Ngày 13/6, trao đổi với PV, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang cho biết, theo đề xuất của chủ đầu tư dự án là Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, từ ngày 1/7 sẽ bắt đầu thu phí BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Hiện, các công việc cuối cùng gần như đã hoàn thành để sẵn sàng cho việc thu phí.
Các cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang và chủ đầu tư đang làm việc để thống nhất là thời gian thu phí và trước khi thu phí, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ có thông báo trước ít nhất 10 ngày.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công từ tháng 11/2009, sau gần 10 năm đình trệ với 2 lần thay đổi nhà đầu tư, 3 lần khởi công, 4 lần lùi thời hạn hoàn thành. Hết năm 2018, dự án chỉ mới đạt hơn 10% tiến độ.
Từ tháng 3 năm 2019, Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành dự án và “nhập cuộc” bằng một loạt biện pháp như: kiện toàn năng lực quản trị điều hành, đề xuất giải pháp thu hút vốn tín dụng với hình thúc hợp vốn các ngân hàng lần đầu áp dụng tại nước ta, loại nhà đầu tư/nhà thầu yếu kém năng lực thi công, lập đồng hồ đếm ngược ngày thông tuyến, gắn trách nhiệm cho mình và cho cơ quan nhà nước các mốc tiến độ của dự án.
Đại diện Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả thông tin, tính từ ngày 30/4/2022, tổng lưu lượng xe lưu thông trên tuyến đến nay khoảng gần 800.000 lượt (trung bình khoảng 23.000 lượt xe/ngày đêm).
Để công tác quản lý khai thác vận hành dự án đảm bảo an toàn, thông suốt, doanh nghiệp đã bố trí hơn 100 nhân sự có kinh nghiệm, chuyên môn, huy động các xe cứu thương, xe chữa cháy, xe cứu hộ cứu nạn… từ các dự án Hầm Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn vào dự án Trung Lương - Mỹ Thuận.
Đồng thời, các sự cố giao thông đều có sự vào cuộc nhanh chóng của Cục Cảnh sát giao thông C08 - Bộ Công an và phối hợp của chính quyền địa phương trong việc tổ chức cứu hộ 225 trường hợp xe bị hỏng, chết máy, nổ lốp, hết nhiên liệu; tiếp nhận giải đáp thắc mắc và sự cố qua số hotline là hơn 500 cuộc gọi.
Tuy nhiên, khi dự án đưa vào vận hành đã xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp liên quan đến an toàn giao thông, đặt ra bài toán an toàn khi chỉ trong thời gian ngắn đã xảy ra các vụ va chạm giao thông làm 2 người chết, 1 người bị thương.
Cũng theo nhà đầu tư, dự án mới hoàn thành giai đoạn 1 (giai đoạn phân kỳ), chưa có làn dừng khẩn cấp mà chỉ bố trí các điểm dừng xe khẩn cấp (toàn tuyến có 11 điểm dừng khẩn cấp ở hai bên tuyến với khoảng cách trung bình 10km/1 dải, bên trái tuyến 5 điểm dừng và bên phải tuyến 6 điểm dừng).
Thêm nữa, chiều rộng dải dừng xe khẩn cấp chỉ 2m nên không khả thi để xe di chuyển tới điểm dừng, dẫn đến rất khó khăn cho công tác cứu nạn, cứu hộ xử lý nhanh và kịp thời các sự cố ở mọi vị trí theo thời gian quy định của quy trình quản lý vận hành.
Hiện nay, dọc 2 tuyến cao tốc Tp.HCM - Trung Lương (49,6km) và Trung Lương - Mỹ Thuận (51,5km) chỉ có 1 trạm dừng nghỉ tại km28+200.
Như vậy, đoạn từ km28+500 đến cuối tuyến (km101+126) dài 73km chưa được bố trí các trạm dừng nghỉ trên tuyến để cho các phương tiện dừng kiểm tra kỹ thuật, tiếp nhiên liệu, nghỉ ngơi cho lái xe và người tham gia giao thông, đảm bảo đúng yêu cầu và tổ chức an toàn giao thông theo quy định.
Ông Nguyễn Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả - HHV (đơn vị quản lý vận hành tuyến cao tốc) cho biết: “Đơn vị quản lý vận hành đã chủ động bố trí lực lượng để xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra. Tuy nhiên, với tuyến cao tốc từ Sài Gòn - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận đoạn tuyến dài, lưu lượng xe tăng đột biến tiềm ẩn mất an toàn cho người tham gia giao thông.
Do vậy, cần các cơ quan chức năng có giải pháp cấp bách để giải quyết không gây hệ lụy cho người dân và xử lý một cách đồng bộ cho các dự án cao tốc kết nối khác".