VAR LẦN ĐẦU ĐEM LẠI LỢI THẾ CHO ĐT VIỆT NAM
Ở vòng loại World Cup năm nay, VAR được xem là cơn ác mộng của đội tuyển Việt Nam khi thường xuyên đưa ra những kết quả bất lợi, góp công không nhỏ khiến cho các học trò của thấy Park “trắng tay” tính cho đến thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, ở trận đấu mới đây trên sân Mỹ Đình, VAR lại trở thành cứu tinh của đội tuyển Việt Nam khi từ chối bàn thắng mười mươi của Ito ở phút 40 của trận đấu.
Đây là tình huống bóng đá chạm vào người của Aoi Tanaka sau pha dứt điểm trái phá của Ito và sau khi xem lại băng ghi hình, trọng tài chính Hassan đã quyết định từ chối bàn thắng thứ 2 của tuyển Nhật Bản.
Rõ ràng, nếu không có VAR ở tình huống đó, ĐTVN đã phải nhận thêm bàn thua thứ 2 và nhiều khả năng sẽ vỡ trận sớm khi mà lúc đó, thế trận trên sân đã hoàn toàn thuộc về các vị khách áo xanh.
VIỆT NAM SẴN SÀNG CHƠI SÒNG PHẲNG VỚI NHẬT BẢN
Trái với những dự đoán trước trận, đội tuyển Việt Nam không hề lựa chọn lối chơi phòng ngự phản công thường thấy mỗi khi phải đối đầu với một đối thủ vượt trội hơn hẳn về mọi mặt. Thay vào đó, các học trò của HLV Park Hang-seo lại chủ động thi đấu đôi công với Nhật Bản và điều này vô hình chung gây ra khá nhiều bất ngờ cho đội khách.
Thậm chí, có những lúc đội bóng của chúng ta tạo ra được sức ép và chơi trên cơ trước đội khách. Tuy nhiên, sự vội vàng trong khâu dứt điểm cuối cùng đã khiến cho Công Phượng và các đồng đội không thể tạo ra được cơn địa chấn trước đội bóng số 1 khu vực.
Bên cạnh đó phải kể đến khả năng bọc lót và đứng vị trí cực tốt của hàng thủ đội tuyển Nhật Bản – một trong lý do khiến cho chúng ta “bất lực” trong hầu hết các tình huống lên bóng sau khi phải nhận bàn thua đầu tiên.
NHẬT BẢN XỨNG DANH CƯỜNG QUỐC BÓNG ĐÁ SỐ 1 KHU VỰC
Bất chấp những cố gắng không biết mệt mỏi của đội tuyển Việt Nam, Nhật Bản vẫn cho thấy họ ở một đẳng cấp vượt trội hơn hẳn. Với đội hình quy tụ dàn sao đang thi đấu ở châu Âu, đội bóng áo xanh dễ dàng làm chủ thế trận trên sân. Và dủ không có được một thế trận quá vượt trội so với đội tuyển Việt Nam, Nhật Bản vẫn biết cách tạo nên sự khác biệt với sự tỏa sáng của các cá nhân.
Một pha bức tốc không thể ngăn cản, một đường căng ngang vào trong đầy sắc lẹm của Minamino và nhiệm vụ còn lại của Ito là vô cùng đơn giản khi trước mặt anh chỉ là khung thành đã bỏ trống, Nhật Bản ghi được bàn thắng trong tình huống 2 chọi 6 và nó cho thấy lý do vì sao họ được gọi là cường quốc bóng đá số 1 khu vực.
ITO - CƠN ÁC MỘNG CỦA ĐT VIỆT NAM
Không phải Minamino, Ito mới là cơn ác mộng của ĐTVN ở trận đấu lần này. Cầu thủ sinh năm 1993 đã có một trận đấu trên cả tuyệt vời và phần nào lấn át cả Minamino – ngôi sao đang được xem là tương lai của bóng đá Nhật Bản.
Được thi đấu ở vị trí hành lang cánh phải trên hàng công, ngôi sao hiện đang thi đấu cho CLB Genk đã khiến cho hàng thủ của đội tuyển Việt Nam có một ngày thi đấu vô cùng mệt mỏi. Tận dụng ưu thế về tốc độ và kỹ thuật, Ito thường xuyên xộc thẳng vào vòng cấm của ĐTVN và khiến cho khung thành của Bùi Tấn Trường luôn trong tình trạng báo động đỏ.
Bên cạnh đó, anh còn là chủ nhân của bàn thắng duy nhất của trận đấu. Thậm chí, nếu may mắn hơn, Ito đã có cho mình cú đúp ở trận này nếu như siêu phẩm của anh vào lưới Tấn Trường ở phút 40 không bị VAR từ chối.
VIỆT NAM THUA NHẬT BẢN NHƯNG THẮNG CHÍNH MÌNH
Thất bại trước Nhật Bản là một cái kết đã được dự đoán từ trước khi mà đối thủ của chúng ta vượt trội hơn hẳn về mọi mặt. Tuy nhiên, cái cách mà chúng ta để thua Nhật Bản lại mở ra một tương lai tươi sáng cho bóng đá Việt Nam khi mà rõ ràng, các học trò của HLV Park Hang-seo đã có một trận đấu trên cả tuyệt vời.
Được thi đấu trên sân nhà, dưới sự cổ vũ của hơn vạn khán giả nhà, Quang Hải và các đồng đội đã thi đấu sòng phẳng trước cường quốc bóng đá số 1 khu vực. Chúng ta ra sân với tinh thần thi đấu tích cực, sử dụng một lối chơi hợp lý và chỉ chịu thua trước một Minamino và Ito quá xuất sắc.
Có thể thấy, tư duy chơi bóng của các tuyển thủ Việt Nam không hề thua kém Nhật Bản là bao. Có chăng sự khác biệt giữa 2 nền bóng đá là khả năng cọ xát của các tuyển thủ ở môi trường khác nhau. Trong khi các tuyển thủ Nhật Bản thường xuyên được ăn tập, được thi đấu và hít thở môi trường đỉnh cao ở châu Âu thì chúng ta ngược lại, vẫn đang loay hoay với bài toán xuất ngoại suốt nhiều năm qua.
Đây là điều mà bóng đá Việt Nam cần cải thiện trong thời gian tới. Chỉ khi ấy, chúng ta mới có thể thực sự vươn mình để trở thành một thế lực thực sự của nền bóng đá khu vực.
Anh Việt