Ngành hàng không như "con bệnh cần trợ thở", liều thuốc nào giải cứu?

Sau 2 năm, đại dịch Covid-19 đã khiến ngành hàng không rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, hãng bay phải đối mặt nguy cơ dừng hoạt động.

Hãng bay kiệt quệ

Theo nhận định của các chuyên gia tại tọa đàm với chủ đề “Giải pháp cấp bách về vốn để "giữ cánh" cho hàng không Việt” được tổ chức sáng 2/8, ngành hàng không có vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Bởi, ngành này không chỉ đóng góp lớn vào sự tăng trưởng GDP mà còn tác động mạnh mẽ tới việc kết nối quốc tế, thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng tiến bộ khoa học cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của các ngành du lịch, thương mại, đầu tư và tiêu dùng. 

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến ngành hàng không rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Sau gần hai năm hoạt động cầm chừng, các hãng bay đều đã cạn kiệt dòng tiền, đối mặt với tình trạng mất khả năng thanh toán và nguy cơ phải dừng hoạt động.

Theo TS. Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, dịch bệnh khiến doanh thu ngành hàng không giảm sút nghiêm trọng: 80-90% máy bay phải nằm tại sân bay trong mùa cao điểm; doanh thu của ngành chỉ đạt 10-20%. Không chỉ vậy, đại dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ dịch vụ vận tải của các hãng hàng không.

Tuy số lượng máy bay chủ yếu nằm dưới mặt đất, song các theo số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA), hiện các hãng bay vẫn phải “cõng” 100 tỷ đồng chi phí hoạt động mỗi ngày.

Dù mới đây Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã nhận được khoản hỗ trợ của Chính phủ trị giá 4.000 tỷ đồng theo hình thức tái cấp vốn trong cả gói 12.000 tỷ đồng theo Nghị quyết của Quốc hội, tuy nhiên, khó khăn dường như vẫn chưa buông tha cho "ông lớn" ngành hàng không.

Trong khi đó, các hãng hàng không tư nhân như VietJet Air, Bamboo Airways… cũng trong tình trạng kiệt quệ tài chính và chưa nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ nào.

Tính tới tháng 6/2021, nợ ngắn hạn của 3 hãng hàng không (Vietnam Airlines, VietJet Air và Bamboo airways) ước tính lên tới 36.000 tỷ đồng, trong đó khoản nợ của Vietnam Airlines là 20.000 tỷ đồng.

Riêng Vietnam Airlines, tính đến thời điểm hiện tại, hãng bay đang có 13.337 tỷ đồng nợ quá hạn các đối tác, nhà cung cấp. Trong đó, 7.099 tỷ đồng là khoản tiền nợ thuê máy bay từ 12 đối tác; 4.021 tỷ đồng tiền nợ quá hạn nhiên liệu, sửa chữa bảo dưỡng động cơ, phụ tùng vật tư; 2.053 tỷ đồng nợ các tổ chức tín dụng và cuối cùng là 1.847 tỷ đồng là khoản nợ dịch vụ chuyến bay, dịch vụ hàng không.

Tài chính - Ngân hàng - Ngành hàng không như 'con bệnh cần trợ thở', liều thuốc nào giải cứu?

Cơ cấu khoản nợ quán hạn của Vietnam Airlines

Cũng bàn về những khó khăn của ngành hàng không, PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, sức khỏe của ngành hàng không đang bị "bào mòn" bởi đại dịch Covid-19. 

"Ngành hàng không đang là những con bệnh cần trợ thở. Nếu không được hỗ trợ, các doanh nghiệp trong ngành sẽ phải đối mặt với rủi ro thanh khoản, thậm chí dẫn đến tình trạng kiệt quệ tài chính. Thậm chí, nếu không được xử lý sẽ tạo ra gánh gặng chi phí tái cấu trúc cho ngành hàng không trong tương lai", ông Bảo cho hay.

Cần sự hỗ trợ từ Chính phủ

Trước những thách thức lớn đắt ra cho các doanh nghiệp hàng không, TS Bùi Doãn Nề cho biết, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ một số giải pháp như áp dụng “hộ chiếu vaccine", nới lỏng quy định về đi lại, cách ly với những người đã tiêm đủ liều vaccine, có kế hoạch sớm khai thác trở lại các đường bay quốc tế.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đề nghị bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế tái cấp vốn từ 5.000 - 6.000 tỷ đồng cho các hãng hàng không tư nhân Bamboo Airways, Vietjet Air. Thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và được gia hạn tự động 2 lần....

Đồng thời, Hiệp hội này cũng đề xuất cho phép giảm 70% thuế bảo vệ môi trường cho các hãng hàng không đến ngày 30/6/2022. Đồng thời, tiếp tục giảm giá, phí dịch vụ hàng không tại các cảng hàng không đến hết năm 2022.

Dưới góc nhìn của chuyên gia, ông Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV đề xuất, cần xác định việc hỗ trợ ngành hàng không vượt qua khủng hoảng Covid-19 là trường hợp khách quan, bất khả kháng, để từ đó áp dụng các chính sách, biện pháp vừa linh hoạt, đúng quy định pháp luật, đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp trong ngành.

Theo ông Lực, chính phủ cần xem xét phương án hỗ trợ phù hợp, khả thi với các hãng hàng không tư nhân (cho vay hỗ trợ lãi suất 3-4%/ năm so với vay thương mại) với thời hạn vay vốn 1-2 năm.

Góp ý thêm giải pháp "giải cứu" ngành hàng không, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhấn mạnh đến vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam. Theo đó, Hiệp hội cần phải tổng hợp, đánh giá đúng sự cần thiết, cũng như vai trò vị trí hết sức quan trọng của ngành hàng không... để thấy được ngành xứng đáng nhận sự hỗ trợ này.

"Để giải cứu ngành hàng không, chắc chắn cần giải pháp mạnh, tạo hành lang pháp lý, chẳng hạn như một Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này", ông Hùng nhấn mạnh.

Bên cạnh đưa ra những giải pháp “cứu cánh” cho ngành hàng không, PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo cũng nêu ý kiến cần phải có những điều kiện ràng buộc các hãng bay khi muốn tiếp cận gói “giải cứu”.

Theo ông, đầu tiên các doanh nghiệp phải tự cân đối tài chính, cắt giảm chi phí hoạt động và tự tái cấu trúc các khoản đầu tư cho phù hợp. Cụ thể, bên cạnh việc cắt giảm nhân công, các hãng phải bán bớt tài sản, thanh lý dự án, thoái vốn công ty con không đóng vai trò tiên quyết.

Bên cạnh đó, các hãng cũng cần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng phục vụ, hiệu quả hoạt động.

Theo: Người Đưa Tin Pháp Luật