Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: “Quá trình phát triển phải lấy người dân làm gốc"

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong quá trình phát triển, huyện Củ Chi và Hóc Môn phải lấy người dân làm trọng tâm, vì lợi ích nhân dân.

Sáng 11/5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu Quốc hội tham dự buổi tiếp xúc cử tri huyện Hóc Môn, Củ Chi (Tp.HCM) trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu chính tại hội trường huyện Củ Chi.

Tại hội nghị, cử tri huyện Củ Chi, Hóc Môn bày tỏ sự vui mừng trước thành công của Hội nghị xúc tiến đầu tư vào khu vực ngoại thành Tp.HCM vừa diễn ra. Bên cạnh đó, người dân 2 huyện cũng gửi gắm nhiều tâm tư, nguyện vọng tới các đại biểu Quốc hội về các vấn đề quy hoạch, dự án chậm tiến độ, hạ tầng giao thông vùng ven có phần xuống cấp.

Cử tri bức xúc vì "quy hoạch treo"

Phát biểu đầu tiên tại hội nghị, ông Mai Chí Dũng, cử tri xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi chia sẻ, dự án Thảo Cầm Viên mới Sài Gòn (Safari) tại huyện Củ Chi đã đình trệ nhiều năm và chưa có chuyển biến. Thời gian qua, nhiều người đã treo băng rôn, hình ảnh không đẹp tại dự án đã khiến cử tri, người dân bức xúc.

"Chúng tôi phấn khởi bởi những hình ảnh xấu, băng rôn tồn tại ở dự án Thảo Cầm Viên mới, đã được chính quyền giải quyết. Tuy nhiên, chúng tôi mong các đại biểu, các sở ngành có ý kiến để dự án sớm hoàn thành, không nên kéo dài thêm, gây ảnh hưởng đời sống nhân dân", ông Mai Chí Dũng nêu ý kiến.

Liên quan đến quy hoạch treo, chậm tiến độ, cử tri Lê Văn Khía, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi cho biết, người dân tại huyện rất quan tâm đến các dự án trên địa bàn. Theo quy hoạch tỉ lệ 1/5000, tại huyện có nhiều dự án nông nghiệp, du lịch sinh thái nằm dọc sông Sài Gòn, đi qua 8 xã.

Tuy nhiên, đến nay, các dự án vẫn chưa được thực hiện, nhiều khu đất vẫn bỏ trống. Việc các dự án này chậm tiến độ thời gian dài đã khiến người dân không thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không được cấp phép xây dựng mới, gây bức xúc kéo dài.

Do vậy, cử tri của xã Phú Mỹ Hưng kiến nghị các đại biểu xem xét, chỉ đạo để sớm kêu gọi đầu tư đối với các dự án này.

Cử tri Nguyễn Bằng, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn nêu ý kiến, hiện nay đường vành đai 3 Tp.HCM, cao tốc Tp.HCM - Mộc Bài đã có chủ trương đầu tư. Ông Bằng kiến nghị, các dự án đường này cần nhanh chóng xúc tiến, triển khai, không chờ đợi thêm.

Sự kiện - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: “Quá trình phát triển phải lấy người dân làm gốc'

Các cử tri tại huyện Củ Chi và Hóc Môn đã gửi đến Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhiều kiến nghị về quy hoạch hạ tầng, phát triển kinh tế địa phương.

Ngoài các dự án chậm tiến độ, quy hoạch treo, người dân 2 huyện ngoại thành Tp.HCM cũng gửi tới tổ đại biểu những bất cập về hạ tầng giao thông vùng ven. Theo phản ánh, các tuyến đường trọng yếu của 2 huyện đã xuống cấp ở nhiều khu vực, không theo kịp đà đô thị hóa hiện tại và tương lai.

Cử tri Trần Văn Tiết, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi dẫn chứng, tuyến tỉnh lộ 15 đi qua địa phận huyện dù có diện tích nhỏ, nhưng lượng phương tiện qua lại luôn đông đúc. Qua thời gian, mặt đường đã xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân.

"Gần đây, một số đoạn đường đã được mở rộng, nâng cấp nhưng chỉ từng đoạn. Người dân mong muốn việc mở rộng, nâng cấp được thực hiện trên từng tuyến một cách đồng bộ, đặc biệt các đoạn đường lên các di tích lịch sử như đền Gia Định, khu địa đạo Củ Chi, di tích Bến Dược…", ông Trần Văn Tiết góp ý.

Tại hội nghị, cử tri hai huyện cũng nêu vấn đề xuống cấp của tỉnh lộ 8, tỉnh lộ 2, những tuyến đường huyết mạch của Củ Chi, Hóc Môn, cũng là cửa ngõ kết nối Tp.HCM với các tỉnh, thành lân cận. Những tuyến đường này có diện tích nhỏ, nhiều nơi giải phân cách hư hỏng nặng, chưa được thay thế.

"Từ đầu năm đến nay, tuyến đường tỉnh lộ 8 xảy ra nhiều vụ tai nạn, làm chết 8 người, bị thương 6 người. Tỉnh lộ 2 thường xuyên xảy ra ngập cục bộ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lưu thông. Mong thành phố cùng các sở ngành xem xét để sớm đầu tư, nâng cấp 2 tuyến đường", vị cử tri nêu số liệu.

Tập trung lập quy hoạch và quản lý quy hoạch

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần đề cập tới vấn đề huyện Củ Chi, Hóc Môn cần phát huy thế mạnh vốn có để phát triển thành phố sinh thái phía tây Tp.HCM. Đặc biệt, sự phát triển ấy phải bền vững, toàn diện, lấy người dân làm gốc.

"Trong quá trình phát triển, chúng ta không để người dân gặp tình thế không có công ăn, việc làm, phải lấy người dân làm trọng tâm, đã nói là làm. Trong quy hoạch, ngoài làm tốt các dự án, khắc phục điểm nghẽn các tuyến giao thông cần thực hiện hài hòa các dự án về sinh thái, nông nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.

Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, điểm nghẽn trong sự phát triển của 2 huyện nói riêng và toàn Tp.HCM nói chung là vấn đề hạ tầng kết nối giao thông. Ngoài ra, hạ tầng công nghệ cũng cần đổi mới hơn nữa để hướng đến mô hình nền kinh tế năng động, sáng tạo.

Do đó, hội nghị kêu gọi xúc tiến đầu tư vào huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn vừa qua đã được tổ chức thành công, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn. Trên cương vị đại biểu Quốc hội, Chủ tịch nước sẽ theo dõi, đôn đốc để việc phát triển 2 huyện cần đảm bảo bền vững, nhiều mặt, không chỉ kinh tế mà cả xã hội.

Sự kiện - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: “Quá trình phát triển phải lấy người dân làm gốc' (Hình 2).

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri tại huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn trước kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XV.

Đánh giá về sự phát triển của Tp.HCM thời gian qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, trước mắt, địa phương này cùng cả nước còn phải vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại. Tuy nhiên, với tính chất của một siêu đô thị, Chủ tịch nước tin tưởng Thành phố này sẽ có cách làm, giải pháp mới, phù hợp để vượt qua khó khăn.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận xét, Tp.HCM sau đại dịch đã đạt được nhịp phục hồi nhanh, ổn định, các hoạt động trở lại bình thường.  Toàn cảnh hơn, nền kinh tế của cả nước đã có sự tăng trưởng khi những tháng gần đây, các khu công nghiệp, nhà máy lớn, công trình, dự án đã hoạt động trở lại, việc làm của người lao động được đảm bảo.

Trong năm 2022, Chính phủ đã kiên định với mục tiêu đạt mức tăng trưởng 6-6,5%, duy trì lạm phát dưới 4% nhằm ổn định nền kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh đó, sự phát triển của Tp.HCM càng đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của cả nước khi có vị thế đầu tàu của nền kinh tế.

Quang Huy