F0 có xu hướng tăng, TP.HCM kích hoạt các biện pháp phòng, chống dịch

12/11/2021 17:48

Số người mắc Covid-19 mới tại TP.HCM có nguy cơ tăng trở lại, TP.HCM kích hoạt các biện pháp chống dịch để “đánh chặn” từ xa.

f0-co-xu-huong-tang-tp-hcm-kich-hoat-cac-bien-phap-phong-chong-dich-1636700997.png

Kích hoạt lại mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”

Ngày 12/11, Sở Y tế TP.HCM và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM quyết định kích hoạt lại mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” nhằm tăng cường tư vấn và hỗ trợ cho người bệnh Covid-19 (F0) đang có xu hướng tăng lại trong thời gian gần đây trên địa bàn.

Khi cần tư vấn và hỗ trợ của “Thầy thuốc đồng hành”, người F0 hoặc người thân của F0 hãy gọi tổng đài 1022, bấm phím 4.

Sở Y tế yêu cầu Giám đốc Trung tâm Y tế quận, huyện và TP.Thủ Đức; Trung tâm Cấp cứu 115 và các bệnh viện thu dung điều trị Covid-19 phối hợp chặt chẽ với các tổ trưởng tổ điều phối của mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” trong cung cấp, cập nhật danh sách F0 trên địa bàn, phối hợp hoạt động cấp cứu người bệnh khi nhận được thông tin từ các thầy thuốc tình nguyện tư vấn, điều trị F0.

Sở Y tế đề nghị mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” thông tin cho Sở Y tế biết những cơ sở y tế chưa phối hợp tốt trong công tác tư vấn, tiếp nhận điều trị cho người bệnh để kịp thời chấn chỉnh.

Mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" được điều phối bởi Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng chống dịch Covid-19, lấy dữ liệu trực tiếp từ trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh và các đường dây nóng trên toàn quốc.

Mạng lưới này được thành lập nhằm huy động nguồn lực xã hội tư vấn cho người nhiễm hoặc có nguy cơ cao mắc Covid-19 tại cộng đồng. Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua, đã huy động hơn 7.000 bác sĩ trên khắp cả nước tham gia tư vấn từ xa cho hàng nghìn trường hợp F0 gặp khó khăn trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM.

Đối tượng chính mà mạng lưới tập trung là bệnh nhân Covid-19 cần hỗ trợ khẩn cấp. Các thầy thuốc tình nguyện sẽ tư vấn và sàng lọc những trường hợp F0 có dấu hiệu nặng, kịp thời hướng dẫn người bệnh tự chăm sóc và kết nối với các tổ phản ứng nhanh, các trạm cấp cứu vệ tinh để cấp cứu, điều trị.

Kích hoạt các biện pháp phòng chống dịch nhằm hạn chế nguy cơ tử vong

Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, hiện Thành phố này vẫn là địa phương có số bệnh nhân Covid-19 tử vong cao nhất nước. Số ca tử vong tại TP.HCM chiếm hơn 1/2 số bệnh nhân Covid-19 tử vong trên toàn quốc được Bộ Y tế báo cáo mỗi ngày.

Tuy số ca tử vong tính theo ngày đã giảm còn 2 con số, nhưng TP.HCM đang quyết tâm giảm sâu nhất tình trạng tử vong vì Covid-19. Trong đó, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM yêu cầu trung tâm y tế các quận, huyện và Tp.Thủ Đức, các bệnh viện, cơ sở điều trị Covid-19 ưu tiên bảo vệ nhóm có nguy cơ tử vong cao nếu mắc Covid-19.

Theo đó, Sở Y tế khuyến cáo các quận, huyện tiếp tục tìm những người lớn tuổi, khó khăn đi lại chưa được tiêm vắc-xin; tiến hành việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 sớm nhất cho nhóm nguy cơ là những người mắc bệnh nền, cao tuổi và đặc biệt là những người bệnh nền nằm một chỗ lâu ngày…

Những người trẻ trong gia đình cần hết sức cảnh giác, chấp hành nghiêm các công tác phòng chống dịch Covid-19 để tránh nhiễm bệnh cho mình và mang bệnh về nhà lây cho những người thuộc nhóm nguy cơ tử vong cao nói trên.

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cũng yêu cầu ngành y tế các quận, huyện và TP.Thủ Đức phải cấp phát túi thuốc điều trị Covid-19 cho tất cả F0 đang cách ly tại nhà và tại các cơ sở cách ly trên địa bàn trong vòng 24 giờ kể từ khi tiếp nhận.

Túi thuốc điều trị Covid-19 tại nhà phải đúng thành phần theo hướng dẫn của sở, đặc biệt lưu ý tuân thủ chỉ định và cấp phát thuốc Mulnopiravir theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tất cả trạm y tế phường, xã, thị trấn và trạm y tế lưu động phải phân công trực đường dây nóng 24/7 để giải đáp các thắc mắc của người dân về phòng, chống dịch Covid-19; tiếp nhận danh sách người F0 do các nơi chuyển đến hoặc người dân tự khai báo sau khi tự xét nghiệm và có kết quả dương tính; tiến hành tư vấn, khám chữa bệnh tại nhà cho người F0…

Cũng nằm trong nỗ lực không để tái bùng phát dịch Covid-19 tại TP.HCM và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, UBND TP.HCM yêu cầu ban chỉ đạo phòng, chống dịch các sở, ngành, UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức và các doanh nghiệp trên địa bàn phải thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 của Chính phủ, Chỉ thị 18 của UBND TP.HCM.

Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch như xét nghiệm nhanh, cách ly kịp thời, điều trị hiệu quả gắn với khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

TP.Thủ Đức, các quận, huyện, phường, xã, thị trấn tiếp tục kiểm tra, đánh giá dịch bệnh, điều chỉnh biện pháp phòng chống dịch linh hoạt, không để dịch lây lan rộng, khó kiểm soát.

Đối với lĩnh vực y tế, UBND TP.HCM yêu cầu chủ động rà soát, chuẩn bị và kịp thời cấp phát túi thuốc cho F0. Tuyệt đối không để bất kỳ F0 nào cách ly tại nhà không tiếp cận được thuốc điều trị.

Trong buổi họp báo thông tin tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM chiều 11/11, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong ngày có 38 trường hợp từ vong vì Covid-19, trong đó có 34 người có bệnh nền; 2 trường hợp tử vong đã tiêm 1 mũi vắc-xin; 10 trường hợp tử vong đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, cả 10 trường hợp này đều trên 50 tuổi và có bệnh nền.

Theo ông Châu, trước tình dịch dịch bệnh phức tạp, các trung tâm y tế và trạm y tế các phường, xã đóng vai trò rất quan trọng. Hiện, TP.HCM có 310 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, biên chế hiện nay của trạm y tế tại TP.HCM rất thấp. Do đó, Sở Y tế sẽ xây dựng đề án nâng cao năng lực y tế cơ sở trong giai đoạn mới. Còn giải pháp trước mắt là tạm thời cử các bác sĩ, nhân viên y tế từ các bệnh viện quận, huyện, các cơ sở điều trị trên địa bàn Thành phố này, điều chuyển các bác sĩ mới ra trường từ Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch về tăng cường thêm cho các trạm y tế cơ sở để quản lý F0.

Công Thư
Bạn đang đọc bài viết "F0 có xu hướng tăng, TP.HCM kích hoạt các biện pháp phòng, chống dịch" tại chuyên mục Tin tức. Thông tin liên hệ hotline: 0903.636.778 ; Email: toasoan.arttimes@gmail.com