TP.HCM cho phép mở quán ăn tại chỗ: Vừa kinh doanh vừa nghe ngóng

Ghi nhận của PV vào ngày 28/10, hầu hết các quán ăn, nhà hàng, đặc biệt là quán cà phê vẫn chưa phục vụ bán tại chỗ trở lại.

Chỗ mở, chỗ cửa đóng then cài

Ghi nhận của PV trên nhiều tuyến đường, vốn là những “thủ phủ” của điểm tâm sáng, cà phê với người xe nườm nượp trước thời điểm dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện tại hầu hết các quan kinh doanh này vẫn chỉ chủ yếu phục vụ bán mang về. Hoặc phần nhiều “cửa đóng then cài”, chưa “khai trương” trở lại sau thời gian dài đóng cửa.

Điển hình như trên đường Lê Quý Đôn, Ngô Thời Nhiệm, Tú Xương, Điện Biên Phủ, Trần Quốc Thảo, Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3) hay Alexande de Rohre, Mặc Đĩnh Chi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1)… có rất nhiều quán phục vụ điểm tâm sáng và cà phê nhưng hầu hết vẫn đóng cửa.

Tiêu dùng & Dư luận - Tp.HCM cho phép mở quán ăn tại chỗ: Vừa kinh doanh vừa nghe ngóng

Nhiều hàng quán vẫn đóng cửa.

Như quán cà phê Góc phố, Cau Ta, Legend… chưa hoạt động, phục vụ trở lại. Đây vốn là những quán cà phê lớn, có lượng khách nhiều, phục vụ cả điểm tâm sáng. Hay các quán cà phê nhỏ hơn, như: 33 cà phê, Phố cà phê, Mike Cafe cũng chưa mở cửa.

Hệ thống Ông Bầu cà phê đã cho khách ngồi tại chỗ, nhưng lượng khách khá ít ỏi.

Tiêu dùng & Dư luận - Tp.HCM cho phép mở quán ăn tại chỗ: Vừa kinh doanh vừa nghe ngóng (Hình 2).

Nhiều quán ăn, uống chưa có dấu hiệu hoạt động phục vụ tại chỗ trở lại.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, chủ quán cà phê Phố (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết: "Sở dĩ vẫn đóng cửa là do tâm lý e ngại của khách khi ngồi ăn uống tại chỗ nên chúng tôi chưa thể mở cửa. Đa phần mọi người vẫn còn chút e ngại dịch bệnh, hạn chế tiếp xúc gần với người xung quanh. Bên cạnh đó phải đảm bảo theo quy định phục vụ 50% công suất nhưng không gian khá hẹp do đó, chúng tôi không thể mở cửa lúc này”.

Tương tự, ông Nguyễn Phi Hùng, chủ một hệ thống 3 quán cà phê trên địa bàn TP.HCM cho biết: “Vẫn chưa thể mở cửa, lý do là phải đáp ứng theo bộ tiêu chí đánh giá an toàn của Thành phố để được phép hoạt động phục vụ tại chỗ. Chúng tôi phải tuân thủ theo bộ tiêu chí này nên đang trong quá trình chuẩn bị để mở cửa phục vụ trở lại khi điều kiện cho phép”.

Tiêu dùng & Dư luận - Tp.HCM cho phép mở quán ăn tại chỗ: Vừa kinh doanh vừa nghe ngóng (Hình 3).

Việc hoạt động trở lại phải đáp ứng nhiều tiêu chí, buộc các cơ sở tuân thủ.

Tuy nhiên, đáng lo ngại là tình trạng một số quán xá phục vụ tại chỗ không đảm bảo các quy định an toàn, nhất là về khoảng cách và buộc khách hàng phải đeo khẩu trang. Ghi nhận của Người Đưa Tin tại một số quán cà phê, lượng khách dù chưa chật kín nhưng rất nhiều người không đeo khẩu trang. Bên cạnh đó, khoảng cách giữa các bàn phục vụ tại chỗ chưa đảm bảo khoảng cách.

Kiểm tra, nhắc nhở tuân thủ quy định phòng, chống dịch

Trao đổi với PV, ông Đỗ Khánh Du, Phó Chủ tịch UBND phường 26, quận Bình Thạnh cho biết: "Hầu như mỗi ngày đều có 3 tổ đi kiểm tra các cơ sở buôn bán ăn uống. Từ thời điểm Thành phố cho phép bán mang về cho tới hôm nay, việc kiểm tra, nếu phát hiện cơ sở nào không đáp ứng các tiêu chí và các quy định về phòng chống dịch bệnh thì chúng tôi sẽ lập biên bản, xử phạt theo đúng quy định của pháp luật".

Trước đó, ngày 27/10 UBND TP.HCM đã cho phép các cửa hàng quán ăn được phục vụ tại chỗ, bắt đầu từ ngày 28/10, với 50% công suất và phải đóng cửa trước 21h hàng ngày. Đồng thời, UBND Thành phố này cũng ban hành Bộ tiêu chí để đánh giá các cơ sở được phục vụ tại chỗ.

Tiêu dùng & Dư luận - Tp.HCM cho phép mở quán ăn tại chỗ: Vừa kinh doanh vừa nghe ngóng (Hình 4).

Một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã mở cửa nhưng chỉ phục vụ lượng khách hạn chế.

Như vậy, các cơ sở muốn hoạt động trở lại phải đáp ứng theo các tiêu chí này. Trong đó, có khá nhiều tiêu chí chặt chẽ để phòng, chống dịch như: cơ sở phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và có đăng ký mã QR, khách hàng phải thực hiện nghiêm 5K, quét mã QR và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Nhân viên phục vụ, người bán hàng, người giao - nhận hàng, người đến liên hệ cơ sở (người làm việc) thực hiện nghiêm 5K, quét mã QR và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Người làm việc tại cơ sở phải tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin đủ 14 ngày hoặc mắc Covid-19 khỏi bệnh dưới 6 tháng. Cơ sở phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 tầm soát, sàng lọc, định kỳ hoặc khi người làm việc có một trong các biểu hiện sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất khứu giác và vị giác, khó thở...

Tiêu dùng & Dư luận - Tp.HCM cho phép mở quán ăn tại chỗ: Vừa kinh doanh vừa nghe ngóng (Hình 5).

Nhiều người vẫn không đeo khẩu trang tại quán cà phê. (Ảnh chụp clip).

Chủ cơ sở có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở, có phương án tổ chức kinh doanh, công khai số lượng khách tối đa được ăn uống tại cơ sở cùng một thời điểm.

Ngoài ra, phải báo cáo phương án tổ chức kinh doanh, biện pháp kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở cho UBND phường, xã, thị trấn để quản lý, giám sát.

Tiêu dùng & Dư luận - Tp.HCM cho phép mở quán ăn tại chỗ: Vừa kinh doanh vừa nghe ngóng (Hình 6).

Việc khách không đeo khẩu trang là đáng lo ngại, khi dịch vẫn còn phức tạp. 

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cho phép quận 7 và TP.Thủ Đức được thí điểm hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống có bán, sử dụng đồ uống có cồn tại một số địa bàn do Chủ tịch UBND quận 7 và Tp.Thủ Đức quyết định. Thời gian thí điểm đến ngày 15/11.

Sau khi thí điểm, Chủ tịch UBND quận 7, Tp.Thủ Đức đánh giá, rút kinh nghiệm, đề xuất UBND TP.HCM nhân rộng các địa bàn khác.

Thanh Tùng

Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/tphcm-cho-phep-mo-quan-an-tai-cho-vua-kinh-doanh-vua-nghe-ngong-a8685.html