Tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường biển đến từng tầng lớp nhân dân
Ngày 11/12, tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa diễn ra diễn đàn “Nhà quản lý - nhà báo - doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường (TN-MT)” lần thứ V - năm 2021 với chủ đề “Vì một Việt Nam xanh” .
Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên môi trường biển đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cần được tuyên truyền sâu sắc, toàn diện hơn nữa.
Cũng theo bà Hoài, thời gian qua báo chí, truyền thông không chỉ phản ánh thực trạng và tác hại của ô nhiễm môi trường biển mà cần phân tích thấu đáo nguyên nhân dẫn đến tính trạng ô nhiễm môi trường biển, cạn kiệt nguồn tài nguyên biển. Từ đó, chuyển tải thông điệp về ý thức trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và mỗi người dân cần tự giác, chủ động, hành động khắc phục trạng đó.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã đưa ra những câu chuyện cần được quan tâm về bảo vệ môi trường tại nước ta. Theo đó, Việt Nam đang chịu ảnh hưởng ô nhiễm rác thải biển, đặc biệt là rác thải nhựa và chất thải sinh hoạt. Nguồn tài nguyên đang bị khai thác thiếu khoa học, đe dọa nguồn cạn kiệt, môi trường biển nhiều nơi bị ô nhiễm đến mức báo động, gây ra thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.
Nguyên nhân của việc ô nhiễm cũng được mổ xẻ, phân tích tại đây để đề ra các giải pháp phát triển bền vững đi đôi với việc bảo vệ môi trường. Từ những vấn đề đặt ra, các đại biểu đánh giá việc tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về bảo vệ tài nguyên và môi trường biển cần phải được thực hiện thường xuyên, có hệ thống, linh hoạt, sáng tạo hơn để kiến thức pháp luật, chính sách đến được với những đối tượng quan trọng, đặc thù.
Trong đó, làm rõ mục tiêu trọng tâm của các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ tài nguyên, môi trường biển. Đó là xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, hải đảo, ven biển phải gắn kết với yêu cầu bảo vệ đất nước. Thúc đẩy, khai thác nguồn tài nguyên biển theo hướng bền vững; giữ gìn chất lượng môi trường nước biển; chủ động thích ứng với biển đổi khí hậu, nước biển dâng…
Tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Lan, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Khánh Hòa kiến nghị với Bộ TN-MT cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.
Đồng thời, sớm hoàn thành công tác xây dựng và ban hành quy hoạch không gian biển; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ… để làm cơ sở cho các địa phương ven biển thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và môi trường biển, công tác giao khu vực biển và quản lý hoạt động nhận chìm ở biển.
Quy hoạch đô thị biển phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu
Cũng tại diễn đàn, các nhà khoa học, nhà báo, đại biểu đã đặt ra nhiều vấn đề trong quá trình phát triển đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Theo ông Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng một trong những nguyên nhân đó là do quy hoạch thiếu bền vững.
Ông Tùng cho biết một số đô thị như Quy Nhơn, Đà Nẵng, Nha Trang, Hội An... có tốc độ đô thị hóa nhanh mất kiểm soát, dẫn đến sự xuất hiện dày đặc các dự án khách sạn cao tầng, resort, sân golf... lấn át kiến trúc truyền thống, ảnh hưởng đến cuộc sống, hoạt động kinh tế của cư dân địa phương và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái biển.
Theo thống kê, hiện nay rừng ngập mặn mất đến 70%; khoảng 11% các rạn san hô bị phá hủy hoàn toàn, không có khả năng tự phục hồi; khoảng 100 loài sinh vật biển có nguy cơ bị đe dọa... Tình trạng ô nhiễm môi trường ven biển miền Trung cũng đang ở mức báo động, nạn ô nhiễm môi trường biển do rác thải, nước thải vẫn chưa thuyên giảm.
Là một trong những quốc gia trên thế giới phải chịu tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng... nên để các đô thị ven biển miền Trung cần phát triển bền vững, với giải pháp được đặt ra, trong đó xu hướng lấn biển rất quan trọng.
Đây là xu hướng mà nhiều nước trên thế giới đã thực hiện thành công cách đây vài chục năm như Hà Lan, Nhật Bản, Singapore, UAE, Hồng Công... Lấn biển không chỉ là mở rộng quỹ đất, phát triển kinh tế-xã hội mà đó còn là giải pháp chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo xu thế chung, khu vực ven biển sẽ là tâm điểm cho sự phát triển trong tương lai với sự gia tăng dân số, mở rộng các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch và đô thị hóa. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 80 khu lấn biển tại 19 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, bên cạnh những dự án được triển khai bài bản, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thì một số dự án đã gây tác động, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, hệ sinh thái, gây xói lở bờ biển, cần phải có sự tham khảo, thống nhất của các bên trước khi thực hiện việc lấn biển.
Cũng theo ông Tùng cần phải xây dựng các đô thị vệ tinh cho đô thị trung tâm để phát triển bền vững. Giải pháp này khẳng định thêm việc đầu tư, phát triển các đô thị ven biển của các tỉnh miền Trung hiện nay đã đi đúng hướng.
Ở Khánh Hòa, ngoài Tp.Nha Trang là đô thị trung tâm, khu vực được chọn làm đô thị vệ tinh là Bắc bán đảo Cam Ranh với 45 dự án và thị xã Ninh Hòa với các khu đô thị ven biển thuộc các phường Ninh Thủy, Ninh Diêm, Ninh Hải. Ngoài ra, các khu vực ven biển khác như Vạn Ninh, Cam Lâm... đang có tốc độ đô thị hóa cao cũng sẽ trở thành các đô thị vệ tinh.
Để phát triển bền vững, cần quy hoạch đô thị ven biển với kiến trúc mở, thấp tầng, mật độ cây xanh lớn, những công viên chủ đề nằm giữa các khu đô thị là không gian công cộng thân thiện, mở tầm nhìn hướng ra biển, đón gió và không khí biển trong lành vào sâu trong nội địa. Hạ tầng đô thị được ngầm hóa, hệ thống thoát nước mưa, nước sinh hoạt được tách bạch và đặc biệt phải xử lý nước thải sinh hoạt.
Ngoài ra, tại diễn đàn các đại biểu cũng đã trao đổi các vấn đề về tài nguyên môi trường, môi trường biển và đảo hiện nay; môi trường biển và phát triển kinh tế biển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu; những sáng kiến để tối ưu hóa nguồn lực trong sản xuất, hướng đến phát triển bền vững…
Ông Hà Quốc Trị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đánh giá diễn đàn là dịp để các nhà quản lý - nhà báo – doanh nghiệp cùng chia sẻ thông tin, đóng góp ý kiến và kinh nghiệm trong lĩnh vực tài nguyên môi trường và biển đảo. Từ đó, giúp nhà quản lý hiểu hơn về thực tế triển khai chính sách về tài nguyên môi trường để có điều chỉnh kịp thời. Đồng thời, đưa ra những kiến nghị trong việc xây dựng và ban hành chính sách để quản lý, phát triển ngành tài nguyên và môi trường ngày một hiệu quả.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ TN-MT cảm ơn và ghi nhận các báo cáo tham luận, các ý kiến đóng góp, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của các đại biểu về lĩnh vực bảo vệ môi trường.
“Các ý kiến đóng góp, chúng tôi sẽ tiếp thu, nghiên cứu để phục vụ mục đích sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách với mục tiêu chung vì một Việt Nam xanh, phát triển bền vững” – ông Thành nói.
Châu Tường
Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/nang-cao-y-thuc-trach-nhiem-cua-moi-nguoi-de-bao-ve-moi-truong-bien-a9518.html