Nhà hát Thế Giới Trẻ (TP.HCM) ban đầu đăng ký dự thi vở "Thành Thăng Long thuở ấy", nhưng khi biết liên hoan tổ chức thời điểm này, nhà hát quyết định không tham gia - Ảnh: GIA TIẾN
Theo thông báo, các đơn vị tại địa phương đang thực hiện giãn cách căn cứ tình hình thực tiễn có thể đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến. Những đơn vị thi trực tuyến từ ngày 28-10 đến 4-11, các đơn vị thi trực tiếp tại Hải Phòng từ ngày 6 đến 18-11.
Liên hoan trực tuyến thì đâu phải là sân khấu nữa
Đạo diễn Ngọc Hùng, quản lý sân khấu Thế Giới Trẻ, khẳng định sân khấu này chắc chắn không thể tham gia vì làm sao anh em nghệ sĩ có thể tập trung tập trong tình hình giãn cách.
Ông Huỳnh Anh Tuấn, giám đốc sân khấu Idecaf, bức xúc: "Nước ta, đặc biệt TP.HCM, đang chịu tổn thất nặng nề do dịch bệnh. Không ai làm chuyện phù phiếm là tổ chức một liên hoan, vui chơi giải trí lúc này".
Nghệ sĩ Ái Như chia sẻ khi nhận được văn bản chị buồn không chịu nổi. "Liên hoan là phải vui và liên hoan trong thời điểm này khiến tôi cám cảnh, xót xa" - chị nói.
NSND Hoàng Yến, giám đốc sân khấu Thế Giới Trẻ (Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM), cũng đồng cảm "chả có vui vẻ gì để thi thố".
Nghệ sĩ Hoàng Yến còn phân tích: "Thi trực tuyến phải đảm bảo quay thật tốt với đủ cú toàn, trung, cận cảnh mới bộc lộ được cảm xúc.
Kịch truyền hình người ta quay một vở mất mấy ngày, tính toán góc quay cẩn thận mà cuối cùng chỉ chuyển tải được khoảng 80% cái hay của vở diễn thì thi trực tuyến với một góc máy chết làm sao mà thi?".
Ông Huỳnh Anh Tuấn đồng tình: "Trực tuyến thì đâu phải là sân khấu nữa, mà là hình thái thu hình. Mà coi trực tuyến thường rất chán. Không thi năm nay năm sau thi cũng được mà!".
"Không quyết toán được cũng khổ"
Ông Đỗ Kỷ - phó phòng nghệ thuật Cục Nghệ thuật biểu diễn - cho biết: "Biết tổ chức cuộc thi trong giai đoạn này là rất khó khăn cho các đơn vị phía Nam. Nhưng liên hoan cũng đã lùi lại nhiều lần rồi.
Nếu không tổ chức thì phải hủy chứ không thể lùi được nữa, vì gặp khó khăn trong việc chuyển kinh phí tổ chức từ năm này sang năm khác. Ở phía Bắc đăng ký dự thi trên dưới 20 vở. Nhiều đơn vị nhà nước đã làm, chuẩn bị mà không quyết toán được năm nay vì không đi thi cũng khổ.
Đây là trường hợp bất khả kháng, chứ không phải cố tổ chức thi cho bằng được. Hiện chúng tôi thông báo đến các đơn vị như thế, nhưng quyết định cuối cùng có diễn ra hay không có lẽ là chờ chỉ đạo từ bộ".
NSND Thúy Mùi - chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam - nêu ý kiến không nên thi trong thời điểm này. Ý kiến này cũng đã được bà Mùi phản ánh với Bộ VH-TT&DL và Cục Nghệ thuật biểu diễn.
Theo bà Mùi, liên hoan không chỉ là nơi thi thố tài năng cao thấp mà còn phải là nơi để các nghệ sĩ gặp gỡ, trao đổi, rút kinh nghiệm làm nghề. Nếu thi online thì nghệ sĩ chẳng có cơ hội giao lưu, học hỏi cùng nhau.
Thêm nữa, loại hình sân khấu không nên thi trực tuyến vì chất lượng nghệ thuật sân khấu sẽ chỉ còn 40% so với diễn thực tế. Bà cũng cho biết có ý kiến đề xuất tổ chức thi làm hai đợt, cho phía Bắc trước, cho phía Nam sau.
Ông Trần Hướng Dương - phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - nói lý do cục dự định tổ chức liên hoan bởi các nghệ sĩ phía Bắc mong muốn có dịp được làm nghề.
Nếu không tổ chức liên hoan năm nay, theo đề án đã được phê duyệt, phải tới năm 2024 mới tổ chức liên hoan tiếp theo. Nhưng bởi có những ý kiến trái chiều nên cục vẫn "đang lắng nghe và tính toán thêm, tất cả vì nghệ sĩ".
Theo: TTO