Mỹ đã trở thành điểm đến số một cho các cơ sở đào Bitcoin sau khi lần đầu tiên vượt qua Trung Quốc. Dù xu hướng gần đây đã cho thấy dấu hiệu của điều này, dữ liệu từ Đại học Cambridge đã chính thức xác nhận thực tế ấy.
Vào tháng 7/2021, 35% hashrate của Bitcoin - một chỉ số dùng để mô tả tổng năng lực giải thuật toán của giới đào Bitcoin - đến từ Mỹ, theo Trung tâm Tài chính Thay thế Cambridge, tăng 428% so với tháng 9/2020.
Khoảng một năm trước, Trung Quốc dẫn đầu thế giới về hashrate với khoảng cách khá xa so với các quốc gia còn lại. Tuy nhiên, chiến dịch trấn áp tiền mã hóa của chính phủ Trung Quốc đã loại bỏ một nửa số hệ thống đào tiền mã hóa của thế giới chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi.
Các “thợ đào” bắt đầu lũ lượt rời khỏi Trung Quốc và hướng về phía những quốc gia có giá điện thấp nhất có thể - một hiện tượng được một số người đặt tên “Đại di cư thợ đào”. Nhiều người trong số đó đã đến Mỹ. Kết quả là dữ liệu từ Cambridge cho thấy tỉ lệ hashrate toàn cầu của Trung Quốc đã tụt xuống 0% từ mức 67% vào tháng 9/2020.
"Thánh địa" của giới đào Bitcoin
Nước Mỹ có nhiều đặc điểm khiến nơi đây trở thành nơi hoạt động lý tưởng của các thợ đào Bitcoin từ nước ngoài.
Thứ nhất, một số bang như Texas có giá điện thuộc hàng thấp nhất thế giới - lợi thế lớn cho các thợ đào phải cạnh tranh trong một lĩnh vực có biên lợi nhuận thấp và chi phí biến đổi duy nhất thường là tiền điện.
Thêm vào đó, Mỹ cũng là nước có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào. Bang Washington là "thánh địa" của các cơ sở đào Bitcoin lấy năng lượng từ thủy điện. New York sản xuất điện từ thủy điện nhiều hơn bất cứ bang nào nằm phía đông dãy Rocky và đồng thời tính điện hạt nhân vào mục tiêu sản xuất điện 100% không carbon. Trong khi đó, tỉ lệ năng lượng tái tạo tại Texas đang tăng dần - 20% điện sản xuất tại bang này đến từ nguồn điện gió. Mạng lưới điện tại Texas cũng đang nhanh chóng có thêm các nguồn điện gió và mặt trời mới.
Các thợ đào Bitcoin tại Mỹ cùng đang sử dụng năng lượng từ các nhà máy điện hạt nhân và một số đã tận dụng các nguồn bị dư thừa, chẳng hạn như khí tự nhiên thoát ra từ các mỏ dầu khắp bang Texas. Điều này giúp phần nào giảm khí nhà kính trong khi tạo ra doanh thu cho nhà cung cấp và cơ sở đào tiền.
Adam Back, CEO của Blockstream, nói rằng: “Đào Bitcoin là hoạt động nhạy cảm với giá điện, do đó cơ sở đào thường tìm nguồn điện có giá thấp nhất và những nguồn đó thường là năng lượng tái tạo. Năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch thường cao hơn do chi phí khai thác, tinh luyện và vận chuyển”.
Bên cạnh giá điện thấp, một số bang như Texas cũng có các nhà lập pháp thân thiện với tiền mã hóa và hạ tầng đầy đủ cho các thợ đào. Texas còn có lưới điện dùng giá giao ngay theo thời gian thực, cho phép khách hàng chọn giữa các nhà cung cấp. Đó là những điều kiện trong mơ cho các thợ đào mong muốn nguồn năng lượng giá rẻ dồi dào.
May mắn và sẵn sàng
Việc Mỹ trở thành quốc gia đứng đầu về Bitcoin cũng xảy ra nhờ vào may mắn kết hợp với hành động chuẩn bị sẵn sàng, khi mà năng lực về hạ tầng của Mỹ đã được tăng cường trong nhiều năm liền.
Trước khi các cơ sở đào Bitcoin bắt đầu di cư hàng loạt sang Mỹ, các công ty khắp quốc gia này đã đánh cược vào việc điều này xảy ra nếu cơ sở hạ tầng của nước Mỹ cho phép. Khi giá Bitcoin lao dốc vào cuối năm 2017 và cả thị trường này trở nên nguội lạnh, nhu cầu cơ sở đào Bitcoin quy mô lớn cũng giảm sút. Những người điều hành đào Bitcoin tại Mỹ đã nắm lấy cơ hội này và xây dựng “hệ sinh thái” đào Bitcoin tại đây với chi phí thấp.
Mike Colyer, CEO của công ty tiền điện tử Foundry, nói rằng các cơ sở đào quy mô lớn và được niêm yết đã có thể huy động vốn và mua sắm thêm nhiều thiết bị cùng hạ tầng. Foundry đã mang lượng thiết bị đào Bitcoin trị giá 300 triệu USD đến Mỹ.
Theo Alex Brammer từ Luxor Mining, một công ty đào Bitcoin dành cho các nhóm đào cao cấp, thị trường vốn và các công cụ tài chính đang hoàn thiện xung quanh ngành đào tiền mã hóa đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành này ở Mỹ. Nhiều công ty đào Bitcoin đã nhanh chóng phát triển và tăng quy mô hoạt động nhờ bảo đảm nguồn tài chính thông qua đòn bẩy lợi nhuận qua nhiều năm và sử dụng vốn hiện có làm thế chấp.
Đại dịch Covid-19 cũng đóng vai trò nhất định. Dù đại dịch đã làm ngưng trệ nhiều ngành nghề của nền kinh tế, các khoản kích thích kinh tế từ chính phủ cũng kích thích mọi người đầu tư nhiều hơn vào thị trường tiền mã hóa, bao gồm cả hoạt động đào Bitcoin bên ngoài Trung Quốc.
Theo: Người Đưa Tin
Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/my-vuot-trung-quoc-dung-dau-the-gioi-ve-dao-bitcoin-a8515.html