Chiều 12/10, Đoàn ĐBQH TP.HCM tổ chức làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM về việc thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội, các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các giải pháp để kiểm soát dịch Covid-19, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn trong thời gian tới.
Giãn cách triệt để, xét nghiệm thần tốc
Thay mặt Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã trình bày báo cáo đến Đoàn ĐBQH TP.HCM.
Về thực hiện giãn cách, Thành phố này đã tổ chức đợt cao điểm tăng cường thực hiện một số biện pháp giãn cách xã hội trong tháng 9, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm. Đợt cao điểm đã được người dân ủng hộ, chấp hành và tham gia thực hiện.
Các lực lượng tăng cường (quân đội, công an, y tế) và lực lượng của Tp.HCM được triển khai nhanh chóng, kịp thời và đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng. Các pháo đài đã cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ chức trách của mình.
Các địa phương tích cực triển khai quyết liệt các biện pháp chuyển hóa địa bàn, gắn liền với việc phát triển phong trào tự quản “Bảo vệ vùng xanh”, đã thu hẹp nhanh số địa bàn “vùng đỏ”, “vùng cam”, mở rộng “vùng xanh”, “vùng vàng”.
Ông Dương Anh Đức cho biết, trong giai đoạn thực hiện tăng cường giãn cách, TP.HCM đã chỉ đạo 22 quận, huyện, TP.Thủ Đức thực hiện việc cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân thông qua phương thức “đi chợ hộ”; tại 312 phường, xã, thị trấn, tổ Covid-19 cộng đồng.
Các lực lượng tình nguyện, lực lượng tăng cường tại địa phương cùng tham gia hỗ trợ “đi chợ hộ” với tần suất 1 lần/tuần và tổ chức phân phối trực tiếp đến người dân, đã tổ chức “đi chợ hộ” cho trên 2,58 triệu hộ, đáp ứng trên 99,8% số hộ có nhu cầu.
Từ ngày 9/7 đến 15/8 (từ khi thực hiện giãn cách xã hội toàn TP.HCM theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đến khi thực hiện theo Nghị quyết số 86/NQ-CP), công tác xét nghiệm của TP.HCM chuyển hướng sang xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm.
Thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Y tế, TP.HCM đã tập trung xét nghiệm tại các khu vực có nguy cơ rất cao (lấy mẫu toàn bộ người dân 3 ngày/lần) và vùng nguy cơ cao (lấy mẫu toàn dân 7 ngày/lần).
Đối với các khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, nếu cần xét nghiệm tầm soát rộng thì thực hiện lấy mẫu đại diện gia đình, xét nghiệm mẫu gộp; dành nguồn lực để tăng tần suất đối với khu vực bệnh viện, các đối tượng nguy cơ cao.
Từ ngày 15/8 đến 30/9 (từ khi thực hiện Nghị quyết số 86/NQ-CP), công tác xét nghiệm chuyển hướng sang xét nghiệm “thần tốc”. Thành phố này đã ban hành Kế hoạch tổ chức công tác xét nghiệm và nhiều công văn triển khai thực hiện
"Địa phương huy động 1.533 đội lấy mẫu gồm 383 đội cơ hữu tại địa phương, 407 đội thuộc lực lượng đoàn viên thanh niên tình nguyện, 743 đội thuộc lực lượng tình nguyện từ các đơn vị và các tỉnh; đồng thời huy động 36 đơn vị xét nghiệm và 13 xe xét nghiệm lưu động do Bộ Y tế và các đơn vị hỗ trợ", ông Dương Anh Đức trình bày.
Trong đợt này ngoài xét nghiệm RT-PCR được thực hiện xuyên suốt trong quá trình chống dịch, TP.HCM triển khai rộng việc xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho các vùng nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và phù hợp với tình hình của TP.HCM.
Lãnh đạo UBND TP.HCM cũng chỉ ra: "Trong các giai đoạn diễn biến dịch, TP.HCM luôn xác định xét nghiệm là công cụ quan trọng giúp khống chế, bao vây, dập dịch hiệu quả và đã luôn tập trung cao cho công tác xét nghiệm.
Chiến dịch xét nghiệm đợt 7 được đánh giá thành công nhất, xét nghiệm trên diện rộng nhất với thời gian ngắn nhất, tỷ lệ dương tính liên tục giảm ở tất cả các vùng nguy cơ".
Đây là đợt xét nghiệm thần tốc nhất từ trước đến nay, trong thời gian ngắn, chỉ 7 ngày đã hoàn thành 3 vòng xét nghiệm, bóc tách ra khỏi cộng đồng trên 35.000 ca dương tính, giảm đáng kể nguồn lây trong cộng đồng, những ca dương tính có điều kiện quản lý chăm sóc và kịp thời chuyển viện khi trở nặng, nhờ thế số ca tử vong giảm rõ rệt.
Số ca mắc mới ngày càng giảm
Bên cạnh đó, TP.HCM nỗ lực rất lớn để đầu tư củng cố hệ thống điều trị về số lượng và chất lượng, trong thời gian ngắn đã thiết lập được 95 bệnh viện điều trị Covid-19, trong đó có 10 bệnh viện thuộc tầng 3 và 85 bệnh viện thuộc tầng 2 với tổng số giường khoảng 60.000 giường.
Trong đó, số giường hồi sức tích cực theo tiêu chí của Bộ Y tế là trên 6.000 giường, đảm bảo đáp ứng tiêu chí của Bộ Y tế.
Trong giai đoạn cao điểm kiểm soát dịch, từ ngày 23/8 đến ngày 30/9, TP.HCM có 73.579 ca bệnh xác định bằng RT-PCR, số ca bệnh trung bình mỗi ngày khoảng 4.905 ca.
Ông Dương Anh Đức nói: "Đến nay, TP.HCM có trên 400.000 trường hợp mắc bệnh, trên 222.000 bệnh nhân đã xuất viện (không kể các trường hợp điều trị tại tầng 1 và tại nhà đã khỏi bệnh), đang điều trị 23.000 bệnh nhân, có 15.700 trường hợp tử vong".
Số ca mắc mới hàng ngày giảm, còn trong khoảng 1.000 – 2.000 người. Số trường hợp tử vong hàng ngày đến nay đã giảm dưới hai con số, phản ánh tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố này đã được kiểm soát tốt.
Mô hình thí điểm chăm sóc và quản lý F0 tại nhà hiện góp phần rất lớn giảm quá tải cho các cơ sở cách ly và cơ sở điều trị Covid-19. Số lượng F0 cách ly điều trị tại nhà chiếm khoảng 40% so với tổng số người F0 đang quản lý trên địa bàn.
"Tỉ lệ người F0 cần nhập viện điều trị từ ngày 23/8 đến nay có xu hướng giảm mặc dù số người F0 đang cách ly tại nhà cao, cho thấy hiệu quả của chương trình cung cấp túi thuốc điều trị Covid-19 tại nhà cho người F0", đại diện Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM cho biết.
Hiện, đang có 26.000 trường hợp F0 đang được cách ly tại nhà, cùng với đó là trên 152.000 trường hợp F0 đã hồi phục và kết thúc thời gian cách ly tại nhà.
Đánh giá những mặt đã làm được, báo cáo chỉ ra công tác phòng, chống dịch của TP.HCM trong thời gian qua là chưa có tiền lệ.
Công tác y tế đã được triển khai với quy mô chưa từng có, song song với việc huy động tối đa nguồn lực tại chỗ và sự chi viện của các Bộ, ngành Trung ương, nhất là Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.
Công tác điều trị đã nỗ lực rất lớn để kéo giảm tỉ lệ bệnh nhân tử vong trong giai đoạn đầu chưa có thuốc đặc trị; đã phân tầng điều trị sát với diễn biến dịch bệnh từng thời điểm.
Nói về công tác tiêm chủng vắc-xin, ông Dương Anh Đức khẳng định điều này sớm được TP.HCM quan tâm, xác định tiêm vắc-xin có ý nghĩa quyết định chiến lược phòng chống dịch từ bị động sang chủ động; huy động và sử dụng tối đa mọi nguồn vắc xin.
Đến nay, TP.HCM có trên 98% dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1 và trên 72% dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 2, tạo tiền đề quan trọng cho việc thực hiện các biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội và phục hồi kinh tế.
Bên cạnh nguồn ngân sách, Thành phố này đã nhận được sự đóng góp vô cùng to lớn từ cộng đồng xã hội, các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo và sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố và phong trào thiện nguyện trong và ngoài nước chăm lo công tác an sinh.
Tuy nhiên, những tồn tại, hạn chế cũng được nhắc đến. Đặc thù TP.HCM có dân số đông, mật độ dân cư dày đặc, nhiều nơi sống chen chúc trong khi biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 là biến chủng nguy hiểm, không triệu chứng, lây lan nhanh. Người bị nhiễm có khả năng chuyển biến nguy kịch rất nhanh trong khi khoa học chưa có nghiên cứu nhiều về biến chủng này và cách phòng trị.
"Trong thời gian đầu dịch bùng phát, việc giãn cách xã hội toàn Thành phố này có lúc, có nơi còn chưa triệt để; vẫn còn một bộ phận người dân chưa ý thức, lơ là, chủ quan.
Một số trường hợp ca nhiễm do chưa phát hiện kịp thời, chậm chuyển viện điều trị, dẫn đến chuyển nặng, tử vong; công tác bố trí và điều phối nhân lực chưa hợp lý. Các hạn chế trên sau này đã được khắc phục và thực hiện tốt", ông Dương Anh Đức nhận xét.
Sự khác biệt về số lượng “vùng đỏ”, “vùng cam” và dân số giữa các quận, huyện và TP.Thủ Đức ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các đợt xét nghiệm, đồng bộ kết quả và nhất là nguồn lực để tiến hành xét nghiệm trong doanh nghiệp, trong cộng đồng, trong nhân dân trong thời gian tới.
Thành Nhân
Link nội dung: https://tv.thoibaovhnt.com.vn/tphcm-tinh-hinh-dich-benh-covid-19-duoc-kiem-soat-tot-a8496.html