Luật sư Trần Bá Học: Tình người phía sau những lời bào chữa cho kẻ phạm tội bị xã hội rẻ rúng

25/11/2020 16:06

Luật sư của những vụ án hình sự

Gặp nhau nơi quán cà phê quen, luật sư Trần Bá Học, đoàn Luật sư TP.HCM, mở đầu cuộc trò chuyện bằng câu chuyện dí dỏm về nguyên nhân anh lựa chọn ngành luật. Anh khiến tôi bất ngờ khi cho biết, anh “thích” nghề luật và khát khao trở thành luật sư sau khi xem những bộ phim lột tả người luật sư trên truyền hình. Anh nói: “Những bộ phim ấy khiến tôi mê mẩn. Tôi thấy các vị luật sư trong phim thật uy nghiêm, quyền lực. Sau khi họ phát biểu, tranh tụng, quan tòa ngồi nghe đều chấp nhận hết những điều họ nói. Điều đó khiến tôi thích thú và muốn trở thành một người luật sư để bảo vệ lẽ phải”.

Luật sư Học kể: “Lúc tôi 13 tuổi, tôi có tranh luận với một ông chú làm trong HTX ở gần nhà. Sau lần tranh luận ấy, tôi nói với ông chú đó rằng, sau này, tôi sẽ đi học luật để trở thành luật sư để về nói chuyện lý lẽ với ông. Chuyện này đến bây giờ người có tuổi ở quê tôi vẫn nhớ và nhắc lại như một kỷ niệm vui. Sau đó, khi tốt nghiệp đại học, đi thi công chức, tôi được nhận vào làm việc trong tòa án tại quê nhà. Thế nhưng, khát khao trở thành luật sư trong tôi quá lớn nên tôi xin nghỉ việc, trở vào TP.HCM để học luật sư”.

Vào TP.HCM, anh vừa học vừa làm để tích luỹ thêm kinh nghiệm. Anh nói, ngay khi chưa có thẻ ngành, anh đã làm việc như một luật sư nhưng chỉ dừng lại ở mức được uỷ quyền chứ chưa thể tranh tụng tại tòa. Ngay thời điểm này, anh đã đại diện uỷ quyền kiện vụ tranh chấp đất đai tại huyện Nhà Bè, TP.HCM. Và ngay lần đầu tiên “xông trận” ấy, anh đã có kỷ niệm đáng nhớ khi bị thân chủ quỵt một nửa tiền phí. Sau đó, một trong những vụ án khiến tên tuổi anh được dư luận nhớ đến là lần bảo vệ quyền lợi hợp pháp miễn phí cho một cậu thiếu niên bị truy tố 2 tội Hiếp dâm, Cố ý gây thương tích.

Luật sư Học kể: “Theo cáo trạng, nam bị cáo là một thiếu niên ở tuổi mới lớn trong khi đó, nữ bị hại đang là sinh viên. Thấy cô gái đi tắm, cậu thiếu niên này cố ý rình mò, nhìn trộm. Trong lúc này, cậu ta bị nạn nhân phát giác nên bỏ chạy. Tuy nhiên, lúc này, cậu thiếu niên bị bị hại giữ lại. Cô gái vớ lấy con dao trong ống đũa định tấn công người này. Trong lúc giằng co, cậu thiếu niên giật con dao và khiến cô gái bị thương tích. Ra toà, bị cáo bị truy tố 2 tội danh Hiếp dâm và Cố ý gây thương tích”.

Luật sư Trần Bá Học đến tham gia phiên tòa xét xử Nguyễn Hữu Linh.

Nhận bào chữa cho bị cáo chưa đủ tuổi thành niên, anh cân nhắc và suy tính hướng bảo vệ quyền lợi phù hợp nhất, đem lại kết quả tốt nhất cho cả hai bên. Cuối cùng, khi nhận thấy hành vi phạm tội của bị cáo chưa xảy ra hậu quả, anh quyết định thuyết phục gia đình bị hại rút đơn kiện. “Tôi thuyết phục họ ròng rã cả tháng trời và cố gắng làm sao để họ nhận thấy rằng việc đưa nhau ra tòa ở trường hợp này là không có lợi. Bởi, hậu quả chưa xảy ra nhưng nếu cô gái để ra tòa, cô ấy sẽ mang danh bị hại suốt đời. Điều ấy không tốt cho tương lai của cô gái. Hơn thế, gia cảnh của bị cáo cũng hết sức đáng thương khi mất cha, cùng mẹ sống lang thang”, luật sư Học chia sẻ.

Cuối cùng, gia đình bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố ngay khi ra tòa nên vụ án bị đình chỉ, cậu bé được trắng án. Theo tìm hiểu của PV, việc khiến toà án đình chỉ 2 tội danh trong một vụ án Hiếp dâm khiến dư luận hết sức bất ngờ. Thậm chí, một cán bộ tại trung tâm bảo trợ TP.HCM thời điểm ấy ngỡ ngàng cho biết, đây là điều trong lịch sử trung tâm chưa từng có.

Áp lực từ việc nhận bào chữa cho Nguyễn Hữu Linh

Sau thành công đầy bất ngờ ấy, anh tiếp tục “thử sức” khi tham gia bào chữa miễn phí cho cậu thiếu niên 15 tuổi Nguyễn Mai Trung T.. Trước đó, T. đã tạt axít vào đoàn công an đến cưỡng chế nhà của mình. Liên quan đến vụ án này, cả gia đình T. đều dính vòng lao lý, nội ngoại đều đi tù. “Vụ này có đến 9 luật sư bào chữa cho T.. Tôi là một trong số đó. Trước tòa, chúng tôi đã đưa ra nhiều điểm mới, yêu cầu VKS cần làm rõ. Một trong số đó, chúng tôi nghi ngờ quy trình giám định chưa đúng với yêu cầu của pháp luật như không đầy đủ chữ ký của giám định viên, không có hình ảnh chụp thể hiện vết thương của bị hại trong bản kết luận, nhiều mâu thuẫn về diện tích vết thương…”.

Cũng theo anh, mấu chốt của vấn đề là bị hại bị thương tật 35% (trong khi chỉ dưới 31% sẽ vào khung khác) nhưng chứng cứ vẫn chưa xác minh được đích thân T.gây ra cho bị hại, và thương tật 35% này từng được làm chứng cứ trong vụ án xét xử hai thành viên khác trong gia đình T. trước đó. Cuối cùng, kết thúc phiên phúc thẩm, TAND tỉnh Long An chấp nhận sửa một phần sơ thẩm, tuyên phạt T. từ 4 năm 6 tháng tù giam xuống còn 2 năm 6 tháng tù giam. Việc tòa án chấp nhận giảm 50% án phạt cho bị cáo là một điều hiếm gặp. Tuy nhiên, không phải lúc nào khát khao được tranh tụng của anh cũng được thỏa mãn bằng nhiều thắng lợi. Anh cho biết, có nhiều vụ, anh phải trăn trở suốt chục năm trời, có vụ tình tiết giản đơn nhưng khi nhận bào chữa cho bị cáo, anh phải đối mặt với một áp lực khủng khiếp.

Hơn 03 năm nay, anh vẫn nỗ lực bảo vệ quyền lợi cho một bị cáo đã bị tạm giam đến hơn 10 năm. Anh kể: “Vụ án này kéo dài nhiều năm, trải qua nhiều lần sơ thẩm, huỷ án, phúc thẩm nhưng chưa thể định tội được. Lần này, thân chủ của tôi bị truy tố tội Giết người. Theo hồ sơ vụ án, trong một lần đi đám cưới, thân chủ của tôi ngồi dự thì xảy ra mâu thuẫn, xô xát với một nhóm thanh niên khác. Lúc này, thân chủ của tôi tên Lăng bị một người tên Tùng đánh cho mấy bạt tai. Tức giận, Lăng chạy vào nhà một người dân gần đó lấy cái chày để tìm Tùng để đánh. Tuy nhiên, trong lúc này, người tên Th. thuộc nhóm của Lăng cũng tham gia vụ xô xát rồi bị đánh tử vong”.

Luật sư Trần Bá Học và Nguyễn Hữu Linh.

“Thực ra, Lăng cầm chày ra để tìm đánh Tùng chứ không phải đánh Th.. Ra toà lần đầu, Lăng bị truy tố tội Giết người và Lăng kêu oan. Tuy nhiên sau khi bị giam 8 ngày mà không hề có bất kỳ một quyết định nào, ra toà, Lăng lại khai mình cầm chày đánh chết Th.. Cùng liên quan đến vụ việc, người tên Khu cũng khai nhận bản thân có đánh Th. ngã xuống đường rồi Lăng mới chạy đến dùng chày đánh vào người bị hại. Sau đó, toà truy tố Lăng tội Giết người, những bị cáo còn lại bị truy tố tội Gây rối trật tự công cộng.

Sau khi luật sư vào cuộc, Lăng tiếp tục thay đổi lời khai. Khi Lăng cầm chày chạy ra đi tìm Tùng để đánh thì bị một người đàn ông can, ôm lại. Nhân chứng khác cũng khai, có thấy Lăng cầm chày chạy ra và bị một người có thân hình to lớn ôm lại giật cái chày đi. Lăng khai sau đó có chạy đến chỗ Th. nhưng khi đến nơi,người này đã nằm một chỗ nên đỡ Th. lên xe đi cấp cứu. Lúc này, hai người bạn của Th. đứng ở đó chứng kiến. Lăng khai bản thân không đánh Th. mà Th. bị Khu đánh. Trong khi đó, Khu cũng khai nhận có đánh Th..”, luật sư Học kể thêm.

Tuy nhiên, vụ án này vẫn không khiến luật sư Học đối mặt với những áp lực khủng khiếp như khi chấp nhận bào chữa cho Nguyễn Hữu Linh dâm ô bé gái mới đây. Anh nói: “Về hành vi của ông Linh, tôi khẳng định đó là sai. Ra toà, tôi vẫn khẳng định như vậy nhưng theo luật hiện nay, hành vi ấy chưa có hướng dẫn hoặc hướng dẫn không rõ ràng. Đây có thể nói là vụ việc tôi chịu nhiều áp lực nhất từ lúc hành nghề cho đến nay.

Lúc được mời, tôi cũng đắn đo nhiều lắm, phải mất mấy ngày sau, tôi mới có quyết định. Thậm chí, tôi còn tham vấn ý kiến nhiều luật sư đi trước và được họ khuyên nên nhận, tôi mới dũng cảm nhận bào chữa. Tôi suy nghĩ đơn giản như thế này, đứng dưới góc độ tình người chưa nói đến chuyện luật sư thì ông ta đang bị cả xã hội quay lưng. Ông ta cô độc không có ai bên cạnh. Tôi nhận bào chữa chỉ với ý nghĩ sẽ hỗ trợ cho ông ta về mặt tinh thần,còn việc ông ta sai thì chắc chắn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Thứ nữa, người hành nghề luật sư phải chuyên nghiệp, nhận bào chữa trên góc độ sự thật, sự thật đến đâu bảo vệ đến đó. Nhận vụ Nguyễn Hữu Linh, luật sư Học bị nhiều người gọi điện đe doạ, chửi bới. Tuy nhiên, anh cũng không đặt nặng và tự thoát ra khỏi các áp lực ấy. “Khi nhận bảo vệ cho ông Nguyễn Hữu Linh, tôi đã chuẩn bị tâm lý phải đối mặt với những tình huống như thế. Thậm chí, tôi còn nghĩ đến việc nhà tôi bị tạt chất bẩn, quán xá bị phá hoại,… Nhưng như đã nói, nghề luật sư phải có tính chuyên nghiệp một khi đã chuyên nghiệp thì mình không được từ chối”, luật sư Học trăn trở.

Hà Nguyễn
Bạn đang đọc bài viết "Luật sư Trần Bá Học: Tình người phía sau những lời bào chữa cho kẻ phạm tội bị xã hội rẻ rúng" tại chuyên mục Video hot. Thông tin liên hệ hotline: 0903.636.778 ; Email: toasoan.arttimes@gmail.com