Mức hưởng quyền lợi đi kèm khi đóng BHYT 5 năm liên tục có khác với đóng 10 năm?

Nhiều người thấy trên thẻ BHYT của mình ghi “thời điểm đủ 5 năm liên tục từ 01/01/2023”, nhưng không hiểu dòng chữ này có ý nghĩa như thế nào? Sau bao lâu thì phải đổi thẻ BHYT mới? Đóng BHYT 5 năm và 10 năm mức hưởng bảo hiểm như nhau không?

Trước thắc mắc trên, ông Nguyễn Thành Đạt - Phó trưởng phòng Chế độ bảo hiểm y tế, Ban Thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết: Người tham gia BHYT đóng đủ 5 năm liên tục không gián đoạn theo quy định, trên thẻ BHYT sẽ có dòng chữ xác định "thời gian đủ 5 năm liên tục từ....

Theo quy định tại Luật BHYT và Nghị định 146/2018/NĐ-CP, trường hợp người tham gia có thời gian đóng liên tục từ 5 năm trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (hiện nay là 8.940.000 đồng, từ ngày 1/7 là 10,8 triệu đồng) thì sẽ được miễn cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT ngay tại cơ sở khám chữa bệnh; được cơ quan BHXH cấp Giấy chứng nhận miễn cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT cho những lần đi khám chữa bệnh BHYT tiếp theo, trừ trường hợp đi khám chữa bệnh không đúng tuyến.

bhyt-1684482181.jpg
Số tiền cùng chi trả/chi phí đồng chi trả là khoản tiền mà người bệnh có BHYT phải cùng chi trả với cơ quan BHXH theo tỷ lệ % được hưởng của loại thẻ BHYT. Ảnh minh hoạ

Chi phí người bệnh đồng chi trả là phần chi phí thuộc trách nhiệm chi trả của người bệnh đối với các chi phí thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT (đã trừ đi phần thuộc trách nhiệm của quỹ BHYT chi trả).

Ví dụ: Chủ thẻ là đối tượng có mức hưởng BHYT là 80% thì sẽ đồng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh.

Nếu chủ thẻ đã tham gia BHYT 5 năm liên tục, từ đầu năm 2023 đến tháng 5 đi khám chữa bệnh đúng tuyến 3 lần, phải đóng thêm tổng cộng 9 triệu đồng phần cùng chi trả, chủ thẻ sẽ được cơ quan BHXH cấp Giấy chứng nhận miễn cùng chi trả.

y-te-1684482181.jpg
BHYT 05 năm liên tục là khi một người có thời gian tham gia BHYT 05 năm liên tục trở lên, trường hợp có gián đoạn thì tối đa không quá 03 tháng.

Từ lần thứ 4 trở đi, khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến trong năm 2023, chủ thẻ sẽ không phải đóng thêm phần 20% này.

Kể từ ngày đủ thời gian tham gia 5 năm trở đi, nếu người tham gia vẫn tiếp tục tham gia BHYT và có chi phí cùng chi trả của các lần đi khám chữa bệnh BHYT đúng tuyến trong năm đó lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì sẽ được hưởng quyền lợi như người đã đóng BHYT 5 năm liên tục.

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm cung cấp hóa đơn thu đối với số tiền cùng chi trả đủ 06 tháng lương cơ sở để người bệnh có căn cứ đề nghị cơ quan BHXH xác nhận không phải cùng chi trả trong năm đó.

Theo quy định hiện hành, việc gia hạn giá trị sử dụng của thẻ BHYT được thực hiện trên hệ thống công nghệ thông tin nên không có quy định thời hạn cụ thể phải thay đổi thẻ mới. Thẻ BHYT chỉ được in lại khi người tham gia đề nghị đổi thẻ BHYT. 

Tiến Dũng