33 năm kể từ ngày phát sóng đầu tiên, Tây Du Ký 1986 vẫn là bộ phim truyền hình kinh điển hấp dẫn người xem. Ngay cả khi đã xem đi xem lại nhiều lần thì vẫn có vô số sự thật về tác phẩm kinh điển này khiến không ít người ngỡ ngàng khi biết đến.
Cụ thể, trong Tây Du Ký 1986, Đường Tăng cùng với 3 đồ đệ của mình là Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng vất vả trải qua 81 kiếp nạn trong vòng 14 năm mới đến được Tây Trúc. Tuy nhiên, sự thật thì nhà sư đến từ Đại Đường lại chỉ mấy hơn một năm là đã có thể đặt chân đến đất Phật. Vậy tại sao 14 năm sau 4 thầy trò Đường Tăng mới về đến cố hương của sư phụ?
Theo ghi chép thì phải đến năm 645, tức 16 năm sau khi rời Đại Đường, Đường Tăng mới có thể diện kiến lại hoàng thượng. Nguyên nhân là bởi sau khi nhận thấy sự khác biệt giữa Phật giáo Ấn Độ và Trung Quốc, muốn dung nạp nhiều nội dung, tư tưởng lớn của Phật giáo để đem về phổ biến cho đất nước mình nên Đường Tăng quyết định ở lại học tập, nghiên cứu thêm.
Nhờ có sự chỉ giáo của những người thầy giỏi nhất và được tham gia vào các cuộc tranh luận với nhiều học giả nên Đường Tăng khi trở lại cố hương đã mang theo hơn 600 bộ kinh viết bằng tiếng Phạn và tổ chức dịch sang tiếng Hán. Trong lịch sử Trung Quốc, Đường Tăng được xem là một trong 4 dịch giả lớn nhất chuyên dịch kinh sách tiếng Phạn ra tiếng Hán, đồng thời là người sáng lập 1 tông phái Phật giáo có tên Pháp Tướng tông.
Với những hi sinh và sự thông tuệ, uyên bác của mình, Đường Huyền Trang không chỉ nhận được sự kính trọng của người dân Trung Quốc mà còn vinh dự là một trong những tu sĩ được tôn kính nhất vùng Đông Á ở thế hệ của mình. Biệt danh “Tam Tạng” của ông cũng là do giới tăng sĩ xưng tặng, hàm ý nói về việc ông là người hiếm hoi tinh thông cả 3 tạng kinh điển của Phật giáo: Kinh, Luật, Luận.