Theo Hollywood Reporter, sự phát triển như vũ bão của dịch vụ phát trực tuyến, loạt phim thành công như Squid Game kéo theo nghề làm phụ đề phim ăn nên làm ra.
Hiện tại, ngành công nghiệp phụ đề phim bận rộn hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, khi số lượng phim, các chương trình truyền hình gia tăng, việc phụ đề gặp nhiều khó khăn. Bởi, không phải ai cũng am hiểu văn hóa, thuật ngữ chuyên ngành của các quốc gia khác.
Chất lượng phụ đề phim xuống cấp
Hollywood Reporter đưa tin các nền tảng phát trực tuyến đa quốc gia đang chi số tiền lớn vào phim nước ngoài. Chỉ tính riêng phim Hàn Quốc, ông lớn phát trực tuyến chi hơn nửa tỷ USD để đầu tư. Trong khi đó, HBO Max tăng lượng lớn phim quốc tế, đảm bảo khán giả toàn cầu tiếp cận phim của nhiều nền văn hóa khác nhau.
Không sai khi nói dịch vụ phát trực tuyến thúc đẩy sự giao lưu quốc tế, đặc biệt văn hóa nước khác tại thị trường sử dụng tiếng Anh.
Tuy nhiên, những người trong ngành công nghiệp cho rằng chính các ông lớn phát trực tuyến khiến thị trường phụ đề xuống cấp. Lương thấp, lượng công việc lớn dẫn đến chất lượng phụ đề các phim giảm.
Chính điều đó dẫn đến hệ lụy dịch sai nội dung phim, ý nghĩa câu nói và gây phản cảm với khán giả rành về bộ phim, văn hóa của quốc gia đó.
Khi được hỏi về việc kiểm soát chất lượng phụ đề, đại diện của Netflix nói: “Chúng tôi thừa nhận phần phụ đề và lồng tiếng của Netflix chưa phải là tuyệt vời. Chúng tôi không ngừng làm việc để cải thiện”.
Người trong ngành lại cho rằng người làm phụ đề luôn đối mặt thách thức. Thông thường, họ phải dịch câu thoại với số lượng chữ tương tự, khớp với phần tiếng, đồng thời phải đảm bảo ý nghĩa, không làm ảnh hưởng đến hành động của nhân vật.
Cảnh tách kẹo nổi tiếng trong bộ phim Squid Game. Ảnh: Netflix. |
Điều đó tưởng là dễ nhưng thực tế không phải. Khi dịch phim nước ngoài, người làm phụ đề khó khăn vì không am hiểu văn hóa quốc gia đó.
Tại các quốc gia châu Á, họ có cách xưng hô riêng dành cho anh chị em, cô dì chú bác. Những đại từ xưng hô đó đôi khi cũng áp dụng cho người ngoài gia đình. Điều đó gây đau đầu cho đội dịch thuật khi muốn chuyển sang tiếng Anh.
Điều đó xảy ra với Squid Game. Trong tiếng Hàn, "oppa" được phụ nữ dùng để gọi anh trai, người đàn ông lớn tuổi hơn, đôi khi từ này có thể gọi người già, trẻ em. Trong khi đó, “ajumma” dùng để chỉ người phụ nữ trung niên đã kết hôn, đôi khi dịch sang tiếng Anh là “bà”.
Với thành công của Squid Game, Netflix buộc phải chịu cảnh bị soi xét. Siêu phẩm của ông lớn phát trực tuyến làm nhớ đến thành công của Parasite.
Để giới thiệu phim ở Hollywood, đạo diễn Bong Joon Ho mời Darcy Paquet - nhà phê bình phim, giảng viên và diễn viên thành thạo hai ngôn ngữ, hiểu rõ văn hóa Hàn Quốc - để hỗ trợ phần phụ đề phim.
“Tôi thảo luận nhiều với Bong Joon Ho khi dịch phim Parasite. Anh ấy hiểu rõ tầm quan trọng của việc dịch đúng nghĩa nên chúng tôi cùng thảo luận, xem đoạn nào cần nhấn mạnh nhưng đảm bảo ý nghĩa câu thoại”, Paquet nói.
Tuy nhiên, sự chú ý từng chi tiết, sự hợp tác giữa đội dịch thuật và đạo diễn là điều hiếm thấy, đặc biệt là trong thời kỳ phát triển mạnh của dịch vụ phát trực tuyến.
“Các công ty thường chú ý đến những loạt phim có tiềm năng thành công. Tuy nhiên, với lượng lớn phim khổng lồ đang phân phối, họ không thể duy trì chất lượng cho mọi sản phẩm”, một biên dịch viên người Hàn Quốc nói.
“Điều đó dễ nhìn thấy ở Kingdom - Vương triều xác sống. Sau khi phần một lan tỏa toàn cầu, chất lượng dịch thuật ở phần hai tốt hơn hẳn”, cô nói thêm.
Biên dịch viên được trả 225 USD cho một bộ phim địa phương phát trực tuyến dài 110 phút. Theo cô, với mức lương thấp như vậy, phần dịch thuật kém chất lượng là điều dễ hiểu.
Bất cập của nghề biên dịch
Theo Jason Gray, nhà sản xuất làm việc tại Loaded Films, phụ đề ở Nhật Bản được xem là bộ phận then chốt để kiếm tiền từ khán giả. Tuy nhiên, từ khi Netflix ra mắt ở Nhật năm 2015, số tiền trả cho đội biên dịch giảm mạnh, kéo theo chất lượng giảm.
Cựu biên dịch viên (giấu tên), người hiện là giảng viên phụ đề tại trường cao đẳng ở Tokyo nói: “Người có kinh nghiệm lâu năm bị giảm 25% lương, trong khi dân tập sự bị giảm một nửa số tiền phụ đề cho một bộ phim. Biên dịch viên được trả khoảng 300 USD/tập phim dài một giờ, trong khi trước đây là gấp đôi”.
Tại Nhật Bản, lượng lớn người làm phụ đề là cộng tác viên thuê ngoài, người làm biên dịch tự do. Điều đó dẫn đến tình trạng trả phí thấp cho nhân công, làm chất lượng dịch thuật giảm.
“Tại sao tập đoàn trị giá hàng tỷ USD như Netflix lại thuê nhân công ngoài thay vì tuyển nhóm có chuyên môn để đảm bảo chất lượng phim?”, một người trong ngành nói.
Tạo hình của Ju Ji Hoon trong Vương triều xác sống. Ảnh: Netflix. |
Tại Pháp, luật điện ảnh, truyền hình quy định người làm phụ đề được thừa nhận và xuất hiện trong phần danh đề ở cuối phim. Họ được tôn trọng và được xem là người sáng tạo tác phẩm, mang về doanh thu nhờ dịch sang tiếng nước ngoài.
Tuy nhiên, quốc gia châu Âu không thoát khỏi vòng xoáy của dịch vụ phát trực tuyến. Sự phát triển mạnh mẽ của Netflix, HBO Max… làm ảnh hưởng đến ngành phụ đề.
Isabelle Miller, chủ tịch ATAA - Hiệp hội các dịch giả lồng tiếng và phụ đề ở Pháp - nói: “Phát trực tuyến mang lại nhiều việc hơn nhưng lương giảm và chất lượng cũng đi xuống”.
Với phim của các quốc gia có ngôn ngữ chưa phổ biến, tiêu biểu là Hàn Quốc, bản dịch của các tác phẩm thường dịch lại từ bản dịch tiếng Anh.
Khi chiếu tại Pháp, Squid Game được dịch từ bản tiếng Anh. Điều đó khiến bản tiếng Pháp không thể tránh khỏi sai sót. “Tất nhiên, mọi sai sót đều bị đổ lỗi cho người Pháp”, Miller nói.
Theo Miller, Netflix và các công ty lớn không tốn nhiều chi phí cho các bản dịch chất lượng cao. “Nếu không trả tiền cao hơn cho đội ngũ biên dịch để họ dịch đúng cách, thì họ có đáng sản xuất phim không?”, Miller nói.
Trạch Dương
Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/phu-de-phim-cua-netflix-xuong-cap-a8839.html