Theo đó, Chính phủ vừa có Tờ trình số 399 về dự án Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Theo tờ trình, Chính phủ đã thảo luận và thống nhất dự án Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định các vấn đề về: quy tắc giao thông, đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe; đăng ký và cấp, thu hồi biển số xe cơ giới… “Đa số thành viên Chính phủ đồng ý với phương án”, nội dung tờ trình nêu.
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, cải cách hành chính và thực tiễn về trật tự, an toàn giao đường bộ hiện nay, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp thống nhất để Bộ Công an báo cáo Quốc hội theo phương án 1: Vấn đề đào tạo sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Việc thống nhất phương án này được lý giải là để đảm bảo tính hợp lý, đồng bộ và thống nhất, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, bảo vệ tính mạng, tài sản, bảo vệ con người.
Thống nhất phương án để Bộ Công an quản lý đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe. (Ảnh minh họa)
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể và Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã ký văn bản thể hiện sự đồng ý, thống nhất để Bộ Công an báo cáo Quốc hội phương án trên.
Do có ý kiến khác nên Chính phủ cũng đưa ra trong tờ trình phương án 2 để Quốc hội tham khảo. Cụ thể từ năm 2001 đến nay, công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đã được quy định trong Luật giao thông đường bộ, nghĩa là do Bộ Giao thông vận tải phụ trách và được thực hiện ổn định.
Tuy nhiên, phương án này không phù hợp với cấu trúc, mục tiêu và nội dung của Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) là thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng hiện đại, hiệu quả, nâng cao chất lượng hệ thống mạng lưới đường bộ…
Cũng theo tờ trình, dự án Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ còn có những nội dung mới khác như sẽ quy định 1 hạng bằng lái (hạng B) để cấp cho người lái xe ôtô chở người đến 9 chỗ, xe ôtô tải, máy kéo có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế không vượt quá 3.500kg.
Trong luật này sẽ bỏ quy định bằng lái hạng E, các hạng F. Theo đó, giấy phép lái xe còn 11 hạng gồm: A01, A2, A3, B, C, D2, D, BE, CE, D2E, DE.
Theo tờ trình, dự luật về quản lý, cấp giấy phép lái xe mới sẽ có 12 điểm/năm. (Ảnh minh họa)
Đáng chú ý, Chính phủ đề xuất quy định về điểm của giấy phép lái xe. Theo đó, giấy phép lái xe có 12 điểm trong 12 tháng. Giấy phép lái xe bị trừ hết điểm sau thời hạn 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm người lái xe nếu có nhu cầu cấp giấy phép lái xe mới, phải sát hạch lại. Nếu giấy phép lái xe còn điểm thì được phục hồi 12 điểm sau 12 tháng kể từ lần bị trừ điểm gần nhất.
Trước đó, tại cuộc họp báo Chính phủ, diễn ra vào chiều tối ngày 4/9, liên quan đến vấn đề Bộ nào sẽ được giao quyền quản lý việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cũng được đặt ra. Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng giải đáp và lưu ý: “không có sự tranh giành quyền quản lý trong làm luật”. “Việc đào tạo lái xe đã hoàn toàn được xã hội hóa, các cơ sở công lập, tư nhân đều được đào tạo, nhưng công tác cấp giấy phép sát hạch lái xe phải quản lý chặt chẽ để tránh việc giao bán bằng trên mạng. Việc này phải có kiểm soát, theo dõi chặt để tránh cắt đoạn. Hiện Chính phủ chưa quyết định giao cho Bộ Công an hay Bộ Giao thông vận tải quản lý việc này nhưng nguyên tắc là sẽ có phân tích, đánh giá xem cơ quan nào làm tốt thì giao cho cơ quan đó” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trả lời. |