Theo tờ Athletic, đã có thời gian BLĐ các CLB Ngoại hạng Anh thường chỉ thay đổi HLV khi đội bóng của họ thực sự khủng hoảng hoặc vị thuyền trưởng đó khiến cho người thuê mình nhận thấy đôi bên tốt nhất là nên chia tay nhau. Nhưng bây giờ, tình hình đã khác xưa rất rất nhiều. Sẽ chẳng còn những Sir Alex Ferguson ở Man United, Sir Bobby Robson ở Newcastle, David Moyes ở Everton hay Arsene Wenger tại Arsenal.
Bằng chứng là một số CLB sẵn sàng thay tướng giữa mùa ngay hoặc thậm chí là sớm hơn dù cho HLV của họ có hoặc không thực sự gây thất vọng. Thay vào đó, BLĐ những đội bóng này liên tục nhìn ngó, “quét” mọi mạng lưới để tìm kiếm những HLV phù hợp. Nếu cơ hội xuất hiện, họ sẵn sàng tạm biệt luôn với HLV đương nhiệm và bổ nhiệm người thuyền trưởng mới ngay lập tức. Man City, Liverpool và Chelsea đang đi hướng này.
Man City, Liverpool và Chelsea khắc nghiệt với các HLV ra sao?
Pep Guardiola của Man City, đương kim vô địch Premier League và là người đã giúp đội bóng này giành ¾ danh hiệu kia ở 4 mùa giải gần nhất được bổ nhiệm không phải bởi CLB này đã sa thải tiền nhiệm Manuel Pellegrini mà đơn giản, BLĐ thấy cần phải thế mà thôi.
Trên thực tế, vào đầu tháng 2 năm 2016, khi Manuel Pellegrini tuyên bố sẽ ra đi vào cuối mùa giải đó, vì câu lạc bộ đã quyết định bổ nhiệm Guardiola chứ không phải bởi Man City chỉ giành ngôi á quân Ngoại hạng Anh. Thời điểm Pellegrini rời đi cũng là lúc Guardiola thông báo chia tay Bayern sau khi mùa 2016/17 hạ màn. Rõ ràng, Man City phải lập tức vào cuộc vì Guardiola rõ ràng là một sự nâng cấp và sự chuyển đổi phù hợp với tham vọng và mục tiêu của Man City hơn là Pellegrini.
Điều tương tự cũng xảy ra ở Liverpool, đội bóng đã đưa ra quyết định mang tính bước ngoặt và được coi làm thay đổi lịch sử CLB là đưa Juergen Klopp lên thay Brendan Rodgers. Ở mùa 2013/14 , Liverpool suýt nữa đã vô địch giải Ngoại hạng Anh dưới sự dẫn dắt của HLV Rodgers. Nhưng sự non nớt của ông ở thời điểm quyết định đã khiến Liverpool phải ngậm ngùi.
Sang tới mùa 2014/15, Liverpool tưởng như sẽ báo thù thành công thì họ chỉ xếp thứ 6 và có sự khởi đầu không tốt trong giai đoạn đầu mùa giải 2015/16. Tuy nhiên, khoảng cách giữa Liverpool và top 4 chỉ là 3 điểm. Cơ hội cho Rodgers xoay chuyển tình thế là rất nhiều và nếu khi xưa, chắc chắn mọi thứ vẫn sẽ rất ổn với ông.
BLĐ Liverpool nhận thấy Rodgers có thể sẽ giúp đội nhà vượt khó và có thể sẽ có suất trong top 4 và dự Champions League nhưng họ nhận thấy mình cần nhiều hơn thế và cái tên Klopp đang có sẵn ngoài kia là phương án hoàn hảo thay vì dành cơ hội tiếp cho Rodgers.
Thực tế chứng minh, Klopp vừa đến Liverpool, CLB giành 2 chức Á quân ở đấu trường cúp. Dần dần, Klopp thay đổi và giúp Liverpool trở thành đối thủ cạnh tranh khó chịu nhất với Man City ở Ngoại hạng Anh trong những năm qua. Đỉnh cao của Klopp tại Liverpool là đưa CLB vô địch Champions League và sau đó chấm dứt “cơn khát” Ngoại hạng Anh ở mùa 2019/20.
Điều này cũng đúng ở Chelsea khi BLĐ đưa Thomas Tuchel về thay cho huyền thoại Frank Lampard. Lampard ở mùa đầu tiên tiếp quản Chelsea đã làm quá tốt khi giúp Chelsea lọt vào top 4 dù không được mua sắm vì án cấm chuyển nhượng. Bên cạnh đó ông cũng trình làng lứa trẻ đầy triển vọng cho Chelsea.
Nhưng sang mùa giải thứ 2, Lampard gặp khó và Chelsea buộc phải bổ nhiệm Thomas Tuchel. Vấn đề lớn nhất là BLĐ nhìn thấy Lampard đã tới “giới hạn” và Tuchel sẽ phù hợp cho những gì Chelsea hướng tới. Kết quả? Tuchel tạo ra 1 Chelsea đáng gờm với chức vô địch Champions League 2020/21, Siêu cúp châu Âu 2021 và hiện dẫn đầu trên BXH Ngoại hạng Anh 2021/22.
Bạn có nhìn thấy điểm chung giữa cách làm của Chelsea, Man City và Liverpool?
Đó là họ bổ nhiệm rất nhanh và chính xác. Nó cho thấy sự chuẩn bị từ rất lâu của BLĐ và tầm nhìn hoàn hảo trong việc lựa chọn thuyền trưởng mới. Nhiều CLB sa thải HLV nhưng phải mất vài tuần thậm chí là vài tháng để có người mới còn các đội bóng kia thì không.
Điều tương tự cũng đúng với trường hợp của Antonio Conte tại Tottenham Hotspur. 24 giờ sau khi Nuno Santo bị sa thải, Conte lập tức được bổ nhiệm. Rõ ràng chủ tịch Daniel Levy đã dự phòng cho trường hợp xấu nhất và Conte đến cũng rất phù hợp dù cho ông có ít thời gian để làm quen và phải dẫn dắt CLB thi đấu 2 trận khác nhau ở 2 đấu trường. Còn lúc này, ông sẽ có thêm thời gian để chuẩn bị mọi thứ khi các giải VĐQG nghỉ tới 2 tuần để nhường chỗ cho ĐTQG.
Nói tóm lại, các đội bóng hàng đầu ở Anh đang đi theo những con đường khá giống nhau, nhưng Man United thì vẫn… tỉnh bơ. Chẳng thế mà suốt 3 năm qua, họ vẫn trung thành với HLV Ole Gunnar Solskjaer dù từng có cơ hội để sở hữu Tuchel, Pochettino và Conte.
10 hay 20 năm trước, chúng ta vẫn quen với khái niệm về một huấn luyện viên người Anh kiểu cũ, hay gọi là Manager (quản lý) thì sẽ chính xác hơn. 1 Manager sẽ phụ trách mọi thứ ở một câu lạc bộ, từ chuyển nhượng, huấn luyện đến chiến thuật. Phần lớn được áp dụng ở các CLB Anh và số ít là HLV theo đúng nghĩa.
Giờ đây, Premier League đã áp dụng mô hình “châu Âu” gồm một giám đốc thể thao và một huấn luyện viên đội một, việc thay đổi sẽ dễ dàng hơn. 1 HLV luôn phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho việc bị sa thải nếu đội bóng đi sai hướng. Đây thường là lý do biện minh cho việc Watford thường xuyên sa thải những HLV và không phải ngẫu nhiên mà chủ sở hữu của họ là người Ý.
Serie A từng là giải đấu khắc nghiệt nhất thế giới và chẳng ai xa lạ với việc 1 CLB tại đây có thể bổ nhiệm tới 2 HLV (chưa bao gồm tạm quyền) trong một mùa giải. Giờ đây thì chúng ta có thể thấy tại Anh đang “học hỏi” phương pháp đó. Chỉ có một huấn luyện viên bị sa thải trong mùa giải đầu tiên của Premier League 1992/93. Nhưng tới thời điểm này của mùa 2021/22, Ngoại hạng Anh chứng kiến tới 5 HLV mất việc và con số này chưa dừng lại ở đó.
Man United dửng dưng
“Văn hóa sa thải HLV” đang phát triển mạnh ở Ngoại hạng Anh nhưng nó lại chưa thực sự được “đồng bộ hóa” ở Man United. Ole Gunnar Solskjaer hiếm khi được cho là có khả năng phát huy hết khả năng tốt nhất nhưng quân bài trong tay.
Minh chứng rõ nét nhất là Man United rất nhiều lần dừng bước ở bán kết dưới thời Solsa hay không thể đăng quang Europa League dù đối thủ chỉ là Villarreal. Hãy khoan nói Villarreal khó chịu như thế nào nhưng vấn đề của Solsa là ông không thể làm tốt nhất hay đúng hơn, tư duy chiến thuật của “Vua dự bị” ngày nào chỉ có thế.
Ấy thế mà ông vẫn ung dung thoải mái ở Old Trafford nhờ sự “bảo kê” của Sir Alex và nhiều thành viên trong BLĐ. Họ sợ sa thải Solsa? Không hẳn. Đó có thể do nhận thức và suy nghĩ từ những người đứng đầu ở Old Trafford. Man United có thể không vô địch hoặc chẳng cần vô địch nhưng họ vẫn là “con gà đẻ trứng vàng” và mang tới vô số lợi nhuận cho giới chủ người Mỹ còn Ed Woodward thì quả là “thiên tài kinh tế” khi đem về cho CLB vô số bản hợp đồng kếch xù. Về khoản này, Man United đáng để các CLB khác học hỏi nhưng có tiền chẳng đồng nghĩa với có danh hiệu.
Điều đáng lo ngại nhất với Man United là họ không nhận ra xu thế, không bắt kịp “trend” để thay đổi và thích nghi. Man United lạc lối từ khi Sir Alex giải nghệ và giờ vẫn cứ lạc trôi…
DUY PHONG
Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/khong-sa-thai-solskjaer-cho-thay-su-tut-lui-cua-man-united-a8907.html