Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh bình thường ở Hồ Bắc, Trung Quốc, nhưng cậu bé Diêu Viễn ngay từ khi còn nhỏ đã bộc lộ sự thông minh, nhanh trí, đặc biệt là khả năng ghi nhớ hơn người.
Bởi vậy, dẫu hoàn cảnh chẳng mấy dư giả, bố mẹ Diêu Viễn cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất để cậu có thể tiến xa trên con đường học vấn, thay đổi cuộc đời.
Nhờ sự ủng hộ hết mình của gia đình cộng với việc Diêu Viễn là cậu bé thông minh, nhanh nhẹn nên thành tích từ tiểu học đến THPT của nam sinh này luôn thuộc top đầu.
Chính vì việc Diêu Viễn “không có đối thủ” tại quê nhà nên từ gia đình, bạn bè đến thầy cô trong trường ai cũng đặt sự kỳ vọng lớn lao vào việc chàng trai sẽ có được một tương lai rạng rỡ trên con đường công danh. Năm 1990, Diêu Viễn tham dự kỳ thi đại học và trở thành thủ khoa đầu vào của Học viện công nghệ Bắc Kinh.
Những tưởng cuộc đời của chàng trai người Hồ Bắc này cứ thế mà trải thảm đỏ. Thế nhưng, việc luôn là người đứng đầu hồi còn ở quê nhà lại chính là điểm yếu chí mạng góp phần đánh gục Diêu Viễn.
Cụ thể, sau một thời gian theo học tại Học viện công nghệ Bắc Kinh, Diêu Viễn nhận ra mình không còn đứng ở vị trí top 1 được người khác luôn kính nể nữa. Tại đây, chàng trai phát hiện ra rằng hầu như tất cả các bạn cùng lớp đều rất thông minh và là "thiên tài" ở quê hương của họ.
Những tố chất mà Diêu Viễn có, họ cũng sở hữu ở mức ngang bằng, thậm chí còn nổi bật hơn. Dần dần, chàng trai người Hồ Bắc mất đi phong độ, mãi quẩn quanh trong hào quang rực rỡ của ngày xưa. Điều này khiến Diêu Viễn không kịp thích ứng và cho rằng mình chỉ còn là người bình thường. Dù cố gắng bao nhiêu, Diêu Viễn cũng không thể trở thành người giỏi nhất.
Mặc dù điểm số của chàng trai Hồ Bắc vẫn thuộc top đầu nhưng ngày càng có nhiều người đã vượt qua ông.
Điểm sáng cuối cùng của Diêu Viễn là anh chàng vẫn ra trường với tấm bằng xuất sắc và được nhận vào một viện nghiên cứu khoa học tại Bắc Kinh. Tuy nhiên, vì không lượng đúng sức mình, chính quyết định sau này của Diêu Viễn khiến cuộc đời chàng trai này trở thành bi kịch.
Năm 2008, cho rằng công việc tại viện nghiên cứu quá nhàm chán mặc gia đình ngăn cản, Diêu Viễn quyết định nghỉ việc sau 9 năm, đến Thượng Hải tìm cơ hội mới, nuôi mộng tưởng về việc làm lương cao, tương lai tốt đẹp hơn.
Phải nói rằng, xét về ưu điểm, Thượng Hải là thành phố lớn sẽ có nhiều công ty và tập đoàn lớn, cơ hội việc làm sẽ nhiều hơn. Nhưng xét về nhược điểm, điều mà Diêu Viễn chưa tính toán đến đó là nhân tài quy tụ ở đây không hề thiếu. Mặc dù, Diêu Viễn học giỏi, đạt kết quả cao nhưng để cạnh tranh với nhiều ứng viên khác cũng có nhiều yếu tố rủi ro.
Hơn nữa, việc trong tư tưởng của Diêu Viễn vẫn tồn tại suy nghĩ mình là “cái rốn của vũ trụ” khiến anh chàng "nhảy việc" liên tục chỉ trong vài năm ngắn ngủi. Thậm chí, anh chàng này còn nghĩ rằng, chỉ cần thay đổi công việc nhiều lần chắc chắn sẽ tìm được nơi lý tưởng. Điều này đã khiến lãnh đạo các công ty không đánh giá cao năng lực của Diêu Viễn. Có thể thấy sai lầm này cũng vô cùng phổ biến ở những lao động trẻ ở Việt Nam khi liên tục nhảy việc. Theo đó, hiện trạng người trẻ nhảy việc thường xuyên là vô cùng phổ biến ở Việt Nam. Khi cảm thấy tự tin khả năng của bạn thân, xứng đáng với mức lương tương xứng hơn, không hài lòng với môi trường làm việc hiện tại hoặc có tâm lý ‘đứng núi này trông núi nọ’, nhiều lao động trẻ đều lựa chọn phương án nhảy việc… thậm chí là nhảy việc thường xuyên!
Và đúng thời điểm năm 2008 - làn sóng suy thoái toàn cầu dâng cao thì những nhân sự như Diêu Viễn sẽ bị cắt giảm đầu tiên. Chàng trai thủ khoa năm nào dần bị xã hội bỏ xa. Mất động lực, mất niềm tin vào cuộc sống, Diêu Viễn lang thang trên đường phố, nhặt rác kiếm sống rồi cắt đứt liên lạc với gia đình suốt một thời gian dài. Cha mẹ cố gắng tìm kiếm nhưng mọi nỗ lực đều bất thành.
Phải mất một quãng thời gian rất lâu, cha mẹ mới tìm thấy Diêu Viễn. Không ai có thể ngờ rằng một người con với thành tích xuất sắc được cả gia đình tự hào giờ trở thành người ăn mày rách rưới, tiều tụy.