Món canh độc đáo ngày Tết
Đến với Tây Nguyên, nhiều người không chỉ ấn tượng bởi cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, những cánh đồng cà phê bát ngát mà còn bị thu hút bởi những món ăn độc lạ mang đậm hương vị núi rừng của người đồng bào dân tộc Ê Đê. Để hiểu hơn về văn hóa ẩm thực của người Ê Đê, chúng tôi tìm về nhà cô gái trẻ H’Ruen Niê, SN 1996, trú tại buôn Emấp, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk vào một ngày cuối năm.
Sinh ra trong một gia đình nông dân và là con gái duy nhất trong gia đình có 4 anh em, từ nhỏ H’Ruen đã tất bật với công việc bếp núc. H’Ruen cho hay: “Từ khi còn rất nhỏ, mỗi lần bố mẹ lên nương rẫy, tôi đều ở nhà vào bếp và tự chế biến các món ăn cho cả gia đình mà không cần ai chỉ dạy. Cũng chính từ những lần “làm bạn” với gian bếp nhỏ trong ngôi nhà sàn truyền thống khiến tôi cảm thấy rất thích thú với việc nấu ăn, đặc biệt là các món ăn dân dã trong những ngày Lễ, Tết”.
Theo H’Ruen, nói đến văn hóa ẩm thực của người Ê Đê trong những ngày lễ, Tết thì không thể thiếu món canh bột lá yao. H’Ruen cho rằng, đây là món ăn rất đặc biệt với cá nhân mình và người Ê Đê nói chung. Bởi nguyên liệu quan trọng nhất của món canh này là lá yao, mà loại lá này chỉ có ở trên rẫy, trong rừng. Lá yao được chọn hái để nấu canh bột là những lá vừa già tới, có màu xanh đậm. Nhờ vậy, khi nấu xong nồi canh sẽ có màu xanh bắt mắt.
H’Ruen cho hay, không phải ai cũng nấu được canh bột lá yao. “Do ảnh hưởng của văn hóa hiện đại và chạy đua với cuộc sống thị trường nên hầu hết các bạn trẻ người Ê Đê hiện nay không biết nấu món canh truyền thống này. Chính điều đó đã thôi thúc tôi phải học nấu bằng được món canh bột lá yao để giữ gìn truyền thống văn hóa ẩm thực của cha ông”, H’Ruen chia sẻ.
Để nấu món canh bột đặc biệt này, ngoài lá yao, H’Ruen bỏ gạo vào ngâm rồi để ráo nước. Sau đó, giã chung gạo với lá yao cho đến khi bột mịn đều thì thả vào nồi nước đang sôi để khuấy. Trong khi khuấy bột, người nấu phải khuấy đều tay và canh lửa để tránh bị đặc và khét. Cho đến khi bột đã chín tới, người nấu sẽ thả rau rừng vào rồi nêm nếm gia vị cho vừa ăn.
Với bàn tay khéo léo của cô gái trẻ người Ê Đê, món canh bột lá yao không chỉ có vị đắng của rau rừng mà có mùi thơm của lá yao và vị ngọt sền sệt của nước canh từ bột gạo.
“Trong không khí ấm cúng, sum vầy, canh bột lá yao là món ăn có ý nghĩa rất quan trọng đối với người Ê Đê trong ngày Tết. Đây cũng là một món ăn được yêu thích trong gia đình người Ê Đê ở Tây Nguyên nói chung, khiến cho những người con đi xa nhà lâu ngày luôn háo hức, mong được trở về quây quần bên gia đình để được thưởng thức canh bột lá yao và những hương vị đặc trưng khác sau một năm dài lao động vất vả. Chính vì thế, mỗi người Ê Đê đều có tình cảm rất đặc biệt với món ăn này”, H’Ruen nói.
Bên cạnh món canh bột lá yao, vào những ngày Tết, mỗi gia đình người Ê Đê còn làm thịt heo để chế biến các món như: Heo nướng trộn muối ớt lá chanh, heo nướng băm với lõi chuối, heo nướng trộn với bột gạo rang,...
Khát khao gìn giữ văn hóa truyền thống
Ngoài các món ăn đặc trưng ngày Tết, từ nhỏ H’Ruen còn không ngừng mài mò, chế biến các loại rau củ quả, cây nhà lá vườn như: Cà đắng, lá môn, lá mì, sả, ớt xanh… thành những món ăn đậm chất truyền thống của dân tộc mình.
Chỉ sau vài phút ra vườn tìm hái những quả cà đắng, ớt, rau ngò gai, cô gái trẻ đã chế biến thành món cà đắng giã muối ớt mà nhiều đến đây đều mong muốn được thưởng thức. Không chỉ vậy, mỗi khi rảnh rỗi, H’Ruen lại lên rẫy đào dế, hái đọt bí, sau đó mang về rửa sạch và đưa lên bếp để rang. Xong xuôi, H’Ruen mang dế và đọt bí giã với củ nén, ớt, gia vị rồi cùng cả nhà ăn với cơm nóng.
Hay chỉ với một quả đu đủ nhỏ hơi ửng vàng được bào mỏng, kết hợp muối kiến vàng, lá é, ít muối và thật nhiều ớt, cô gái trẻ người Ê Đê mang giã cùng với nhau rồi vắt thêm chanh sẽ cho ra món đu đủ giã có vị chua chua, cay cay, ăn giòn ngọt.
Ngoài ra, món canh môn, vếch bò, gỏi cà đắng... do chính tay H’Ruen nấu cũng khiến nhiều người không khỏi ấn tượng, trầm trồ khen ngợi. Cứ thế, mỗi món ăn mà H’Ruen nấu, chế biến đều có hương vị đặc trưng riêng nhưng đều mang đậm các vị cay, chua, đắng.
Đặc biệt để nấu, chế biến được các món truyền thống một cách hoàn hảo nhất, mỗi khi đi đám, tiệc trong buôn, H’Ruen tỉ mỉ cảm nhận các hương vị trong mỗi món ăn, rồi về chế biến theo cách riêng của mình.
Dù khá bận rộn với công việc nương rẫy và kinh doanh online nhưng H’Ruen không ngừng sưu tầm thêm nhiều món ăn ngon, dân dã để gìn giữ. Đồng thời, mong muốn sử dụng các món ăn này để phục vụ khách du lịch ngay trong căn nhà sàn của gia đình mình. Qua đó, giới thiệu cho mọi người biết về phong tục, văn hóa ẩm thực của người Ê Đê nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Đặc biệt, giúp cho các thế hệ trẻ không lãng quên những nét văn hóa truyền thống của buôn làng.
Lưu giữ văn hóa ẩm thực Ê Dê
Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Chủ tịch UBND thị trấn Ea Pốk cho biết, người Ê Đê chiếm tỉ lệ hơn 50% dân số trên địa bàn thị trấn Ea Pốk. Về cơ bản, các phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, ẩm thực của người đồng bào dân tộc Ê Đê trên địa bàn vẫn giữ được tương đối. Để tiếp tục gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thời gian qua địa phương đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động người dân, các nghệ nhân trên địa bàn lưu giữ văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Ê Đê. Địa phương đã mở lớp đào tạo các nhạc cụ dân tộc cho các em thiếu nhi. Hàng năm, địa phương cũng tổ chức cho người Ê Đê trong các buôn tham gia các cuộc thi nấu ăn, đặc biệt là các món truyền thống do huyện tổ chức. Hay trong các ngày hội đoàn kết, địa phương phối hợp cùng các thôn, buôn tổ chức cuộc thi nấu ăn. Tuy nhiên, hai năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các cuộc thi ẩm thực truyền thống, các phong trào văn hóa thể thao, văn nghệ gần như không thể tổ chức được.
Thơ Trịnh
Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/thieu-nu-e-de-khao-khat-luu-giu-am-thuc-truyen-thong-cua-buon-lang-a9930.html