Khó từ chọn môn đến sắp xếp giáo viên
Tính đến tháng 4/2022 là chỉ còn vài tháng nữa để bắt đầu năm học 2022 – 2023 với chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 được áp dụng.
Thay vì 13 môn như hiện nay, học sinh lớp 10 sẽ chỉ học 12 môn, trong đó có 7 môn bắt buộc và 5 môn tự chọn; dẫn đến có 100 cách chọn tổ hợp môn học khiến học sinh, giáo viên đều bối rối
Theo đó, học sinh lớp 10 phải học 7 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ Văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, nội dung giáo dục của địa phương. Các môn học tự chọn gồm:Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.
Còn 3 nhóm môn học để lựa chọn 5 môn gồm: Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Riêng môn Nghệ thuật, gồm hai phân môn Âm nhạc và Mỹ thuật, thì học sinh được chọn một trong hai phân môn, tính là 1 môn.
Ông Hoàng Sơn Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, quận Tân Bình, Tp.HCM cho biết: “Mặc dù có đến hơn 100 cách lựa chọn môn/tổ hợp môn, song tính chặt chẽ lại thì cũng chỉ có khoảng 10 môn/tổ hợp môn chính, trong khi chỉ 10 phương án lựa chọn đó cũng đã đủ rối rắm cho các trường”.
Cũng theo ông Hải, khó khăn chung ở các trường THPT hiện nay khi thực hiện chương trình mới trong năm học sắp tới là vấn đề đội ngũ giáo viên.
"Nhân sự sẽ phải tính toán và sắp xếp lại rất nhiều. Chắc chắn sẽ có những tổ hợp môn thiếu giáo viên, như các môn Mỹ thuật, Âm nhạc, Công nghiệp… Các môn này không phải là mới nhưng vì từ trước đến nay không có giáo viên nên khó khăn khi không có nhân sự", ông Hải nói.
Bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, Tp.HCM băn khoăn: “Nhà trường lo lắng học sinh sẽ lựa chọn môn Tin học nhiều hơn và “bỏ rơi” môn Công nghệ, trong khi đây là môn học có hướng phát triển rất tốt”.
Đồng thời, trường THPT Bùi Thị Xuân đã tính đến phương án mời giáo viên bậc tiểu học nhưng có bằng cấp đại học để dạy môn Âm nhạc nhưng còn phải chờ thêm. Trong năm đầu tiên, nhà trường chỉ có thể triển khai dạy môn Mỹ thuật.
Tìm phương án linh hoạt, kịp thời
Trao đổi với PV về công tác chuẩn bị cho học sinh chọn môn học, đăng ký nguyện vọng, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM cho hay: “Chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc THPT có điểm hấp dẫn, tiến bộ khi cho học sinh được chọn môn học yêu thích nhưng thực tế điều kiện tại các trường về hạ tầng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên còn hạn chế, đặc biệt là ở các môn nghệ thuật nên rất khó để đáp ứng được đầy đủ các lựa chọn của học sinh”.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Tp.HCM xác định, trong năm học đầu tiên áp dụng chương trình mới sẽ có khó khăn nên Sở đã chỉ đạo các trường THPT xây dựng tổ hợp môn mà mình có khả năng đáp ứng và công khai trước khi học sinh chọn nguyện vọng.
Trong tuần này, Sở GD&ĐT Tp.HCM sẽ hoàn thành hệ thống đăng ký các tổ hợp môn, công khai lên bản đồ GIS mọi thông tin tuyển sinh. Phụ huynh, học sinh lựa chọn trường nào sẽ vào địa chỉ của trường đó xem, có tổ chức tổ hợp môn nào, phù hợp với nguyện vọng của mình hay không.
Nói về khó khăn trong tổ chức môn lựa chọn, ông Hiếu đánh giá, các môn nghệ thuật trong chương trình giáo dục phổ thông mới bậc THPT cần có 2 tiết/tuần nhưng hiện không có giáo viên. Trong khi đó, số lượng học sinh mong muốn được học môn học này không phải ít.
Vì vậy, theo Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM, cần phải nghiên cứu cơ chế đặt hàng đào tạo để có lực lượng tham gia dạy học thời gian tới ở bậc THPT.
Mới đây, Sở GD&ĐT Tp.HCM đã làm việc với Trường Đại học Sài Gòn “đặt hàng” về nhân sự mà ngành giáo dục THPT của Tp.HCM đang cần hoặc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đang dạy THCS để đáp ứng việc dạy chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc THPT.
“Khi đó, các giáo viên THCS sẽ thỉnh giảng ở bậc THPT. Nhưng có lẽ việc này không đơn giản do ngay cả giáo viên bậc THCS cũng đang thiếu giáo viên các môn nghệ thuật”, ông Hiếu thừa nhận.
Về hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp hay các nội dung giáo dục của địa phương, ông Nguyễn Văn Hiếu cho hay, hiệu trưởng các trường sẽ phân công những giáo viên có kinh nghiệm để nghiên cứu giảng dạy các môn này theo hướng bám sát yêu cầu từ chương trình khung của Bộ GD&ĐT.