truyền thuyết về chàng Ba, cô Út. Chàng Ba người dân tộc Nùng, nhà ở Khau Vai, khôi ngô tuấn tú, hát hay, thổi sáo giỏi nhưng nhà nghèo. Cô Út xinh đẹp là con một tộc trưởng người Giáy. Hai người yêu nhau nhưng gia đình cô Út không đồng ý vì chàng nghèo và khác dân tộc không cùng con ma, không cùng phong tục tập quán; con trai người Nùng không thể lấy con gái người Giáy làm vợ.
Chàng và nàng trốn nhà đưa nhau lên hang núi Khau Vai sống. Gia đình, họ tộc cô gái vác súng kíp, cung nỏ sang nhà trai chửi mắng chàng Út phá lệ đưa cô gái ra rừng. Gia đình chàng trai cũng mang gậy gộc, súng, dao ra chửi bới nhà gái. Từ hang núi nhìn xuống cảnh máu chảy, đâm chém nhau giữa hai họ. Thương cha, thương mẹ, thương dân bản hai làng bỗng trở nên thù hận nhau chỉ vì tình yêu của mình nên chàng trai và cô gái chia tay nhau về làng, thề kiếp sau sẽ thành vợ thành chồng.
Trước khi chia tay họ hẹn 27/3 âm lịch hàng năm sẽ lại đến Khâu Vai hát cho nhau nghe, tâm sự về những chuyện xảy ra trong suốt một năm xa cách. Ở bên nhau hết đêm, ngày hôm sau họ sẽ lại về với cuộc sống thường ngày. Đến khi già, ngày cuối đời họ lại đến đây, ôm chặt lấy nhau, cùng đi vào cõi vĩnh hằng. Ngày họ ra đi cũng là 27/3 âm lịch. Dân làng thương tiếc về mối lương duyên trắc trở này nên đã dựng lên 2 miếu thờ Ông, thờ Bà và lấy ngày này làm ngày họp chợ cho các đôi trai gái lỡ duyên.
Mới đây, bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1952/QĐ-BVHTTDL đưa Tập quán xã hội và tín ngưỡng Chợ Phong Lưu (Háng Phúng Lìu) Khâu Vai, xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Chợ Phong Lưu Khâu Vai không chỉ là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị nhân văn cao đẹp mà còn là nơi ca ngợi mối tình trong sáng, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng về những giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng và phát triển chuẩn mực đạo đức xã hội, gia đình, tình yêu đôi lứa.
Nơi đây cũng là nơi giao lưu, gặp gỡ để bảo tồn những nét đẹp văn hóa dân gian đặc sắc riêng của nhân dân các dân tộc huyện Mèo Vạc nói riêng và đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang nói chung; quảng bá du lịch, thu hút du khách đến với Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
Theo Quyết định, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Theo Người Đưa Tin Pháp Luật