Tối 19/11, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và UBND Tp. Hồ Chí Minh tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19. Lễ tưởng niệm diễn ra tại 2 điểm cầu ở Tp. HCM (Hội trường Thống Nhất) và Hà Nội (Công viên Thống Nhất).
Phát biểu tại Lễ tưởng niệm tại điểm cầu Hội trường Thống Nhất, Tp.HCM, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, xin bày tỏ lòng thành kính, chia buồn sâu sắc với các gia đình có người hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19 và xin nguyện cầu cho các linh hồn người đã mất được siêu thoát, yên giấc ngàn thu, nơi cõi vĩnh hằng.
Theo ông Chiến, trong gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 bùng phát, gây tổn thất nặng nề cho cả thế giới, trong đó có nước ta. Trong bối cảnh đó, thực hiện lời hiệu triệu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào cả nước không phân biệt thành phần, tuổi tác, giới tính, dân tộc, tôn giáo đã đoàn kết một lòng, chung một ý chí “chống dịch như chống giặc”.
Ông Chiến chia sẻ: “Phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc “thương người như thể thương thân”, “bầu ơi thương lấy bí cùng”, trong khó khăn hoạn nạn, đã xuất hiện nhiều nghĩa cử cao đẹp, thấm đậm tình đồng chí, nghĩa đồng bào, chan chứa yêu thương, lay động lòng người: Những ATM gạo, ATM o-xy, chợ 0 đồng, siêu thị 0 đồng, suất ăn miễn phí, nhường cơm xẻ áo cho nhau trong lúc khó khăn, thiếu thốn, thật là trân quý”.
Hàng triệu phần quà đại đoàn kết, túi an sinh, hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, hàng ngàn tấn trang thiết bị y tế của đồng bào, chiến sỹ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài đã được vận chuyển vào vùng dịch, chia sẻ khó khăn với nhân dân Tp. HCM và các tỉnh phía Nam…
Hàng vạn cán bộ, nhân viên y tế, chiến sĩ các lực lượng vũ trang đã khắc phục mọi khó khăn, bất chấp nguy hiểm, xông pha vào tâm dịch, với những tháng ngày làm việc quên mình, dành hết tâm lực để chăm sóc, chữa trị người bệnh như người thân yêu, ruột thịt của mình; nhiều cán bộ, chiến sĩ hoãn ngày cưới, gác lại hạnh phúc riêng để lên đường làm nhiệm vụ; có những người khi bố mẹ từ trần không thể về chịu tang.
Ông Chiến bày tỏ: “Trong cuộc chiến cam go, ác liệt ấy đã có hàng ngàn thầy thuốc, cán bộ, chiến sĩ, Tổ Covid cộng đồng, tình nguyện viên, các nhà thiện nguyện, cán bộ cơ sở… bị nhiễm bệnh. Trong đó, hàng trăm người đã hy sinh, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, đồng đội, đồng chí”.
Theo ông Chiến, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, trực tiếp là đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, lực lượng vũ trang, nhân dân Tp. HCM và các tỉnh, thành phố trong vùng dịch đã “chiến đấu kiên cường”, làm hết sức mình chăm lo, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
Nhưng do dịch bệnh chưa có tiền lệ, lây lan nhanh, cực kỳ nguy hiểm, đã có hơn 1 triệu người nhiễm Covid-19, dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 23 ngàn đồng bào, đồng chí thân yêu của chúng ta. Đó là những công dân mẫu mực, những người lao động rất đỗi yêu thương, những cán bộ, thầy thuốc, nhân viên tận tụy với công việc, những chiến sĩ dũng cảm, những nhà thiện nguyện, tình nguyện viên nhiệt huyết, hết lòng, hết sức vì cộng đồng.
“Nỗi đau đến tột cùng khi nhiều người đến lúc "nhắm mắt xuôi tay" không có người thân ở bên cạnh, không có một lời trăng trối; nhiều gia đình có 2-3 người tử vong, có những người đại dịch đã cướp đi cả cha mẹ và những người ruột thịt; có những em bé sinh ra không được nằm trong vòng tay yêu thương của mẹ, không được uống giọt sữa đầu đời”, ông Chiến chia sẻ.
Ông Chiến bày tỏ, đại dịch tàn ác đã phá vỡ hạnh phúc của biết bao gia đình đang êm ấm: Cháu mất ông bà, cha mẹ mất con, vợ chồng mất nhau, con mất cha mẹ. Đại dịch "tràn qua", để lại hàng ngàn người già yếu không còn nơi nương tựa, hơn 2.600 trẻ em mất cha mẹ, nhiều em còn quá nhỏ, trên đầu chít khăn tang nhưng vẫn hồn nhiên, thơ dại, chưa cảm nhận được sự mất mát quá lớn trong cuộc đời - thật là xót thương, nhói lòng, rơi lệ.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đồng cảm và chia sẻ đau thương, mất mát với người thân những người quá cố, mong các gia đình nén đau thương, vượt qua sự mất mát để trở lại cuộc sống bình thường, trong điều kiện mới. Nhất là các cháu bị mất cha, mẹ là một biến cố lớn trong cuộc đời.
“Đảng, Nhà nước, bà con lối xóm, họ hàng thân thích, sẽ đồng hành cùng với các cháu trên con đường bước vào đời. Tuy sẽ gặp không ít khó khăn, nhưng tôi tin tưởng với sự giúp đỡ, chăm lo của Nhà nước, sự quan tâm, sẻ chia của cộng đồng, sự yêu thương của họ hàng, thân tộc, các cháu sẽ được bù đắp một phần về tinh thần và vật chất; rất mong các cháu sẽ chăm ngoan, học tập tốt, trở thành những người có ích cho xã hội”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chia sẻ.
Tiếp đó, các đại biểu tại 2 điểm cầu thực hiện nghi thức mặc niệm và thắp nến tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch.
Tại Tp.HCM, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Tp.HCM lần lượt thực hiện nghi thức dâng hương, hoa tưởng niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch.
Tại đầu cầu Hà Nội, sau một phút mặc niệm, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng, và Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài đã thắp hương, thực hiện nghi lễ tưởng niệm.
Bên cạnh đó, người dân cũng thả đèn hoa đăng, các cơ sở tôn giáo rung chuông, các con tàu trên các tuyến kênh ở Tp. HCM kéo còi, ở nhiều nơi người dân được khuyến khích tắt đèn… tưởng nhớ hơn 23.000 người tử vong.
Anh Nguyễn Văn Trọng (37 tuổi, huyện Thanh Trì, Hà Nội) bế con gái 5 tuổi lặng lẽ ngồi hàng ghế cuối cùng trong Lễ tưởng niệm. Cách đây hơn 2 tháng vợ anh là chị Thu Hà (28 tuổi) qua đời sau nhiều ngày chống chọi với Covid-19. Thời điểm đó chị Hà đang mang thai đứa con thứ 2 hơn 6 tháng. Người con ấy chưa kịp nhìn thấy ánh mặt trời đã vĩnh viễn từ biệt thế giới này.
“Dịch Covid-19 đã khiến gia đình tôi và bao thân nhân của hơn 23.500 nạn nhân rơi vào cảnh đau thương, mất mát. Thời điểm ngày 26/7 gia đình tôi có tất cả 9 người là F0. Mặc dù được các bác sĩ nỗ lực điều trị nhưng vợ tôi cùng đứa con trong bụng đã không thể vượt qua, nghĩ lại đau xót lắm”, anh Trọng ngậm ngùi.
Anh Trọng kể, dịch bệnh Covid-19 anh đã tìm hiểu từ trước. Thế nhưng khi có người nhà mất thì tinh thần suy sụp vô cùng.
“Những ngày cuối đời của vợ tôi không được bên cạnh chăm lo cho cô ấy. Đó là nỗi đau, là mất mát mà phải rất nhiều thời gian nữa tôi mới có thể để quen với cuộc sống mới này. Giờ tôi chưa dám nghĩ vợ đã rời bỏ mình. Những tình cảm đẹp, hồi ức về vợ tôi xin giữ lại cảm xúc cho riêng mình. Giờ chỉ còn hai bố con. Tôi đồng hành nói chuyện, chia sẻ cùng con. Nhiều đêm cháu khóc đòi mẹ nhưng mình phải nói với con nhiều hơn để con quen dần với thực tại mất mát mẹ”, anh Trọng xót xa.
Anh Trọng bày tỏ, lễ tưởng niệm xoa dịu phần nào nỗi mất mát người thân. Anh mong rằng cả nước sẽ không còn ai phải chịu mất mát lớn như vậy nữa.
Đứng trước bục lễ tưởng niệm, anh Võ Đăng Thành (trú tại nhà 20A phố Trần Quý Cáp, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội) bùi ngùi gửi lời cảm ơn các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tổ chức buổi lễ long trọng ngày hôm nay.
Anh Thành chia sẻ gia đình có 9 người mắc Covid-19, hiện 8 người đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, mẹ anh mắc Covid-19 đã không được may mắn, do có bệnh nền nên tử vong cách đây 36 ngày.
“Mọi thứ diễn ra bất ngờ quá, tôi không ngờ nó lại xảy đến với gia đình mình. Mẹ tôi mất đã hơn một tháng nhưng tôi vẫn chưa dám tin là mẹ mình đã mất. Giờ tôi chỉ mong muốn làm sao dịch bệnh mau chóng chấm dứt để cuộc sống sớm trở lại bình thường...", anh Thành ngậm ngùi.
21h buổi lễ tưởng niệm kết thúc trong không khí xúc động. Buổi lễ không chỉ tri ân, tưởng nhớ đồng bào và chiến sĩ hy sinh, tử vong vì Covid-19, mà còn nhằm tiếp tục động viên tinh thần các lực lượng tuyến đầu và nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia phòng, chống dịch Covid-19.
Trước đó, nhằm lan tỏa ý nghĩa, tinh thần “Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh do đại dịch Covid-19” tới toàn thể cán bộ, hội viên Hội Luật gia Việt Nam và nhân dân cả nước, hưởng ứng lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và tưởng niệm, tri ân cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng đã hi sinh vì dịch bệnh Covid-19.
Ngày 17/11, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền đã có công văn gửi đến Hội Luật gia các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chi hội Luật gia trực thuộc Trung ương Hội; các cơ quan báo chí, xuất bản của Hội tích cực tuyên truyền, phổ biến rộng rãi ý nghĩa, mục đích của chương trình Lễ tưởng niệm đến toàn thể cán bộ, hội viên của đơn vị mình và nhân dân trước, trong và sau Lễ tưởng niệm. Dừng tất cả các sự kiện, hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí trong thời gian tổ chức Lễ tưởng niệm.
Triển khai các hoạt động thiết thực nhằm động viên tinh thần các lực lượng tuyến đầu và nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong tham gia phòng, chống dịch Covid-19; khích lệ tinh thần đại đoàn kết, ý chí quật cường của toàn dân tộc để mỗi người cùng đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền, ủng hộ, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch theo kế hoạch vận động của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19…
Hoàng Bích - Hữu Thắng
Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/nhieu-nguoi-den-luc-nham-mat-xuoi-tay-khong-co-nguoi-than-o-ben-canh-a8973.html