Ở Nhật Bản, ngày càng có nhiều lời kêu gọi coi Covid-19 là bệnh đặc hữu, góp thêm vào xu hướng toàn cầu về thúc đẩy trở lại cuộc sống bình thường khi người dân cảm thấy quá mệt mỏi với các hạn chế của đại dịch, vắc-xin trở nên dễ tiếp cận hơn và tỉ lệ tử vong do virus vẫn ở mức thấp, Bloomberg bình luận.
Nhật Bản có tiến tới thay đổi cách quản lý dịch bệnh?
Với việc dữ liệu cho thấy Omicron gây ra rủi ro ít nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước đó, các nhân vật của công chúng, từ Thống đốc Tokyo đến cựu Thủ tướng Shinzo Abe, đã ra dấu hiệu ủng hộ việc nới lỏng các quy định pháp lý về phản ứng với virus ở Nhật Bản.
Sự thay đổi này sẽ mở rộng khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, theo đó coi Covid-19 không khác gì bệnh cúm.
Đó là một cuộc tranh luận đang diễn ra trên khắp thế giới, đặc biệt là ở phương Tây. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã kêu gọi châu Âu coi virus này như một thứ thường trực trong cuộc sống hàng ngày trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên đài phát thanh Cadena Ser.
Và các quốc gia ở khắp mọi nơi từ Ấn Độ đến Vương quốc Anh đang có xu hướng muốn đảo ngược các biện pháp phong tỏa bất chấp sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron.
Ở châu Á, nơi thường gặp khó khăn hơn trong việc ngăn chặn virus kể từ khi đại dịch bắt đầu, Bloomberg bình luận, Nhật Bản là quốc gia có nhiều khả năng sẽ thay đổi cách quản lý dịch bệnh.
Giới chức nước này chưa từng triển khai đợt phong tỏa bắt buộc nào, một phần cũng vì hiến pháp không cho họ quyền thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong các cuộc khủng hoảng.
Ngay cả khi sự lây nhiễm gia tăng, Nhật Bản vẫn thực hiện các chính sách hoàn toàn khác với chính sách cứng rắn đang áp dụng ở những nơi như Trung Quốc. Phần nhiều các yêu cầu ở Nhật Bản, ví dụ như hạn chế giờ mở cửa đối với các doanh nghiệp hoặc tiêm chủng bắt buộc đối với người dân, đơn giản là có thể bị bỏ qua.
Việc hạ cấp độ của Covid-19 cũng sẽ có tác động ngay lập tức đến việc giải phóng nguồn lực y tế cho người bệnh ở Nhật Bản: Sẽ không còn tình trạng các bệnh viện từ chối điều trị cho bệnh nhân Covid-19 với lý do họ không được trang bị để quản lý các bệnh truyền nhiễm.
Tuy nhiên, Thủ tướng Fumio Kishida đã yêu cầu thận trọng và gạt bỏ ý kiến của người tiền nhiệm về coi Covid-19 như bệnh đặc hữu trong một cuộc phỏng vấn vào đầu tháng này với một hãng tin địa phương, Bloomberg cho biết.
Thủ tướng Kishida đã nói với các phóng viên vào tuần trước rằng vẫn còn quá sớm để hạ cấp độ của virus khi cân nhắc đến số ca nhiễm biến thể Omicron.
Nhật Bản đã ghi nhận hơn 30.000 ca nhiễm mới hôm 18/1, tuy nhiên số ca được coi là “nghiêm trọng” chỉ tăng thêm 18 ca, theo đài truyền hình quốc gia NHK.
Và nói rộng ra, công chúng cũng đã ủng hộ những nỗ lực ngăn chặn virus: Sau khi Chính phủ Nhật ban hành lệnh cấm người nước ngoài nhập cảnh trong tháng 11, một cuộc thăm dò dư luận cho thấy gần 90% người dân ủng hộ biện pháp này.
Giờ đây, chủ đề này lại ngày càng được quan tâm ở Nhật Bản, đặc biệt là khi những nhân vật nổi tiếng như cựu Thủ tướng Abe lên tiếng ủng hộ nới lỏng các hạn chế.
“Tại sao chúng ta không tiến xa hơn trong năm nay và thay đổi cấp độ của coronavirus theo luật” ông nói trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình Yomiuri.
“Vì nhập viện là phương pháp điều trị cơ bản, nên áp lực đặt lên các cơ sở y tế và trung tâm y tế là rất lớn. Chúng ta cần thận trọng với Omicron, nhưng nếu thuốc và vắc-xin có thể ngăn bệnh trở nên trầm trọng, chúng ta có thể điều trị Covid-19 như bệnh cúm mùa”, ông Abe nhận định.
Tìm kiếm một giải pháp dung hòa
Một sự thay đổi lớn hơn trong cách Nhật Bản phản ứng với virus có thể thay đổi nhận thức của công chúng về mối đe dọa lây nhiễm, cũng như giúp khuếch tán tác động của các đột biến trong tương lai, Bloomberg bình luận.
Hiện tại, Nhật Bản đã huy động khoảng 450 trung tâm y tế công cộng thực hiện truy vết dịch tễ và thu dung những trường hợp nhiễm virus. Tuy nhiên, nguồn lực vẫn bị hạn chế vì các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện nhỏ hoặc thuộc sở hữu tư nhân, có thể từ chối tiếp nhận bệnh nhân trừ khi bệnh nhân đó ốm quá nặng.
Mặc dù số ca tử vong ở Nhật Bản vẫn ở mức thấp trong suốt đại dịch, bất chấp tỉ lệ dân số già khá lớn của đất nước, nhiều người vẫn từ chối tới bệnh viện điều trị trong các làn sóng dịch trước đó. Hàng trăm người đã chết tại nhà mà không có sự trợ giúp y tế.
Một số quốc gia đã bắt đầu thấy làn sóng Omicron đạt đỉnh. Tại Nam Phi, nơi mà biến thể được báo cáo lần đầu tiên gần 2 tháng trước, tỉ lệ tử vong do Omicron chỉ bằng 15% so với Delta gây ra, theo Viện Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm Nam Phi (NICD). Bloomberg dẫn một nghiên cứu mới nhất của quốc gia châu Phi này cho biết, chủng Omicron gây ra bệnh ít nghiêm trọng hơn, ngay cả ở những người chưa được tiêm chủng hoặc chưa từng nhiễm bệnh.
Các quan chức Nhật Bản dường như đang nhận thức rằng, việc buộc những người bị nhiễm bệnh nhập viện hoặc thực hiện cách ly y tế có thể gây hại nhiều hơn là có lợi.
Khi các cơ sở y tế tiếp tục được lấp đầy, Nhật Bản có kế hoạch áp đặt tình trạng gần như khẩn cấp ở Tokyo và một số khu vực khác của đất nước bắt đầu từ 21/1, nhưng yêu cầu các quán bar và nhà hàng rút ngắn giờ mở cửa vẫn không phải là bắt buộc.
“Chúng ta sẽ ngăn chặn sự lây nhiễm. Chúng ta sẽ không ngăn chặn xã hội”, Yuriko Koike, Thống đốc Tokyo, nói với các phóng viên vào tuần trước. "Chúng ta phải làm cả hai".
Những khó khăn về tài chính đã đè nặng lên Nhật Bản. Nền kinh tế của đất nước được dự đoán tăng trưởng 1,8% vào năm 2021, so với 5,9% trên toàn cầu. Trong suốt tiến trình của đại dịch trước đó, Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp 4 lần, làm chậm sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Nhật Bản đã đưa ra nhiều thông điệp trái chiều về việc nới lỏng các hạn chế một cách rộng rãi hơn, một phần là do chính quyền trước đó đã bị thay thế vì phản ứng chậm chạp với dịch bệnh. Chính quyền của Thủ tướng Kishida có thể lo lắng rằng việc hạ cấp độ của virus theo luật có thể bị coi là yếu đuối.
Việc hạ cấp độ của virus cũng sẽ giải phóng Chính phủ khỏi trách nhiệm trang trải viện phí do Covid-19, chuyển gánh nặng này sang cho bệnh nhân. Như vậy, đề xuất này có khả năng sẽ không được ủng hộ.
Chính phủ Nhật Bản đã ban hành lệnh cấm người nước ngoài nhập cảnh cho đến cuối tháng 2 - một trong những hạn chế đi lại khắt khe nhất trên thế giới được ban hành để ứng phó với Omicron. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cắt giảm thời gian tự cách ly đối với những người tiếp xúc với ca bệnh từ 14 ngày xuống còn 10 ngày. Đối với nhân viên y tế, các quy tắc đã được bãi bỏ hoàn toàn vào tuần trước.
Các nước phương Tây có thể lo lắng rằng việc hạ cấp độ của Covid-19 sẽ khiến mọi người lơ là thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang. Nhưng điều này khó có khả năng xảy ra ở Nhật Bản: Sự hợp tác của công chúng và các quy tắc văn hóa bản địa sẽ khiến người dân nước này không bao giờ bỏ thói quen sát khuẩn tay hoặc đeo khẩu trang nơi công cộng, ngay cả khi các số ca mắc mới đã giảm.
Trong thời gian virus bùng phát, nhiều người dân Nhật đã tự nguyện hủy bỏ kế hoạch đi du lịch. Điều này có lẽ phần nào giải thích lý do tại sao Nhật Bản không ghi nhận tỉ lệ tử vong cao. Với gần 80% dân số được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi, Nhật Bản trở thành một trong những quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển.
Khi Nhật Bản cân nhắc bước đi tiếp theo, Thủ tướng Kishida đã ra dấu hiệu rằng ưu tiên của Chính phủ của ông là tìm kiếm một giải pháp dung hòa.
“Virus liên tục đột biến và chúng ta phải tính đến điều đó”, Thủ tướng Nhật Bản nói với các phóng viên hôm 13/1. “Chúng ta không thể cứ liên tục thay đổi trạng thái của mình mỗi khi virus thay đổi hình thức của nó”.
Minh Đức (Theo Bloomberg)
Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/omicron-thuc-day-y-muon-song-chung-voi-covid-o-nhat-ban-a9806.html