Lên án trước hành vi đi xe đạp trong làn ô tô nhưng thấy công an thì ... bỏ chạy

Thấy chốt công an, những người đạp xe trong làn ô tô bất chấp nguy hiểm để chạy trốn.

Sáng sớm ngày 24/4, Đội CSGT Hàng Xanh thuộc Phòng CSGT, Công an TP.HCM đã triển khai chốt kiểm soát trên đại lộ Phạm Văn Đồng, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến đường số 19, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức.

Mục đích nhằm xử lý các trường hợp đi xe đạp vi phạm luật giao thông, trong đó có những người tập thể dục buổi sáng bằng xe đạp.

Rạng sáng, đại lộ Phạm Văn Đồng thường xuyên chứng kiến cảnh tượng hàng chục người đi xe đạp tập thể dục nhưng không phải ai cũng tuân thủ luật giao thông.

Nhiều người đã vượt đèn đỏ, đi vào làn ô tô, hoặc thậm chí đi ngược chiều, tiềm ẩn nguy cơ cao gây ra tai nạn.

Khi phát hiện lực lượng CSGT, không ít người đã nhanh chóng né tránh bằng cách vác xe trèo qua dải phân cách sang làn xe máy, bất chấp sự nguy hiểm từ việc di chuyển giữa các phương tiện đang lưu thông. Có những người còn quay đầu xe chạy ngược chiều để tránh bị xử phạt.

Đặc biệt tại giao lộ đường số 25 Phạm Văn Đồng, một nhóm khoảng 20 người đạp xe đã di chuyển nhanh trong làn đường dành cho ô tô và khi thấy CSGT, họ đồng loạt vác xe lên để chuyển làn, gây rối loạn và nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác.

Trong quá trình tuần tra kiểm soát, tổ công tác đã mời những người vi phạm vào chốt để xử lý, lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ một số phương tiện.

Bà Thu Phương - một tiểu thương thường xuyên đi lấy hàng sớm, cho biết tuyến đường này luôn đông đúc người đạp xe vào buổi sáng. Bà ủng hộ việc luyện tập thể dục nhưng nhấn mạnh rằng sự an toàn cho bản thân và người xung quanh là trên hết.

Ông Minh Quyết - 56 tuổi, một người thường xuyên đạp xe tập thể dục trên đường này, bày tỏ sự bức xúc về thái độ và ý thức của một số người đạp xe.

Ông cho rằng hành vi đi lạng lách hoặc không tuân thủ làn đường không chỉ gây nguy hiểm mà còn ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của cộng đồng người đạp xe.

Theo một cán bộ CSGT, các trường hợp vi phạm đã bị xử lý về hành vi “đi vào đường có biển báo hiệu cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển”.

Dựa trên Nghị định 100 năm 2019 của Chính phủ, với mức phạt tiền từ 200.000 đến 300.000 đồng.

Các biện pháp nghiêm khắc như vậy hy vọng sẽ là bài học nhằm cải thiện ý thức tham gia giao thông cho người dân, đặc biệt là những người đam mê đạp xe.

Mai Hương