Lời giải nào cho bài toán "đô thị thông minh"?

Phát triển đô thị thông minh là mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm, nhưng để có thể phát triển bền vững và ổn định lại là một hành trình dài hạn.

Phát triển các mô hình đô thị mới và thúc đẩy chuyển dịch kinh tế khu vực đô thị là một trong những vấn đề quan trọng của tiến trình phát triển bền vững đô thị.

Sáng ngày 17/6/2022, trong khuôn khổ Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan tổ chức, Hội thảo chuyên đề 4 được tổ chức với chủ đề “Phát triển các mô hình đô thị mới và thúc đẩy chuyển dịch kinh tế khu vực đô thị theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững”.

Nâng cấp đô thị mới chỉ tích cực về số lượng, thiếu tính chất lượng

Phát biểu khai mạc Hội thảo chuyên đề 4, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban KTTW nhận xét đô thị hoá là quá trình tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Tại Việt Nam, trong thời gian qua, quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Cùng với quá trình đô thị hóa, nhiều mô hình phát triển đô thị mới xuất hiện như đô thị xanh, đô thị thông minh, đô thị sinh thái, đô thị công nghiệp – thương mại – dịch vụ... Các mô hình đô thị mới này đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch mô hình kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả bền vững, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nâng cao năng lực chống chịu, ứng phó với biến đổi khí hậu của hệ thống các đô thị.

Toàn cảnh - Lời giải nào cho bài toán 'đô thị thông minh'?

TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban KTTW phát biểu tại diễn đàn.

“Tuy nhiên, nhìn nhận và đánh giá thẳng thắn và khách quan cho thấy, trong thời gian qua, việc phát triển các đô thị mới theo mô hình đô thị bền vững, đô thị xanh, đô thị thông minh phát triển còn ít, chưa được nghiên cứu và triển khai phù hợp với từng vùng, miền và loại, cấp đô thị”, ông Hiển chia sẻ.

Cụ thể, theo đại diện Ban KTTW các yếu tố văn hóa, cảnh quan đặc thù chưa được chú trọng trong phát triển đô thị; kiến trúc, bộ mặt đô thị còn thiếu bản sắc, thiếu điểm nhấn, mang tính tự phát.

Việc phân loại, nâng cấp đô thị chỉ đạt mục tiêu là tăng quy mô đất đai, dân số đô thị mà chưa coi trọng tới việc đổi mới, nâng cao chất lượng đô thị.

Bên cạnh đó, quá trình xây dựng mô hình đô thị thông minh chưa có chiến lược rõ ràng, mô hình đô thị bền vững, đô thị xanh chưa được chính thức hóa cũng như chưa được nghiên cứu và triển khai phù hợp với từng vùng, miền và loại, cấp đô thị.

Hiện nay, toàn quốc mới có khoảng 26% đô thị đã ban hành Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc. Ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường nước và tiếng ồn còn ở mức cao.

Cùng với đó, hiện có khoảng 300 đô thị ven biển sẽ chịu sự tác động rất lớn của BĐKH, như tình trạng ngập lụt, xâm nhập mặn, triều cường; khoảng 140-150 đô thị ở miền núi chịu sự ảnh hưởng của sạt lở đất, lũ quét và hạn hán. Trong đó, các khu vực tiềm ẩn chịu tác động mạnh từ BĐKH lại là khu vực có tốc độ đô thị hóa và phát triển đô thị cao trong những năm gần đây và được dự báo sẽ tiếp tục đô thị hóa mạnh hơn trong thời gian tới.

Về kinh tế khu vực đô thị phát triển còn phân tán, thiếu tính kết nối và mô hình không gian và công nghiệp kém hiệu quả, tính kinh tế nhờ tích tụ yếu, hiệu quả còn thấp, phụ thuộc vào FDI.

Tăng trưởng kinh tế đô thị của cả nước chủ yếu từ 5 thành phố trực thuộc Trung ương và từ 2 vùng đô thị lớn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế của 4/5 thành phố trực thuộc Trung ương đang có xu hướng chững lại còn phân khúc các đô thị nhỏ và trung bình thì lại thiếu động lực phát triển kinh tế.

Nhiều doanh nghiệp chỉ quan tâm lợi nhuận mà quên đi yếu tố môi trường

Chia sẻ tại Hội thảo chuyên đề 4, ông Nguyễn Hoàng Long - Phó Tổng Giám đốc Viettel Post đại diện phần lớn các doanh nghiệp logistics chia sẻ về thực trạng nền logistics hiện nay và vai trò quyết định của việc phải hướng tới logistics xanh trong quá trình xây dựng đô thị thông minh.

Phó Tổng giám đốc Viettel Post cho biết dịch vụ logistics nước ta hiện có quy mô khoảng 20-22 tỷ USD/năm với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 16 – 20%/năm, đứng thứ 3 trong ASEAN về mức độ phát triển logistics. Những con số trên đã cho thấy ngành logistics Việt Nam có nhiều dư địa phát triển và có tiềm năng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên đại diện Viettel đánh giá các tổ chức, doanh nghiệp đã và đang hoạt động tại Việt Nam chưa biết cách khai thác logistics một cách hiệu quả, hệ thống đội ngũ nhân lực còn non trẻ và bộc lộ nhiều điểm yếu kém.

Đáng chú ý, đa phần các doanh nghiệp vẫn đang vận hành theo hướng chỉ chú trọng đến doanh thu, lợi nhuận mà hoàn toàn lãng quên đi vấn đề phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

“Do đó cho chúng ta thấy tầm quan trọng của logistics xanh hướng tới phát triển bền vững, đây là một trong những yếu tố thiết yếu để phát triển đô thị thông minh”, ông Long khẳng định.

Toàn cảnh - Lời giải nào cho bài toán 'đô thị thông minh'? (Hình 2).

Đại diện Viettel Post cho rằng phát triển đô thị thông minh cần gắn liền với Logistics xanh.

Theo đó, đại diện Viettel cho rằng xây dựng các chuỗi cung ứng xanh đang là xu thế toàn cầu, tiên phong bởi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới. Vấn đề biến đổi khí hậu và sự cạnh tranh trong việc thu hút người tiêu dùng chọn lối sống xanh đã thôi thúc cả đơn vị sản xuất và đơn vị cung cấp dịch vụ logistic cùng thay đổi. 

Chính vì vậy, phát triển logistics xanh song hành với sản xuất xanh sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất nâng cao sức cạnh tranh để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như khả năng tiếp cận người tiêu dùng.

Phát triển logistics xanh sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành này ngay tại thị trường nội địa, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và thương mại điện tử đang tăng trưởng nhanh, đồng thời mở ra nhiều cơ hội ở thị trường nước ngoài.

Ngoài ra, “xanh hóa” logistics sẽ giúp giảm phát thải khí CO2, giảm thiểu những tác động của logistics đối với môi trường, từ đó góp phần xây dựng môi trường bền vững. Đây cũng là điều mà toàn thế giới, trong đó có Việt Nam đang tích cực chung tay thực hiện.

Hướng tới phát triển đô thị thông minh theo đại diện của Viettel nhận định cũng cần phải đi đôi với phát triển bền vững. Trước tình trạng môi trường ngày càng trở nên ô nhiễm nặng nề như hiện nay thì logistics xanh sẽ là một trong những giải pháp mang tính lâu dài của cả hệ thống và nếu doanh nghiệp, địa phương có thể kịp thời thích nghi sẽ đem tới kết quả bền vững.

Người dân cần là trung tâm của đô thị thông minh

Ông Nguyễn Thái Dũng, Giám đốc khối kinh doanh Thương mại và Bán lẻ, Tập đoàn BRG chia sẻ muốn nâng cao chất lượng đời sống của người dân tại các đô thị cần phát triển các chuỗi dịch vụ, tiện ích bán lẻ cũng như cảnh quan sinh sống cũng cần được nâng cao theo hướng hiện đại hoá.

Theo đó, ông Dũng nhấn mạnh xây dựng và phát triển Đô thị thông minh là 1 xu hướng tất yếu trên thế giới. Khi nói đến mục đích của xu hướng này, chúng ta nói đến nhiều lợi ích như phát triển bền vững, quản lý hiệu quả, hay đơn giản là tạo ra một thành phố hiện đại, tiện nghi và đáng sống. Tất cả những yếu tố trên đều hướng đến một mục tiêu duy nhất đó chính là trải nghiệm của sống của người dân.

Thành phố thông minh giống như một bức tranh với nhiều mảnh ghép, gồm môi trường thông minh, giáo dục thông minh, cư dân thông minh, đời sống thông minh, chính quyền thông minh, di chuyển thông minh và nền kinh tế thông minh (bao gồm thanh toán điện tử). Theo đại diện Tập đoàn BRG, thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành một trong những xu hướng tất yếu, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng như xây dựng thành phố thông minh.

Toàn cảnh - Lời giải nào cho bài toán 'đô thị thông minh'? (Hình 3).

Thanh toán không tiền mặt dần trở thành xu thế tất yếu.

Việc số hóa các khoản thanh toán giúp việc xử lý tiền tệ của người dân được hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn, tăng tính minh bạch và tăng hiệu quả giám sát tài chính. Đặc biệt, trong 2 năm vừa qua sự diễn biến phức tạp của Đại dịch Covid-19 khiến thanh toán điện tử trỗi dậy hơn bao giờ hết khi có thể đảm bảo yếu tố nhanh chóng, tiện lợi và không cần tiếp xúc.

“Nhận thức rõ tiện ích của thanh toán không dùng tiền mặt, Tập đoàn BRG đang tập trung đầu tư để chuỗi hệ thống siêu thị, các cửa hàng triển khai nhiều giải pháp thanh toán, tạo thuận lợi cho khách hàng làm quen với các hình thức không dùng tiền mặt”, ông Dũng nói.

Cùng với đó, hệ thống siêu thị BRG đã ứng dụng phần mềm bán hàng BRG Shopping để phục vụ các đơn hàng trực tuyến. Việc phát triển thương mại điện tử, thanh toán bằng công nghệ QR, ví điện tử… vẫn luôn là một trong những chiến lược quan trọng của Tập đoàn BRG trong thời gian tới.

Lời giải cuối cho đô thị thông minh

Trước nhiều đề xuất, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban KTTW cho biết thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì nghiên cứu, trình Bộ Chính trị Đề án để ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết 06-NQ/TW đã đề ra các quan điểm, mục tiêu để phát triển đô thị Việt Nam bền vững cùng với hệ thống các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó có giải pháp như: nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng cho xây dựng và lựa chọn mô hình phát triển đô thị bền vững, phù hợp cho từng vùng, miền; xây dựng và triển khai hiệu quả các đề án, chương trình quốc gia về phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và nâng cấp đô thị; phát triển các mô hình đô thị mới phù hợp với thực tiễn, chú trọng mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD).

Đồng thời tiến hành nghiên cứu, xây dựng tiêu chí xác định và phát triển các khu đô thị có vị trí, chức năng đặc thù nổi trội như về phát triển đại học, trung tâm sáng tạo, kinh tế cửa khẩu, công nghiệp, đảo, cảng, sân bay... và ban hành các cơ chế, chính sách phát triển riêng phù hợp.

Toàn cảnh - Lời giải nào cho bài toán 'đô thị thông minh'? (Hình 4).

Toàn cảnh Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2022.

Cùng với quá trình phát triển các mô hình đô thị mới, với quan điểm: “Kinh tế đô thị là trụ cột của nền kinh tế quốc dân; phát triển kinh tế đô thị nhanh, hiệu quả và bền vững. Tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế của hệ thống đô thị; chủ động tận dụng các cơ hội và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế đô thị sang tăng trưởng xanh, phát triển nhanh kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, các ngành công nghiệp động lực và các ngành dịch vụ có sức cạnh tranh cao.

Chú trọng mở rộng không gian phát triển kinh tế đô thị theo vùng, phát huy lợi thế kết nối đa chiều; mạnh dạn thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù, thử nghiệm các mô hình mới để tạo đột phá trong phát triển kinh tế đô thị. Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của chính quyền đô thị trong phát triển đô thị và kinh tế đô thị, tăng cường phân cấp, trao quyền hợp lý cho chính quyền đô thị". 

Nghị quyết 06-NQ/TW cũng đặt ra mục tiêu đối với phát triển kinh tế đô thị là: “Kinh tế đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững; năng lực cạnh tranh của các đô thị được nâng cao, chuyển dịch theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh”.

Theo đó, chỉ cần sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và đồng lòng của toàn thể nhân dân, việc phát triển các mô hình đô thị mới và thúc đẩy chuyển dịch kinh tế khu vực đô thị theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững nhất định sẽ thành công.